Trong nước

‘6-8 bộ, hàng chục tỉnh có thể sáp nhập với nhau’

Theo tính toán của ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), việc hợp nhất một số bộ gần giống nhau, sáp nhập những tỉnh ít dân sẽ giúp giảm lượng biên chế khủng, tiết kiệm hàng nghìn tỷ.

Trả lời báo chí về chủ trương hợp nhất một số bộ ngành có nhiệm vụ, chức năng tương đồng cũng như sáp nhập những đơn vị hành chính để tinh gọn bộ máy theo tinh thần của nghị quyết 18 TƯ6, ĐB Phạm Văn Hòa, ủy viên UB Pháp luật của QH, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, hiện nay có khoảng 6-8 bộ và nhiều tỉnh có thể sáp nhập với nhau.

Ông dẫn chứng hiện nay có một số tỉnh dân số thấp, như Bắc Kạn chỉ hơn 300.000 dân, thậm chí có những tỉnh 700.000 - 800.000 dân có thể tính toán sáp nhập được.

ĐB Phạm Văn Hoà. Ảnh: Hoàng Anh

ĐB Đồng Tháp dẫn chứng kinh nghiệm sáp nhập Hà Tây với Hà Nội, dân số lớn như thế nhưng khi sáp nhập vẫn hoạt động hiệu quả thì tại sao các tỉnh khác không sáp nhập được. Lúc đầu có thể xảy ra xáo trộn về tổ chức bộ máy, nhưng sau một năm sẽ đi vào nề nếp.

“Cốt lõi quan trọng là hiệu quả tinh giản số lượng, giảm biên chế khủng. Giảm nguyên bộ máy một tỉnh gồm rất nhiều sở ban ngành, huyện, xã, riêng về biên chế nhập lại sẽ giảm hàng ngàn con người, sẽ giảm chi thường xuyên rất lớn, hàng nghìn tỷ đồng. Lấy tiền đó để dành cho đầu tư phát triển, an sinh xã hội thì người dân hưởng lợi” - ĐB Hoà nhấn mạnh.

Có thể giảm cả chục tỉnh, 3-4 bộ

Nhưng ngược lại, nhập 2 tỉnh lại sẽ gây khó khăn cho người dân trong đi lại làm thủ tục, giao dịch hành chính?

- Đúng là người dân đi lại khó khăn và cán bộ đi xuống cơ sở cũng khó khăn. Tuy nhiên hiện theo tôi biết cơ sở hạ tầng cũng tốt phần nào rồi, tất nhiên đồng bào miền núi thì điều kiện có khó khăn hơn.

Như vậy chúng ta giảm số tiền phát sinh, sẽ xin QH, CP giữ lại số tiền đó đầu tư cho cơ sở hạ tầng và an sinh xã hôi. Trong vài năm hạ tầng tốt hơn thì việc đi lại của người dân sẽ thuận lợi hơn, cán bộ xuống cơ sở địa phương cũng thuận lợi, dễ dàng.

Vấn đề đặt ra là trách nhiệm của cán bộ với công việc, với người dân như thế nào khi sáp nhập, có chịu đi xuống địa bàn khó khăn không, có bám sát địa bàn, gần gũi với người dân không, thì đó là một vấn đề.

Giữa bộ với tỉnh, theo ông nên thực hiện mảng nào trước?

- Tôi cho rằng, nhập tỉnh trước, sau đó sẽ xem xét sáp nhập các bộ có chức năng nhiệm vụ tương đồng...

Ngoài giảm đầu mối các bộ ngành quản lý dễ dàng thay vì 63 tỉnh thành như hiện nay là rất lớn, trong công tác thanh kiểm tra cũng khó khăn, cần số lượng cán bộ nhiều, nếu giảm đầu mối thì số lượng cán bộ sẽ giảm đi, sẽ thuận tiện.

Thuận lợi khác, là giảm nhiều biên chế, giảm đầu tư, giảm chi thường xuyên, lấy ngân sách đó đầu tư cho hạ tầng an sinh xã hội.

Theo tính toán của ông có thể giảm được bao nhiêu tỉnh, bao nhiêu bộ sau sáp nhập?

- Theo tính toán của tôi thì sau khi sáp nhập có thể giảm 10 tỉnh trở lên có quy mô dân số thấp; rồi có thể giảm được 3-4 bộ.

Cái khó là một số người sẽ mất chức

Bài học sáp nhập Hà Tây về Hà Nội, nhiều ý kiến khác nhau, người cho rằng rất tốt, nhưng có những người nói hệ quả nặng nề?

- Chẳng qua là vấn đề con người, sau khi khi nhập lại, thì có một số người, một bộ phận người bị mất chức. Những bộ phận đó người ta không vui, không hài lòng. Nếu không có sự kiểm tra giám sát thường xuyên sẽ dẫn đến sự hình thành lợi ích nhóm của địa phương.

Thời gian qua tôi thấy cũng không có vấn đề gì. Hà Nội cũng có trách nhiệm với Hà Tây, cũng dành ngân sách cho Hà Tây đi lên, vấn đề đó là tốt.

Vậy theo ông, vấn đề khó khăn nhất trong việc sáp nhập là gì và cách thực hiện như thế nào để tháo gỡ những khó khăn này?

- Cái khó nhất trong sáp nhập là vấn đề về con người, suy nghĩ của con người cũng chưa hài lòng lắm. Vấn đề khó khác nữa là địa bàn, địa hình phức tạp đồi núi. Quản lý rộng như thế chắc cũng khó khăn.

Con người ở đây chính là chức quyền, chức vụ, rồi phải tinh giản một số lượng con người nằm trong bộ máy rất lớn mà chúng ta biết đụng đến con người thì rất nhạy cảm, nhiều tâm tư; là đến chế độ chính sách, đến cuộc sống của con người đó, nên họ rất tâm tư.

Tôi nghĩ về lâu dài phải thực hiện, phải có lộ trình và tính toán thật kỹ, có đề án kế hoạch chi li cụ thể và lấy ý kiến rộng rãi trong dân, trong đội ngũ công chức, viên chức để tạo ra sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, để thực hiện đề án tinh giản biên chế đạt hiệu quả cao hơn.

Tác giả: Thu Hằng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok