Hội thảo thu hút nhiều nhà khoa học tham dự |
Đây là chia sẻ của ông Phạm Chí Thành Quyền Giám đốc- Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự tại hội thảo khoa học: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn được tổ chức mới đây.
Đây là hoạt động nhằm tiến tới kỷ niệm 50 năm công bố và thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (2/9/1969-2/9/2019), do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức.
Tại hội thảo, ông Phạm Chí Thành, Quyền Giám đốc- Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật cho biết, bản Di chúc lịch sử được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết từ năm 1965 đến năm 1969 và được Người sửa chữa, bổ sung qua các năm. Nội dung bản Di chúc được Người trù tính thấu đáo, vừa cụ thể, vừa bao quát toàn bộ công việc, từ việc riêng cho đến những việc trọng đại của quốc gia, dân tộc, nhân dân. Di chúc thể hiện cao tinh thần trách nhiệm và tâm huyết của Người đối với Đảng, với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng đất nước; với thế hệ trẻ, các tầng lớp nhân dân; với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; phản ánh tập trung những tư tưởng, đạo đức, tác phong và tình cảm cao đẹp của Người.
“50 năm đã qua, Di chúc của Người với những giá trị tư tưởng to lớn và đặc sắc đã trở thành Cương lĩnh hành động của toàn Đảng, toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” – ông Phạm Chí Thành nhấn mạnh.
Sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và ý nghĩa lịch sử. Việc thực hiện dân chủ trong Đảng và trong xã hội có bước chuyển biến tích cực, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy... Đa số cán bộ, đảng viên đã tích cực rèn luyện phẩm chất, năng lực, tiên phong, gương mẫu, năng động, sáng tạo trong công tác, đóng vai trò quan trọng trong công cuộc đổi mới.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa được bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy... Các thế lực phản động, thù địch lợi dụng những sơ hở, thiếu sót của ta trong quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội, trong đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí để tấn công quyết liệt trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận.
Vì vậy, Hội thảo là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa lớn, giúp công chúng hiểu rõ hơn hoàn cảnh ra đời, thấm nhuần nội dung và nhận thức sâu sắc hơn giá trị thực tiễn của Di chúc, trên cơ sở đó rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời góp phần vào việc tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, các đại biểu đã tập trung tham luận, thảo luận về bối cảnh ra đời, quá trình Chủ tịch Hồ Chí Minh viết, sửa chữa, bổ sung vào bản Di chúc, công bố và xuất bản Di chúc; công tác trưng bày, tuyên truyền và phát huy giá trị của Di chúc tại Bảo tàng Hồ Chí Minh và hệ thống bảo tàng, di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước.
Các đại biểu trình bày tham luận về giá trị lý luận và thực tiễn những lời căn dặn của Người được đề cập trong Di chúc; những thành tựu mà đã đạt được sau 50 năm thực hiện Di chúc trên các lĩnh vực; kết quả học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và sự vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người, nhất là tư tưởng trong bản Di chúc vào thực tiễn xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong 50 năm qua.
“Những ý kiến đóng góp, tham luận, thảo luận của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu tại hội thảo sẽ góp phần quan trọng giúp chúng ta sáng tỏ hơn về những giá trị trường tồn của bản Di chúc, tác phẩm đặc biệt của Người. Đồng thời đó là những tư liệu quan trọng để Bảo tàng Hồ Chí Minh và hệ thống chi nhánh trong cả nước tiếp tục nghiên cứu, tổ chức tốt hơn nữa nhiệm vụ phục vụ công chúng, độc giả đến tham quan, nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh” – TS Vũ Mạnh Hà- Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Tác giả: N. Huyền
Nguồn tin: Báo Infonet