Kinh tế

30 tuổi cần có những thứ này nếu muốn sung sướng

Trước tuổi 30 bạn cần lập một kế hoạch về mục tiêu tài chính rõ ràng như trả hết nợ, mua nhà, lập quỹ dự phòng... điều này sẽ giúp bạn có một cuộc sống thoải mái hơn rất nhiều.

Theo Life Hack, dưới đây là 10 mục tiêu tài chính mỗi người cần đạt được trước khi bước sang tuổi 30.

1. Trả hết nợ

Thanh toán hết các khoản nợ sẽ giúp bạn không cảm thấy luôn thiếu thốn. Tất cả các khoản nợ, từ vay vốn học Đại học cho đến nợ thẻ tín dụng, đều phát sinh tiền lãi. Một số thậm chí có lãi suất rất cao. Hãy tập trung vào việc thanh toán hết nợ nần trước, bởi nợ và lãi suất của chúng sẽ luôn khiến túi tiền của bạn thâm hụt.

20160925092343 nhung muc tieu tai chinh nen dat truoc tuoi 1

Trả hết nợ sẽ giúp tiết kiệm tiền trở nên dễ dàng hơn và đưa bạn tiến gần hơn tới các mục tiêu tài chính của mình. Và tuyệt vời hơn nữa là bạn sẽ cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm khi rũ bỏ được chúng.

2. Mua nhà

Việc mua nhà ở tuổi 20 là chưa quá cần thiết, nhưng nếu bạn đã trả hết nợ thì đó sẽ là một mục tiêu cần phải đạt được. Đây rõ ràng là một mục tiêu dài hạn, và bạn càng bắt đầu sớm thì sẽ càng nhanh chóng đạt được nó, nếu như bạn thực sự quyết tâm.

3. Thiết lập một kế hoạch ngân sách hàng tháng

Tiết kiệm và trả nợ sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu bạn có kế hoạch ngân sách cụ thể. Khi bạn có một buổi tối rảnh rỗi, hãy ngồi xuống và viết ra tất cả những khoản thu nhập cũng như chi phí của mình. Phân chia tiền hợp lý cho các khoản thuê nhà, hoá đơn, thức ăn, giải trí, trả nợ và tiết kiệm.

Khi bạn nắm rõ và thực hiện theo kế hoạch chi tiêu, bạn sẽ nhận thấy mình đang tiết kiệm được tiền mà không phải suy nghĩ quá nhiều về nó.

20160925092343 nhung muc tieu tai chinh nen dat truoc tuoi 30 2

4. Nói không với hàng xa xỉ

Hầu hết mọi người đều có một vài món đồ đắt đỏ nào đó mà họ thường xuyên mua. Hãy luôn để mắt tới số tiền bạn chi mỗi tháng để xem liệu bạn có lỡ phung phí ở đâu đó hay không.

Ví dụ, rất nhiều người có thói quen ăn trưa hoặc uống cà phê bên ngoài. Nếu chuyển sang ăn đồ tự chế biến tại nhà, bạn sẽ nhận thấy sự khác biệt khá lớn về tài chính. Nhưng đôi khi bạn có thể ăn ngoài một bữa để tự thưởng cho sự nỗ lực tiết kiệm của mình.

20160925092343 nhung muc tieu tai chinh nen dat truoc tuoi 30

5. Dành ra ít nhất 10% thu nhập để vào tài khoản tiết kiệm khi về hưu

Không bao giờ là quá sớm để bắt đầu lập tài khoản hưu trí cả. Thời điểm lý tưởng để bắt đầu tiết kiệm là khi bạn đang ở độ tuổi 20.

Khi mới đi làm, 10% lương có thể là con số quá lớn. Tuy nhiên, bạn nên lấy đó làm mục tiêu khi đã 30 tuổi. Hãy tập thói quen tăng dần số tiền hàng tháng đưa vào tài khoản hưu trí, có thể là tăng 6 tháng một lần hoặc vào mỗi dịp cuối năm khi bạn được tăng lương.

6. Đặt mục tiêu làm giàu

Tiền không sẵn như vỏ hến đâu mà bạn phải tự làm ra nó. Nếu muốn giàu có, hãy đặt mục tiêu cụ thể và rõ ràng trước khi lên kế hoạch tài chính để đạt được đó.

Hãy suy nghĩ thực tế khi đặt kế hoạch. Nhưng cũng đừng ngại mơ lớn và thử thách bản thân. Người giàu luôn đặt kỳ vọng cao và cực kỳ tin tưởng vào chính mình.

7. Thanh toán hóa đơn đúng thời hạn

Một trong những mục tiêu tài chính quan trọng nhất của tuổi 20 là trả các hóa đơn đúng hạn. Nợ hóa đơn sẽ khiến bạn mang tiếng xấu, và khi chúng bị dồn đống lại thì sẽ càng khó trả hơn. Hãy khắc phục bằng cách sử dụng dịch vụ thanh toán tự động và bạn sẽ không bỏ sót hóa đơn nào.

8. Kiếm nghề tay trái

Những người giàu có và thành công nhất luôn tìm cách để có nhiều nguồn thu nhâp. Bạn có rất nhiều cơ hội làm thêm, điển hình là kinh doanh riêng - lựa chọn của hầu hết người giàu.

9. Đầu tư kiếm lời

Thường thì người ta có xu hướng chỉ đầu tư khi tài chính đã ổn định. Nhưng nhiều chuyên gia khuyên rằng bạn nên làm việc này càng sớm càng tốt, coi đầu tư như một công cụ nhằm tăng lượng tiền tiết kiệm khi về già. Dĩ nhiên, hãy đầu tư vào một cái gì đó khác tài khoản hưu trí của bạn.

10. Đầu tư vào bản thân

Người giàu và thành công không bao giờ để cho não mình được nghỉ ngơi. Họ luôn tìm cách học hỏi kể cả khi không còn tới trường nữa.

Bạn có thể học bằng nhiều cách, từ đăng ký các khóa học bên ngoài, tham dự hội thảo khoa học hoặc đơn giản là đọc sách. Cũng đừng quên đầu tư cho sức khỏe của mình, như tập thể dục chẳng hạn.

(Theo Lifehack)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok