Mẫu Sơn, Lạng Sơn
Trong vài năm gần đây, vùng núi Mẫu Sơn được xem là thiên đường tuyệt vời dành cho những người muốn đi “săn” tuyết. Ở độ cao trung bình từ 800 - 1.000m so với mực nước biển, Mẫu Sơn là một trong những khu vực lạnh nhất ở Việt Nam. Chính vì lẽ đó mà nơi đây được nhiều du khách tìm về để tận hưởng cảm giác lạnh thấu xương của mùa đông.
Đặt chân tới vùng núi Mẫu Sơn, bạn có thể chứng kiến tận mắt cảnh những bông tuyết phủ trắng mái nhà, lối đi hay đọng lại trên những cành cây, tán lá. Nhiều người nhận xét, cảnh đẹp của Mẫu Sơn quả thực chẳng kém khung cảnh ở trời Tây.
Sau khi ngắm tuyết rơi, du khách còn có thể tham quan các địa điểm nổi tiếng như: động Tam Thanh, núi Tô Thị, Ải Chi Lăng, đền Kỳ Cùng… Đến tối, được ngồi quây quần bên bếp lửa, cùng bạn bè, người thân thưởng thức bánh cuốn trứng nóng, vịt quay mắc mật, ếch hương, bò khai…. thì không còn gì sánh bằng.
Sa Pa, Lào Cai
Nằm ở độ cao 1.600m so với mực nước biển nên vào mùa đông, nhiệt độ ở Sa Pa thường xuống thấp từ 0 - 5 độ C. Nơi đây là một trong những địa danh hiếm hoi ở Việt Nam mà du khách có thể tận hưởng trọn vẹn khung cảnh băng giá phủ trắng rặng cây, núi đồi và tuyết rơi nhẹ nhàng, êm dịu tựa chốn tiên cảnh.
Điều tuyệt vời hơn nữa là khi những tia nắng mùa đông chiếu xuống, bức tranh Sa Pa càng trở nên lung linh hơn, làm mê mẩn bao tâm hồn mơ mộng.
Du khách lên Sapa có thể bắt gặp băng tuyết ở nhiều khu vực như Cổng Trời, thác Bạc, núi Hoàng Liên Sơn, đèo Ô Quy Hồ… Đi sâu hơn nữa vào đến địa phận xã Y Tý, huyện Bát Xát, bạn sẽ càng bất ngờ hơn với khung cảnh nơi đây.
Tây Côn Lĩnh, Hà Giang
Tây Côn Lĩnh vốn được các phượt thủ coi là “huyền thoại bậc nhất của Tây Bắc” bởi cung đường này sẽ khiến người ta phải trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc, từ ấm áp - rét mướt, căng thẳng – hạnh phúc và cả những cơn đói, khát thường trực. Không những thế, người nào đến Tây Côn Lĩnh cũng phải đi bộ qua quãng đường rừng khá vất vả để chinh phục điểm Bốt Đen huyền thoại.
Thế nhưng, nếu đã một lần đến đây vào mùa đông, ắt hẳn bạn sẽ không thể quên được cảnh băng tuyết phủ kín rừng cây, trải dài ngút tầm mắt, tạo nên khung cảnh ấn tượng có một không hai.
Ngoài ra, du khách có thể đến nhiều đỉnh núi cao của các xã Lũng Táo, Phó Bảng, Lũng Cú, Tả Lủng, Thài Phìn Tủng… (huyện Đồng Văn), hay Cán Chứ Phìn, Giàng Chứ Phìn, Thương Phùng, Xín Cái… (huyện Mèo Vạc) để ngắm nhìn tuyết rơi và băng giá.
Phia Oắc – Cao Bằng
Phia Oắc là cái tên còn khá xa lạ với nhiều người. Ở độ cao 1.930 m so với mực nước biển, dãy núi Phia Oắc được coi là nóc nhà của tỉnh Cao Bằng. Từ trên đỉnh núi nhìn xuống, bạn có thể hòa mình vào biển mây trắng, chẳng khác nào đứng giữa chín tầng mây.
Tuy Phia Oắc không thường xuyên có tuyết rơi như Sapa, nhưng nếu may mắn, bạn có thể trông thấy những bông tuyết vào mùa đông phủ kín cả đồng ruộng, rừng cây trắng xóa.
Phia Oắc cũng là nơi người Pháp chọn xây dựng các khu nghỉ dưỡng cao cấp dành cho binh lính và sĩ quan. Hiện nay, một số biệt thự cổ vẫn còn được lưu giữ và là điểm đến không thể bỏ qua khi đặt chân đến vùng đất này.
Tác giả: Hoàng Ngọc (Tổng hợp)
Nguồn tin: Báo Dân trí