Hiện trường một vụ tai nạn giao thông ở Kon Tum. (Nguồn: TTXVN) |
Sáng 11/7, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ quý 3/2023.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đã chủ trì hội nghị.
Thái Nguyên, Đà Nẵng giảm trên 60% số người chết do tai nạn giao thông
Nhìn lại kết quả những tháng đầu năm, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn quốc xảy ra 4.970 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.865 người, bị thương 3.471 người. So với cùng kỳ năm 2022 số vụ giảm 762 vụ (-13,29%), giảm 484 người chết (-14,45%), giảm 214 người bị thương (-5,81%).
43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm 2022, trong đó 8 địa phương giảm trên 40% số người chết là: Thái Nguyên, Đà Nẵng, Điện Biên, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Thừa Thiên-Huế, Hà Nội, Ninh Bình. Đặc biệt các địa phương như Thái Nguyên, Đà Nẵng giảm trên 60% số người chết do tai nạn giao thông.
Bên cạnh đó, số người chết do tai nạn giao thông tại các thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, tại Bình Dương và Tiền Giang cũng được kéo giảm sâu so với cùng kỳ cả về tỷ lệ phần trăm và số lượng tuyệt đối.
17 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ 2022, trong đó 7 tỉnh tăng trên 20% là: Lào Cai, Đồng Nai, Thanh Hóa, Sơn La, Tây Ninh, Lạng Sơn và Hà Tĩnh.
Cùng thời gian này, cả nước đã xảy ra 61 vụ ùn tắc giao thông, tăng 2 vụ so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân là do tai nạn giao thông 49 vụ (chiếm 80,3%), lưu lượng phương tiện đông 7 vụ (chiếm 11,5%); do mưa lớn: 2 vụ (chiếm 3,3%); nguyên nhân khác: 3 vụ (chiếm 4,9%).
Xe quá tải được xử lý căn bản
Lãnh đạo Ủy ban An toàn Giao thông thông tin thêm, trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn quốc đăng ký mới gần 200.000 xe ôtô, trên 1,2 triệu xe môtô, gần 60.000 xe máy điện; nâng tổng số xe đã đăng ký tính đến ngày 14/6/2023 là trên 6 triệu ôtô, gần 73 triệu môtô và trên 1,8 triệu xe máy điện.
Công tác đào tạo, cấp giấy phép lái xe; cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái tiếp tục được nâng cao theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giám sát. Ngành giao thông vận tải đã phối hợp với ngành y tế và các cơ quan liên quan triển khai dịch vụ công mức độ 4 đổi giấy phép lái xe trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, lãnh đạo Ủy ban An toàn Giao thông đánh giá trong 6 tháng đầu năm, tình hình vi phạm về chở quá tải trọng xe, vi phạm về cơi nới thành thành xe tại các địa phương đã được xử lý một cách căn bản.
Với sự chỉ đạo toàn diện của Bộ Công an, lực lượng công an, nhất là cảnh sát giao thông các cấp, ngoài việc thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đã có nhiều giải pháp quyết liệt, thường xuyên, liên tục trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện nên tình trạng xe quá tải, vi phạm kích thước thùng hàng đã giảm rõ rệt.
Bên cạnh đó, để tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện, các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, cố định, thanh tra chuyên ngành đường bộ sử dụng cân xách tay đã kiểm tra trên 43.000 xe, trong đó có gần 4.500 xe vi phạm, tước trên 1.100 giấy phép lái xe, xử phạt nộp Kho bạc nhà nước 54,23 tỷ đồng.
Thống kê cho thấy từ đầu năm đến nay, Bộ Công an đã chỉ đạo cảnh sát giao thông, công an các đơn vị, địa phương bố trí lực lượng tăng cường thanh tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, tập trung vào 5 chuyên đề gồm: “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn”; “Kiểm soát phương tiện vận tải hành khách, nhất là xe chở học sinh, công nhân viên, xe hợp đồng; phương tiện vận tải hàng hóa, xe chở hàng cồng kềnh, nguy hiểm”; “Cơi nới thùng xe và chở hàng quá trọng tải, quá khổ”; “Vi phạm tốc độ”; “Sử dụng các loại giấy tờ giả liên quan đến người điều khiển và phương tiện."
Các chuyên đề trên đã và đang phát huy tác dụng rất tích cực trong kéo giảm tai nạn giao thông trên toàn quốc. Kết quả, lực lượng cảnh sát giao thông đã kiểm tra, xử lý trên 1,6 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt trên 3.200 tỷ đồng, tước hơn 328.000 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn, tạm giữ gần 530.000 phương tiện các loại.
So với cùng kỳ năm 2022, số trường hợp bị xử lý vi phạm tăng hơn 300.000 trường hợp (22,2%), tiền phạt tăng hơn 1.600 tỷ đồng (98,9%).
Kéo giảm tai nạn giao thông cả 3 tiêu chí ít nhất 5%
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá tình hình giao thông trong 6 tháng đầu năm có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp, đơn vị đã triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là các giải pháp toàn dân trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Các địa phương có nhiều nỗ lực, cố gắng trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, góp phần kéo giảm tai nạn trên cả nước ở 3 tiêu chí. Đây là kết quả hết sức tích cực dù nhu cầu vận tải, đi lại của người dân tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng đánh giá cao công tác triển khai cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông của lực lượng Công an đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ ở 63 tỉnh, thành phố Trung ương.
Bộ trưởng cho rằng một giải pháp nếu làm quyết liệt sẽ góp phần rất lớn giúp giảm tai nạn giao thông một cách bền vững, đồng thời hình thành thói quen, văn hóa trong người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Tuy nhiên, tai nạn giao thông kéo giảm, nhưng vẫn là các con số lớn, nhiều vụ nghiêm trọng. Văn hóa giao thông chưa được trọn vẹn. Việc giảm quyết ùn tắc tại các đô thị lớn còn nhiều khó khăn, tác động đến sự phát triển kinh tế, xã hôi.
"Chúng ta cũng cần nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng, trật tự an toàn giao thông còn diễn biến phức tạp, gây nhiều bức xúc trong xã hội," ông Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Chính vì vậy, thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị, địa phương nhìn thẳng vào yếu kém, phân tích rõ nguyên nhân, đồng thời đưa ra các giải pháp khả thi hơn nữa nhằm kéo giảm, đảm bảo an toàn trật tự giao thông.
Kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển môtô. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN) |
Bộ trưởng lưu ý các bộ, ban ngành, địa phương chú trọng thực hiện một số giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tập trung vào 3 yếu tố cốt lõi, như: hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông, người tham gia giao thông.
“Các giải pháp cần làm quyết liệt, bền bỉ để kéo giảm tai nạn giao thông bền vững," Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị Ban An toàn Giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh lồng ghép mục tiêu và các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông trong các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, tỉnh, nghiên cứu triển khai các giải pháp về an toàn giao thông, chống ùn tắc ngay từ khi tổ chức thực hiện các quy hoạch thuộc lĩnh vực giao thông vận tải...
Bộ trưởng nhấn mạnh trong thời gian tới cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả những giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong quý 3; phấn đấu đạt mục tiêu năm 2023 là kéo giảm tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí ít nhất là 5% so với năm 2022 ở mỗi địa phương./.
Tác giả: Xuân Tùng
Nguồn tin: vietnamplus.vn