Với diện tích rộng 809.440 hecta, được thành lập vào năm 1959, Ngorongoro vừa là khu bảo tồn động vật hoang dã vừa là công viên khảo cổ với các bằng chứng tiến hóa của con người bao gồm dấu vết của vượn người có niên đại lên đến 3,6 triệu năm. Đây là khu bảo tồn duy nhất ở Tanzania cho phép con người sinh sống, tuy nhiên việc sử dụng đất được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo cuộc sống sinh hoạt của con người không tác động tiêu cực đến sự tồn tại và phát triển của hệ động thực vật hoang dã.
Khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã Ngorongoro
Du khách có thể đi xuyên qua khu bảo tồn trên những chiếc xe và thỏa thích ngắm nhìn cuộc sống thiên nhiên hoang dã nơi đây
Oscar Baumann – nhà thám hiểm người Áo là người châu Âu đầu tiên đặt chân đến Ngorongoro vào năm 1892. Năm 1921, lần đầu tiên, pháp lệnh bảo tồn đã được thông qua, trong đó quan trọng nhất là việc hạn chế săn bắn. Đến năm 1928 thì việc săn bắn đã bị cấm toàn bộ tại đây và năm 1951 vườn quốc gia được chính thức thành lập, được Unesco đưa vào danh sách di sản thế giới vào năm 1979.
Người Maasai, cư dân của vùng đất, chăn lùa gia súc của họ trên khắp các vùng đồng bằng, cùng chia sẻ cảnh quan rộng lớn và nguồn thức ăn với những loại động vật hoang dã
Một ngôi làng của người Maasai
Nằm ở chính giữa Ngorongoro, trên độ cao gần 2000m là quang cảnh hùng vĩ của miệng núi lửa Ngorongoro Crater – núi lửa lớn nhất thế giới không còn hoạt động. Đường kính của núi lửa rộng đến 610m và chân núi rộng tới 260km2. Ngọn núi này được hình thành từ hai đến ba triệu năm trước. Năm 2013 Ngorongoro Crater được chọn là một trong những kỳ quan thiên nhiên của châu Phi, ngoài ra Ngorongoro còn có khe núi nổi tiếng dài 14km mang tên Oldval Gorge.
Vùng cao nguyên núi lửa có lượng mưa 800 đến 1.200 mm trong khi bên phía tây chỉ là 400-600 mm. Các nguồn nước ở quanh khu vực này như sông, đầm lầy… vừa là môi trường sống cho các loài hà mã, voi, sư tử vừa là nguồn cung cấp nước quan trọng cho người dân địa phương, đặc biệt là trong thời gian bị hạn hán.
Ngorongoro Crater là một miệng núi lửa lớn, không gián đoạn và là nơi sinh sống của hơn 25.000 loài động vật lớn, nhỏ ở Châu Phi
Môi trường thuận lợi của vùng đất khiến nó trở thành khu vực sống đa dạng của các động vật ăn cỏ với 1,3 triệu linh dương đầu bò, 0,6 triệu ngựa vằn, 0,9 con linh dương và một số lượng lớn của trâu, linh dương trâu phi, hươu cao cổ, lợn rừng, voi, hà mã, tê giác đen. Kèm theo đó là sự tồn tại đầy ấn tượng của động vật ăn thịt lớn và nhỏ bao gồm 7.500 con linh cẩu, 3.000 con sư tử, 1.00 con báo, 225 con beo và chó hoang. Nơi đây cũng là khu vực của các loại chim đặc hữu với hơn 500 loài chim được ghi nhận.
Báo, voi, tê giác đen và hà mã là các loài thú quý hiếm và đang bị đe dọa do nạn săn bắn tại khu bào tồn này.
Chim hồng hạc
Và những chú linh dương đầu bò trong khu bảo tồn
Ngorongoro có địa hình di chuyển linh hoạt giữa núi cao và đồng bằng, giữa thảo nguyên, hoang mạc và rừng rậm hoang vu. Một trong những quang cảnh ngoạn mục nhất của Ngorongoro chính là sự di cư khổng lồ hàng năm của hơn 1 triệu con thú hoang dã như linh dương đầu bò, trâu rừng, ngựa vằn về các dải đồng bằng ở miền Trung vào tháng Năm và tháng Sáu. Cảnh tượng gây choáng ngợp cho bất kỳ ai có cơ may được nhìn thấy, bởi sự di chuyển ào ạt của đàn thú dài đến hơn 10km băng qua đồng cỏ, qua thảo nguyên rộng lớn và những con sông... theo sau chúng là những loài thú dữ như sư tử, báo đang rình rập tìm kiếm con mồi.
Cuộc di cư khổng lồ diễn ra hàng năm trên sông Mara
Số lượng động vật hoang dã ở Ngorongoro cũng đã giảm đi rất nhiều do sự săn bắn trái phép và không gian sống bị thu hẹp, tuy nhiên những gì còn lại cũng đã quá đủ khiến bất kỳ ai khó tính nhất cũng phải “ngộp thở” trước vẻ đẹp hoang dã của một lục địa đen kỳ bí và hoang sơ.
Tác giả bài viết: Thảo Nguyên