Bà Nguyễn Thị Pha (SN 1963), trú tại thôn Trung Thành, xã Xuân Hòa, phản ánh, trước đó, ngày 27/10, chồng bà là ông Phạm Văn Hiền (thương binh hạng 2/4) bị 4 đối tượng cùng thôn vây đánh trọng thương rồi bỏ lại giữa đường chỉ vì mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống.
Theo giấy ra viện do bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cấp ngày 9/11/2018, bệnh nhân Phạm Văn Hiền bị tụ máu não, giập não trán 2 bên và đã được phẫu thuật qua cơn nguy kịch. Bác sĩ nói với gia đình, ông Hiền có thể sẽ bị liệt người và sống thực vật suốt đời.
Ngày 2/11, bà Pha đã có đơn gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thọ Xuân để tố giác tội phạm về việc chồng mình bị đánh trọng thương. Từ khi vụ việc xảy ra tới nay, đã hơn 1 tháng trôi qua nhưng cơ quan điều tra chưa khởi tố vụ án, 4 đối tượng đánh ông Hiền vẫn sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Bà Pha đang chăm sóc chồng tại bệnh viện, nhưng hơn 1 tháng trôi qua ông Hiền vẫn chưa tỉnh lại. |
“Tôi đã có đơn tố giác tội phạm và nhiều lần xin gặp điều tra viên để hỏi về vụ án chồng tôi nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Thậm chí, tới giờ chưa có bất cứ một cán bộ điều tra nào tiếp xúc để xác minh tình trạng bệnh tình và hồ sơ bệnh án của chồng tôi ở bệnh viện”, bà Pha cho hay.
Ông Đỗ Xuân Hải, Trưởng Công an xã Xuân Hòa xác nhận thông tin ông Hiền bị 4 người cùng thôn đánh là đúng sự thật. Ngay sau khi nhận được thông tin, Công an xã Xuân Hòa đã lập biên bản hiện trường. Do nạn nhân bị thương nặng nên công an xã đã bàn giao vụ việc cho Công an huyện Thọ Xuân điều tra theo thẩm quyền.
PV Báo Người Đưa Tin đã trực tiếp liên hệ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thọ Xuân để tìm hiểu, xác minh thông tin liên quan đến vụ án của ông Hiền. Được sự ủy quyền của Trung tá Lê Như Anh, Trưởng Công an huyện (thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra), Thượng úy Nguyễn Duy Trường, điều tra viên Công an huyện Thọ Xuân được phân công xử lý vụ án đã cung cấp thông tin vụ án cho PV.
Bà Pha trở nên tiều tụy sau quá trình chăm sóc chồng tại bệnh viện, nhưng ông Hiền vẫn đang hôn mê. |
Theo Thượng úy Trường, việc ông Phạm Văn Hiền bị thương nặng do 4 đối tượng đánh là đúng thực tế. Ngày 27/10/2018, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thọ Xuân tiếp nhận tin báo tội phạm về vụ cố ý gây thương tích đối với ông Hiền. Theo báo cáo Thượng úy Trường cung cấp, các đối tượng đã dùng gạch, cán xẻng ném và đánh vào người ông Hiền.
Sau khi tiếp nhận thông tin, CQĐT đã cử lực lượng tiếp cận hiện trường, thu thập hồ sơ, chứng cứ để phục vụ công tác điều tra. CQĐT đã xác định được 4 đối tượng (Nguyễn Bá Quang, Nguyễn Bá Hùng, Nguyễn Văn Sơn và Nguyễn Văn Trường) liên quan đến việc đánh ông Hiền. CQĐT cũng đã làm rõ được động cơ, vai trò của từng đối tượng trong vụ án này.
Thượng úy Trường xác nhận, đến thời điểm hiện tại, CQĐT chưa khởi tố vụ án vụ cố ý gây thương tích với ông Hiền. Nguyên nhân được Thượng úy này giải thích là do nạn nhân bị thương rất nặng, đang điều trị tại bệnh viện ngoài Hà Nội nên CQĐT chưa thể đưa đi trưng cầu giám định thương tích làm căn cứ khởi tố. Điều bất ngờ được điều tra viên này cho hay, cơ quan điều tra chưa nhận được đơn đề nghị trưng cầu giám định thương tích của gia đình nạn nhân dù đã hơn 1 tháng trôi qua kể từ khi vụ án xảy ra (!?).
Gia đình nạn nhân lại khẳng định, họ chưa bao giờ được CQĐT hướng dẫn hay yêu cầu viết đơn đề nghị trưng cầu giám định thương tích cho ông Hiền.
Trụ sở Công an huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa - đơn vị thụ lý, điều tra vụ án ông Hiền bị đánh trọng thương. |
Khi được hỏi vì sao một vụ việc gây thương tích nghiêm trọng, hơn 2 tháng trôi qua, nhưng cơ quan điều tra chưa từng tiếp xúc nắm tình hình sức khỏe và hồ sơ bệnh án của bệnh nhân? Vì sao gia đình nạn nhân đã có đơn tố giác tội phạm, nhưng cơ quan điều tra không hướng dẫn họ viết đơn đề nghị trưng cầu giám định thương tích cho ông Hiền để đưa ông này đi giám định thương tích?
Thượng úy Trường thừa nhận, CQĐT chưa tiếp xúc với ông Hiền tại bệnh viện, chưa làm việc với bệnh viện để lấy hồ sơ bệnh án, đưa nạn nhân đi trưng cầu giám định thương tích vì: “Ông Hiền chưa đủ điều kiện, chưa có hồ sơ để giám định. Sau khi ông Hiền điều trị xong, CQĐT sẽ đưa ông đi giám định thương tích. Nếu ông Hiền chưa có đủ điều kiện sức khỏe thì chưa chắc bệnh viện cho đưa ông Hiền đi. Nếu ông Hiền không khỏe lại thì CQĐT sẽ thảo luận với viện kiểm sát để thống nhất quan điểm giải quyết. Chúng tôi sẽ liên hệ và hướng dẫn gia đình nạn nhân viết đơn đề nghị trưng cầu giám định thương tích cho ông Hiền”.
Vì mâu thuẫn trong cuộc sống, một thương binh bị 4 đối tượng vây đánh trọng thương rồi bỏ lại giữa đường. Hơn 1 tháng sau khi xảy ra sự việc, trong khi nạn nhân đứng trước nguy cơ phải sống thực vật thì CQĐT chưa khởi tố vụ án, nghi phạm vẫn ở “ngoài vòng pháp luật” khiến gia đình nạn nhân bức xúc.
Luật sư Trần Đình Lợi, Giám đốc công ty Luật Mai Sen (Hà Tĩnh) nêu quan điểm: “Sau khi nghiên cứu thông tin về vụ án, tôi thấy trường hợp này đã đủ yếu tố khởi tố vụ án. Theo điều 8, luật Tổ chức các cơ quan điều tra hình sự thì trong trường hợp này, CQĐT rất chậm trễ và có dấu hiệu bao che cho tội phạm. Lẽ ra trong trường hợp này, CQĐT phải trực tiếp tiếp xúc với nạn nhân và người nhà để thu thập hồ sơ, chứng cứ… kiểm tra, xác minh làm căn cứ khởi tố vụ án theo quy định. Trong trường hợp này, các đối tượng đã sử dụng hung khí nguy hiểm đánh nạn nhân thì đã đủ yếu tố để khởi tố vụ án mà không phụ thuộc vào kết quả giám định thương tích. Tình tiết vụ án đã quá rõ ràng, thông tin về các đối tượng đánh ông Hiền cũng đã được xác định. Vậy nên, trong vụ án này, trách nhiệm của CQĐT là phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong vòng 20 ngày kể từ thời điểm nhận tin báo tố giác tội phạm. Ngoài ra, trong trường hợp này CQĐT phải tự mình ra quyết định trưng cầu giám định tư pháp để xác định tội phạm và đưa ra kết luận, chứ không phải chờ đương sự hoặc người đại diện của họ phải có đơn yêu cầu mới ra quyết định trưng cầu giám định". |
Tác giả: Xuân Chinh
Nguồn tin: Báo Người đưa tin