Xã hội

22 cán bộ, chiến sĩ bị vùi lấp: Nỗ lực tìm kiếm những người còn mất tích

Đến 20h tối 18/10, lực lượng chức năng vẫn nỗ lực tổ chức việc cứu hộ cứu nạn vụ sạt lở đất ở Quảng Trị khiến 22 cán bộ, chiến sĩ bị vùi lấp...

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ (áo trắng) trao đổi với Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn công tác cứu hộ cứu nạn tại tỉnh Quảng Trị

Khi mà lễ truy điệu 13 cán bộ, sĩ quan hy sinh khi đi cứu nạn ở Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế) còn chưa kịp cử hành, người dân cả nước lại bàng hoàng nghe tin có 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Quân khu 4) bị vùi lấp do sạt lở. Khúc ruột miền Trung vốn đã từng hứng chịu quá nhiều thiên tai, lũ lụt, song chưa khi nào đau thương lại chồng chất đau thương đến thế.

Sáng nay mới có thể đưa các thi thể ra ngoài

Đến 20h tối 18/10, lực lượng chức năng vẫn nỗ lực tổ chức việc cứu hộ cứu nạn vụ sạt lở đất tại thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị khiến 22 cán bộ, chiến sĩ bị vùi lấp.

Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, lực lượng cứu hộ cứu nạn sẽ tổ chức tìm kiếm xuyên đêm nếu thời tiết thuận lợi. Tính đến 19h30 tối cùng ngày, đã có 15 thi thể được tìm thấy.

Đến tối 18/10, tại xã Hướng Phùng vẫn có mưa to gây rất nhiều khó khăn cho công tác khắc phục các vị trí sạt lở để thông đường vào hiện trường vụ sạt lở đất tại thôn Cợp. Mưa to cũng có nguy cơ gây sạt lở ở gần hiện trường vụ sạt lở xảy ra sáng cùng ngày. Do đó, lực lượng cứu hộ, cứu nạn cũng cân nhắc các phương án để đảm bảo an toàn cho lực lượng và phương tiện tham gia tìm kiếm các nạn nhân.

Dự kiến, sáng 19/10, tuyến đường vào hiện trường sạt lở được thông xe, lực lượng chức năng sẽ đưa thi thể các nạn nhân ra ngoài; sau đó, dùng xe chuyên dụng đưa về một bệnh viện tại TP Đông Hà.

Vụ sạt lở đất xảy ra vào khoảng 1h sáng 18/10, khiến 22 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 thuộc Quân Khu 4 bị vùi lấp.

Thảm họa kinh hoàng trong đêm

Lực lượng cứu hộ đưa thi thể nạn nhân vụ sạt lở đất tại xã Hướng Phùng ra ngoài

Các nhân chứng cho biết, đã có 2 tiếng nổ lớn xảy ra trước thời điểm núi sạt. Sau tiếng nổ lớn đầu tiên, đến tiếng nổ thứ hai thì đất đá sạt lở đổ xuống ầm ầm, hai dãy nhà của doanh trại bị lấp, còn lại 22 cán bộ, chiến sĩ không kịp chạy thoát.

Anh N.N.H., người lái xe may mắn được cứu sống trong vụ sạt lở đất rạng sáng cùng ngày vẫn không tưởng tượng được rằng đó là một thảm họa.

Anh H. cho biết, tối 17/10, anh ngủ ở dãy phòng Ban Hành chính, là nơi ở của lái xe và quân nuôi. Mọi chuyện diễn ra bình thường như mọi ngày. Đến khoảng 1h sáng, anh đang ngủ thì giật mình bởi tiếng nổ lớn, mặt đất rung lên, tiếng ào ào dội lên từ tứ phía.

“Tôi chưa kịp định thần thì cùng lúc căn phòng đổ ập xuống trúng người. Mọi thứ tối tăm, may thay, góc nhà tắm đổ xuống tạo nên một hình chữ A và tôi lọt vào trong đó”, anh H. nhớ lại và cho biết, lúc đó anh cố gắng để thoát ra ngoài nhưng đầu và tay bị chấn thương nên không thể ra ngoài được.

Nằm trong đống đổ nát, anh H. rất sợ. Bên ngoài, những cán bộ, chiến sĩ thoát nạn chạy nhốn nháo. Tiếng gọi của mọi người trong đêm: “Có ai còn không?”. “Tiếng hô của mọi người vang lắm. Lúc ấy trong đống đổ nát, tôi cố gắng kêu to: “Có em đây, còn em nữa” để mong đồng đội nghe thấy. Một lúc sau, một đồng chí nào ở trên gọi xuống: “Chờ anh, anh kêu người đến đưa em ra”. Ít lâu sau thì đơn vị đến vị trí tôi đang nằm lật từng mảng bê tông rồi lôi tôi ra ngoài”, anh H. kể.

Nỗi đau nơi quê nhà

Các lực lượng chức năng nỗ lực tìm kiếm người mất tích

Trong khi đó, ngày 18/10, tại nhà ông Lê Xuân Đổng (bố của Thượng úy Lê Cao Cường, một trong số 22 cán bộ, chiến sĩ bị đất đá vùi lấp), ở xóm 3, xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, rất đông bà con lối xóm, họ hàng đã tới động viên, chia buồn.

Ông Nguyễn Công Viêm (63 tuổi), cậu ruột của Thượng úy Cường nghẹn giọng cho biết: “Sau khi hay tin Cường gặp nạn ở đơn vị, bố mẹ cùng anh chị em trong nhà đã vội thuê xe vào Quảng Trị. Nhưng đến giờ, mọi người điện về báo, xe cũng chỉ đi được tới TP Đông Hà chứ không lên hiện trường được vì đường bị tắc do sạt lở. Mọi người cũng báo tin, Cường là người đầu tiên được đồng đội tìm thấy thi thể. Vậy là mọi hi vọng đã không còn”.

“Cường đã có vợ và 2 con, một cháu năm nay 10 tuổi, một cháu vừa mới vào lớp 1. Mới hôm qua, Cường nó còn về thăm vợ con ở TP Đông Hà, đến 8 giờ tối thì đi lên đơn vị. Ai ngờ đó là lần cuối Cường gặp vợ con”, người cô ruột của anh Cường kể.

Cũng trong chiều 18/10, bất chấp mưa gió xối xả, rất đông người thân, bà con lối xóm đã có mặt tại nhà riêng Thiếu tá Nguyễn Cao Cường (ở xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh).

Trong căn nhà của bố mẹ chồng nằm sát nách, chị Nguyễn Thị Hoa (vợ anh Cường) đổ gục. Mỗi khi chợt tỉnh dậy, chị lại ôm hai đứa nhỏ, khóc không thành tiếng.

Ông Nguyễn Văn Kiểu (anh họ Thiếu tá Cường) xót xa: “Nhà có 2 con còn nhỏ nhưng đều một tay vợ chăm sóc và trông nhờ ông bà nội. Lần về gần đây nhất là trước ngày Rằm tháng 8, chú ấy về chịu tang mẹ vợ”.

Cùng các cô giáo có mặt tại nhà anh Cường từ rất sớm, cô Trần Thị Thủy, Hiệu trưởng trường Tiểu học Cương Gián 1 (cơ quan chị Hoa công tác), không giấu được nước mắt: “Cách đây chưa đầy một tháng, chị Hoa vừa phải chịu tang mẹ và anh trai. Khăn tang anh chưa kịp khoác lên đầu thì đã phải khoác tang chồng”, cô Thủy ngậm ngùi.

Huy động tối đa máy móc, thiết bị để thông đường

Thứ trưởng Lê Đình Thọ trao đổi với các đơn vị chức năng, ngành GTVT Quảng Trị về giải pháp thông tuyến

Chiều 18/10, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cùng Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo các lực lượng cứu hộ tập trung đẩy nhanh công tác thông đường vào hiện trường vụ sạt lở ở Hướng Hóa.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu các lực lượng ngành GTVT tại địa phương, Sở GTVT Quảng Trị tăng cường nhân vật lực, huy động máy móc, trang thiết bị để tổ chức san gạt, đảm bảo giao thông bước 1, nối đường những vị trí sạt lở, đứt gãy. Đồng thời, ngăn chặn nguy cơ sạt lở mái taluy dương, âm...

Theo Thứ trưởng, ngành GTVT phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Quân khu 4 và tỉnh Quảng Trị để đẩy nhanh công tác cứu hộ, cứu nạn, thông đường sớm nhất, đảm bảo việc tiếp tế lương thực, y tế, cứu nạn vào hiện trường.

Đông Hiền

Chung tay cùng Báo Giao thông cứu trợ đồng bào bị lũ lụt miền Trung

Những ngày qua, khúc ruột miền Trung đã phải hứng chịu mưa lũ dồn dập, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, đời sống của nhiều người dân đang rất cơ cực.

Với truyền thống tương ái tương thân, lá lành đùm lá rách, Báo Giao thông phát động chương trình “Chung tay cùng Báo Giao thông cứu trợ đồng bào bị lũ lụt miền Trung”, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trên cả nước chung tay đóng góp để cùng hỗ trợ đồng bào các tỉnh miền Trung đang bị ảnh hưởng bởi thiên tai tạm vượt qua giai đoạn hết sức khó khăn này. Quý vị có thể đóng góp bằng tiền mặt, nhu yếu phẩm, lương thực...

Mọi sự đóng góp xin gửi về:

BÁO GIAO THÔNG, Số tài khoản: 115000106087 Ngân hàng: Vietinbank - chi nhánh Hà Nội, địa chỉ: Số 2 Nguyễn Công Hoan, Hà Nội, hoặc VPĐD tại Miền Trung - Tây Nguyên, địa chỉ: 357 Nguyễn Lương Bằng, Liên Chiểu, Đà Nẵng, liên hệ 0989886178 (Xuân Huy)

*Hưởng ứng chương trình, Công ty TNHH Khách sạn du lịch vận tải Vũ Linh, Công ty TNHH Truyền thông Hy vọng, Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng cùng Nhóm thiện nguyện Kết Tâm, Nhóm từ thiện G20 và các mạnh thường quân ủng hộ kinh phí 1 tỷ đồng, bao gồm 30 tấn gạo và 635 triệu đồng cho các địa phương tại Huế, Quảng Trị và Quảng Nam trong 3 ngày (20 - 23/10).

BÁO GIAO THÔNG

Danh sách 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn kinh tế - quốc phòng 337:

1. Lê Văn Quế - sĩ quan. Quê quán: Cam Thành, Cam Lộ, Quảng Trị

2. Lê Hải Đức - sĩ quan. Quê quán: Lộc Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình

3. Phùng Thanh Tùng - sĩ quan. Quê quán: Nghi Hương, thị xã Cửa Lò, Nghệ An

4. Phạm Ngọc Quyết - sĩ quan. Quê quán: Quảng Văn, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình

5. Nguyễn Cao Cường - quân nhân chuyên nghiệp. Quê quán: Cường Gián, Nghi Xuân, Hà Tĩnh

6. Nguyễn Cảnh Trung - quân nhân chuyên nghiệp. Quê quán: Thượng Sơn, Đô Lương, Nghệ An

7. Nguyễn Văn Thu - quân nhân chuyên nghiệp. Quê quán: Tăng Thành, Yên Thành, Nghệ An

8. Lê Đức Thiện - quân nhân chuyên nghiệp. Quê quán: Định Tăng, Yên Định, Thanh Hóa

9. Trần Văn Toàn - quân nhân chuyên nghiệp. Quê quán: Xuân Thành, Yên Thành, Nghệ An

10. Trần Quốc Dũng - quân nhân chuyên nghiệp. Quê quán: Thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh

11. Bùi Đình Toản - quân nhân chuyên nghiệp. Quê quán: Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An

12. Ngô Bá Văn - quân nhân chuyên nghiệp. Quê quán: Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh

13. Lê Hương Trà - quân nhân chuyên nghiệp. Quê quán: Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh

14. Lê Cao Cường - quân nhân chuyên nghiệp. Quê quán: Hưng Đạo, Hưng Nguyên, Nghệ An

15. Lê Tuấn Anh - chiến sĩ. Quê quán: Cam Thành, Cam Lộ, Quảng Trị

16. Nguyễn Anh Duy - chiến sĩ. Quê quán: Hưng Tây, Hưng Nguyên, Nghệ An

17. Phạm Văn Thái - chiến sĩ. Quê quán: Hải Thành, Đồng Hới, Quảng Bình

18. Lê Sỹ Phiêu - chiến sĩ. Quê quán: Thuần Thiện, Can Lộc, Hà Tĩnh

19. Cao Văn Thắng - chiến sĩ. Quê quán: Hương Liên, Hương Khê, Hà Tĩnh

20. Hồ Văn Nguyên - chiến sĩ. Quê quán: Hướng Sơn, Hướng Hóa, Quảng Trị

21. Lê Thế Linh - chiến sĩ.Quê quán: Phường 5, Đông Hà, Quảng Trị

22. Nguyễn Quang Sơn - chiến sĩ. Quê quán: Thái Sơn, Đô Lương, Nghệ An.

Tác giả: Nhóm phóng viên

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok