Xã hội

32 ca tai biến nặng sau tiêm chủng

Có gần 27.800 phản ứng sau tiêm chủng được ghi nhận trong năm 2018, trong đó có 32 phản ứng nặng, 3 trẻ trong số này đã tử vong.

Một ca tiêm ngừa - Ảnh: DUYÊN PHAN

Theo ông Trần Đắc Phu - cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, số trường hợp gặp phản ứng sau tiêm vào viện trong những ngày cuối tháng 12-2018, đầu tháng 1-2019 có đông hơn, lý do là chuyển đổi văcxin, dùng văcxin mới 5 trong 1 ComBE Five (là loại văcxin phối hợp phòng được 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib). Nhiều bà mẹ lo lắng khi thấy con có phản ứng sốt, đau ở vị trí tiêm và đưa con vào viện.

Làm sao khi con sốt cao, đau vết tiêm?

Sau một tháng bị hoãn vì thiếu văcxin 5 trong 1, sáng 7-1 mẹ con cháu Đặng Khánh Duy, hơn 5 tháng tuổi ở Yên Bái, đến lịch hẹn tiêm văcxin ComBE Five mũi 2. Hơn 2 tháng trước, cháu Duy là một trong ba trẻ ở cùng phường Nam Cường, thành phố Yên Bái được tiêm ComBE Five khi địa phương triển khai tiêm quy mô nhỏ.

"Sau khi tiêm về nhà cháu không sốt, nhưng có đau ở vết tiêm trong vòng 3 ngày, đau ở mức khi có người động vào là cháu kêu. Sau đó vị trí tiêm có bị cứng trong vòng vài ngày, hiện cháu đã trở lại bình thường" - mẹ cháu Duy cho hay.

Chị Nguyễn Thị Thu Huyền - y sĩ tại trạm y tế phường Nam Cường (Yên Bái), người được giao nhiệm vụ khám sàng lọc cho các cháu - cho biết tại buổi tiêm ComBE Five quy mô nhỏ hồi tháng 11-2018, phường có sáu cháu đến lịch tiêm nhưng có ba cháu ốm đúng vào ngày tiêm chủng, chỉ có ba cháu tiêm. 2/3 cháu sau đó có sốt dưới 38 độ trong vòng gần một ngày sau tiêm. Khi tỉnh Yên Bái bắt đầu tiêm chủng ComBE Five trên diện rộng, ngày 7-1, phường có 13 cháu đến theo lịch tiêm văcxin này.

"Sau 30 phút theo dõi tại trạm, chúng tôi sẽ gọi điện hỏi thăm các gia đình việc các cháu có gặp phản ứng sau tiêm hay không, hướng dẫn gia đình đưa trẻ đến ngay trạm y tế gần nhất"- chị Huyền cho biết.

Theo bà Dương Thị Hồng - trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng quốc gia, phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho đến nay đã có 19 tỉnh thành triển khai tiêm văcxin ComBE Five, với trên 100.000 trẻ được tiêm.

Về khả năng văcxin này gây nhiều phản ứng sau tiêm hơn so với văcxin sử dụng nhiều năm gần đây là Quinvaxem, bà Hồng cho rằng các nghiên cứu trước đây cho thấy tỉ lệ gặp các phản ứng sốt, quấy khóc, đau vết tiêm... có thể lên đến trên 50% khi tiêm Quinvaxem, ở văcxin mới tỉ lệ ghi nhận được cao nhất là 5,5%. Tuy số trẻ được tiêm hai văcxin này có chênh lệch rất cao, đánh giá ban đầu cho thấy phản ứng sau tiêm ComBE Five không cao hơn Quinvaxem.

Bà Hồng cũng đề nghị gia đình đồng hành cùng cán bộ y tế, theo dõi trẻ 1-2 ngày sau tiêm (không chỉ theo dõi sau 30 phút như trước đây - PV). Nếu thấy trẻ có các phản ứng sau tiêm như có phát ban, quấy khóc dai dẳng trên 3 tiếng đồng hồ, sốt cao, co giật, khó thở hoặc tím tái thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Tiêm chủng dịch vụ cũng gặp phản ứng nặng sau tiêm

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế tính đến tháng 11-2018, năm 2018 có gần 27.800 trẻ gặp các phản ứng sau tiêm, trong đó có 32 ca phản ứng nặng. 29 bé trong số này đã hồi phục và có ba trẻ tử vong sau tiêm các văcxin Quinvaxem và BCG. Đặc biệt, có ba trẻ gặp phản ứng nặng sau tiêm chủng văcxin dịch vụ, cả ba trường hợp này đều ở Hà Nội, các cháu đều được cấp cứu kịp thời.

Trong số 32 ca phản ứng nặng sau tiêm nói chung, có 20 ca gặp phản ứng sau tiêm văcxin Quinvaxem (loại văcxin tương tự ComBE Five) trong tổng số 3,5 triệu liều văcxin đã sử dụng, bảy trường hợp khác gặp phản ứng nặng sau tiêm văcxin viêm gan B, một cháu gặp phản ứng sau tiêm văcxin viêm gan B và BCG, một cháu sau tiêm văcxin BCG (BCG là loại văcxin được dùng để phòng bệnh lao) trên tổng số hơn 2 triệu liều đã tiêm của cả hai văcxin này.

Về nguyên nhân gây phản ứng sau tiêm, có 68% các trường hợp được kết luận là do phản ứng quá mẫn với văcxin (sốc phản vệ), 19% các trường hợp là không rõ nguyên nhân, 13% là do trùng hợp với bệnh sẵn có của trẻ.

Sẽ xem xét đưa thêm văcxin 5 trong 1 vào tiêm chủng mở rộng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS.TS Đặng Đức Anh, viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho biết hiện mỗi tháng VN sử dụng khoảng 400.000 liều văcxin ComBE Five.

Thời gian qua đã có 840.000 liều văcxin này hoàn tất kiểm định, được cấp giấy phép xuất xưởng và chuyển cho các tỉnh thành.

Văcxin đang tiếp tục được chuyển về VN và đánh giá chất lượng, độ an toàn để chuyển tiếp về địa phương nhằm đảm bảo nguồn cung văcxin.

Tuy nhiên theo GS Đức Anh, sắp tới Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia sẽ tiếp tục xem xét thêm các loại văcxin 5 trong 1 tương tự ComBE Five và Quinvaxem trong số văcxin đã và sẽ đăng ký lưu hành tại VN. Các văcxin này cần đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế thế giới, có đủ khả năng cung cấp số lượng lớn, đảm bảo về chất lượng... để đưa vào chương trình.

Tác giả: Lan Anh

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok