Đẹp

6 thức uống mùa hè 'mát' hơn cả nước đá

Không cần bỏ thêm đá, những thức uống này có tính hàn, làm mát cơ thể từ bên trong, giải nhiệt và thải độc tốt.

Nước sâm

Nhắc đến nước mát uống vào ngày hè, người dân miền Nam sẽ nhớ tới ngay loại nước sâm bán nhiều ở lề đường. Thực tế, đây không phải là loại thức uống được nấu từ một nguyên liệu mà là tổng hợp nhiều loại thảo mộc như râu bắp, rong biển, lá dứa, mía lau, bọ mắm, cây mã đề, rễ tranh, cây lẻ bạn... Các loại này có tính hàn, vị hơi đắng, có tác dụng thanh nhiệt, nhuận tràng, thải độc, mát gan. Nước sâm sẽ giúp cơ thể mát từ bên trong, tác dụng lâu bền hơn các loại nước uống bỏ thêm đá.

Nước bột sắn

Nếu miền trong có nước sâm thì người dân ngoài Bắc lại ưa chuộng bột sắn làm thức uống thanh nhiệt những ngày hè. Đặc biệt, những người bị nóng trong, mụn nhọt, rôm sảy nên uống bột sắn để giảm tình trạng này từ nguyên nhân gốc rễ. Bột sắn khi pha có thể cho thêm đường, vắt chút chanh cho thơm và dễ uống hơn. Tác dụng của bột sắn khá nhanh và "mạnh mẽ" nên được ưa chuộng.

Sấu

Sấu là đặc sản ở Hà Nội, được người dân thủ đô chế biến làm nhiều món ăn vặt hay nước uống như ô mai sấu, sấu dầm muối ớt, sấu nấu canh thịt, canh ngao, rau muống luộc... Đặc biệt là nước sấu, có lẽ chẳng quán giải khát bình dân nào lại thiếu đi một bình sấu ngâm gừng và đường. Thực tế, đây là loại nước có tác dụng giải nhiệt rất tốt. Đông y cho rằng quả sấu lúc xanh có vị chua hơi chát, khi quả chín có vị chua, ngọt, tính mát, sử dụng để trị nhiều bệnh chứng như nhiệt miệng khô khát, ngứa cổ, đau họng, nổi mẩn, sưng, lở ngứa...

Nước đậu

Cũng theo Đông y, các loại đậu đỗ nói chung như đậu nành, đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen đều có tính mát, giúp cơ thể giải nhiệt từ bên trong. Trong đó, đỗ đen là đứng đầu bảng về công dụng này. Người ta có thể chế biến thành nhiều đồ uống ngon miệng như nước đậu nành thêm đường, nước đậu xanh thanh mát hay chè đỗ đen ăn với thạch đen. Để nước ngon hơn, trước khi nấu, bạn nên đem rang đậu cho chín, ngâm trong bình thủy và dùng như nước trà, uống trong ngày. Còn với món chè, bạn nấu cùng ít đường, đi ăn với đá lạnh để tăng cảm giác mát mẻ.

Bí đao

Theo Đông y, bí đao nằm trong danh sách các loại rau củ có tính hàn, được dùng làm vị thuốc thải độc, lợi tiểu, trị ung nhọt, táo bón do nóng. Nước ép bí đao tuy có tác dụng tốt nhất nhưng khó uống với nhiều người. Do đó, bạn có thể thay thế bằng các loại trà bí đao hay nước sâm bí đao, bằng cách để bí nguyên quả, nấu trong nồi nước với thục địa và các loại thảo mộc như lá nếp (dứa dại), râu ngô... đến khi bí mềm nhừ thì lọc lấy nước uống dần.

Nha đam

Nha đam vừa ngon vừa sạch, bạn có thể trồng tại nhà rồi chế biến, nấu chè hay nước nha đam để ăn dần vào ngày hè. Nha đam có công dụng thanh lọc, làm mát từ bên trong, vị thanh dễ uống, trị được cao huyết áp, béo phì, xơ gan. Bạn có thể nấu bằng cách gọt bỏ vỏ xanh, lấy phần trong trong thái hạt lựu, sau đó chuẩn bị nồi nước, cho đường phèn, nấu tan. Khi sôi, thả nha đam vào nấu lại rồi bỏ ra, uống dùng đá và thạch nếu thích.

Tác giả: Hà Nguyên

Nguồn tin: ngoisao.net

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok