Các lực lượng chức năng nỗ lực tìm kiếm người mất tích tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị |
Từ hôm qua (18/10), tại nhà ông Lê Xuân Đổng (bố của Thượng uý Lê Cao Cường, một trong số 22 cán bộ chiến sỹ bị đất đá vùi lấp ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), ở xóm 3 xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, rất đông bà con lối xóm, họ hàng đã tới động viên, chia buồn.
Ông Nguyễn Công Viêm (63 tuổi), cậu ruột của Thượng uý Cường nghẹn giọng cho biết: “Sau khi hay tin Cường gặp nạn ở đơn vị, bố mẹ cùng anh chị em trong nhà đã vội thuê xe vào Quảng Trị. Nhưng đến giờ, mọi người điện về báo, xe cũng chỉ đi được tới được TP Đông Hà chứ không lên hiện trường được vì đường bị tắc do sạt lở. Mọi người cũng báo tin, Cường là người đầu tiên được đồng đội tìm thấy thi thể. Vậy là mọi hi vọng đã không còn”.
“
Vụ sạt lở đất xảy ra vào khoảng 1h sáng 18/10 tại bản Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị khiến 22 cán bộ, chiến sỹ của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 thuộc Quân Khu IV bị vùi lấp.
Đến thời điểm 11h30 ngày 19/10, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể 17 người.
”
Người thân của anh Cường cho biết, anh Cường sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, bố là lái xe Trường Sơn, nhiều người bác, chú cũng từng công tác trong quân đội. Cường là con thứ 4 trong gia đình 6 anh chị em, là người hiền lành, chịu khó. Học hết trung cấp quân sự ngành quản lý xăng dầu, Cường về công tác tại Đoàn kinh tế quốc phòng 337 cho đến nay.
“Cường đã có vợ và 2 con, một cháu năm nay 10 tuổi, 1 cháu vừa mới vào lớp 1. Mới hôm qua Cường nó còn về thăm vợ con ở TP Đông Hà, đến 8 giờ tối thì đi lên đơn vị. Ai ngờ đó là lần cuối Cường gặp vợ con”, người cô ruột của anh Cường kể.
Nỗi đau chồng chất nỗi đau
Người thân Thiếu tá Nguyễn Cao Cường đổ gục khi nghe tin dữ |
Cũng trong chiều 18/10, bất chấp mưa gió xối xả, rất đông người thân, bà con lối xóm đã có mặt tại nhà riêng Thiếu tá Nguyễn Cao Cường (ở xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh). Chẳng ai muốn nói với ai điều gì, mọi người cứ lẳng lặng làm việc, người dọn dẹp, người chuẩn bị đồ đạc tang lễ, người động viên thân nhân Thiếu tá Cường.
Trong căn nhà của bố mẹ chồng nằm sát nách, chị Nguyễn Thị Hoa (vợ anh Cường) đổ gục. Mỗi khi chợt tỉnh dậy, chị lại ôm hai đứa nhỏ, khóc không thành tiếng.
Ông Nguyễn Văn Kiểu (anh họ Thiếu tá Cường) xót xa: “Chú Cường là anh trai đầu trong 5 anh chị em. Chú ấy đi bộ đội từ năm 1998 nhưng trừ những lần về phép thì một năm chỉ về tranh thủ hai ba lần khi gia đình có công chuyện. Nhà có 2 con còn nhỏ nhưng đều một tay vợ chăm sóc và trông nhờ ông bà nội. Lần về gần đây nhất là trước ngày Rằm tháng Tám, chú ấy về chịu tang mẹ vợ”.
Cùng các cô giáo có mặt tại nhà anh Cường từ rất sớm, cô Trần Thị Thủy – Hiệu trưởng Trưởng Tiểu học Cương Gián 1 (cơ quan chị Hoa công tác), không giấu được nước mắt: “Cách đây chưa đây một tháng, chị Hoa vừa phải chịu tang mẹ, nén đau thương, cô chăm bố tai biến nằm một chỗ 5 - 6 năm nay. Anh trai Hoa bị bệnh, mới đây được đưa ra Hà Nội để điều trị nhưng cũng không qua khỏi, mới mất hôm 17/10. “Khăn tang anh chưa kịp khoác lên đầu thì đã phải khoác tang chồng”, cô Thủy ngậm ngùi.
Tác giả: Sỹ Hòa
Nguồn tin: Báo Giao thông