Trong nước

22 liệt sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337: DÒNG TÊN ANH KHẮC VÀO ĐÁ NÚI!

Chúng tôi theo sau đoàn xe đưa các anh từ Hướng Hóa về TP Đông Hà, tại Nhà thi đấu đa năng thành phố, nơi đang chuẩn bị lễ tang của 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KTQP) 337 hy sinh. Đất lửa Quảng Trị vừa qua những cơn lũ dữ nhưng mưa vẫn rả rích như rắc muối vào lòng người, nỗi xót xa vẫn dâng trào trong chúng tôi và đồng đội, gia đình, người thân của các anh…

Em chỉ cần anh về, nợ làm nhà em không ngại

“Anh ơi! Về với mẹ con em, anh về đi, mẹ con em cần anh….Tiếng khóc ngắt quãng của chị Hoàng Thị Diệu, vợ Trung tá Phùng Thanh Tùng – Trợ lý Tổ chức lao động – Tiền lương, Đoàn KT-QP 337, khiến những người xung quanh không cầm được nước mắt.

Trung tá Tùng trước đây công tác tại Ban CHQS huyện Quỳ Châu, Thị xã Cửa Lò, Bộ CHQS tỉnh Nghệ An. Anh mới chuyển lên Đoàn KTQP 337 được 13 tháng. Đêm trước khi xảy ra vụ việc anh vẫn còn điện thoại nói chuyện vui vẻ với vợ con. Anh vẫn không quên dặn lại vợ con, nhớ chằng chống nhà cửa, đi lại cẩn thận trong mùa mưa bão…

Chiếc nhẫn cưới - di vật của Trung tá Phùng Thanh Tùng.

Thẫn thờ đeo nhẫn cưới của chồng vào tay mình, chị Diệu không tin đó là sự thật.

Phùng Thị Thúy Nhi và Phùng Quang Thanh đứng từ xa nhìn về hướng bố.

Chị Diệu kể trong nước mắt: Em và anh Tùng vốn là người cùng quê, quen biết nhau từ bé, vợ chồng đến với nhau đến nay được 15 năm. Mãi đến năm vừa rồi, vùng đất quê em cứ vào mùa mưa bão là lụt lội, anh bảo: Phải vay ngân hàng làm nhà thôi em ạ! Lâu nay anh vẫn thế, nói là làm, vợ chồng em vay ngân hàng, anh em nội ngoại làm xong căn nhà cấp bốn cuối năm 2019. Làm xong nhà vợ chồng em vẫn còn nợ gần 400 triệu đồng. Bản thân em không có công ăn việc làm, nợ ngân hàng đến tháng là phải trả nợ, anh lại năn nỉ em: Em ạ, chịu khó ở nhà nuôi dạy con, anh sẽ đi xa một thời gian, rồi anh xung phong lên vùng đặc biệt khó khăn. Anh lên công tác ở Đoàn KTQP 337 tháng 10-2019, ở đó có chế độ phụ cấp cao, anh dành dụm để lấy tiền trả số nợ làm nhà… Vậy mà anh đi, đến hôm nay, anh ấy không về với mẹ con em nữa… Em chỉ cần anh về thôi, nợ làm nhà em không ngại!

Đại úy chắt chiu đồng lương phụng dưỡng cha mẹ già

Sau khi nhận được tin anh trai là Đại úy QNCN Lê Đức Thiện – Nhân viên quản lý bếp ăn, Đoàn KT-QP 337 hy sinh, 3 em trai của anh Thiện từ vùng kinh tế mới huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai vội vàng bắt xe trong đêm về thẳng tỉnh Quảng Trị tìm anh.

Mắt ngấn lệ, anh Lê Đức Thoại kể: Quê em xã Định Tăng, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa vốn đồng đất ít, nên cách đây 16 năm em vào vùng kinh tế mới để lập nghiệp. Em đi được vài năm thì 2 cậu em trai cũng vào theo, thành thử ở quê trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng bố mẹ già anh Thiện làm cả. Cũng chính vì vậy mà đến nay, dù đã 40 tuổi anh ấy vẫn chưa lấy vợ. Càng nghĩ em càng thương anh ấy…

Di ảnh Đại úy QNCN Lê Đức Thiện.

Ông Lê Văn Khôi, chú ruột của Đại úy QNCN Lê Đức Thiện nói trong nước mắt: Nghe tin cháu mất tôi lặn lội từ Thanh Hóa vào đây. Anh chị tôi năm nay đã gần 70 tuổi, chục năm nay hết anh đến chị luôn đau yếu bệnh tật, mọi việc trong nhà đều do thằng anh cả Thiện lo toan. Mỗi tháng nhận lương nó đều san sẻ số lương của mình về nuôi bố mẹ. Lần nó về phép gần đây nhất là tháng 10 năm 2019. Tôi nhớ trước tết nó điện về còn nói: Tết cháu không về được, chú cố gắng qua lại với bố mẹ cháu, hơn nữa năm nay có em trai cháu về ăn tết, cháu ở lại trực để anh em có gia đình về ăn tết với vợ con… Tôi thương nó quá… Anh chị tôi ở quê thời gian tới không còn nó chưa biết tính thế nào chú ạ…

Trong số 22 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, có 8 đồng chí đang là hạ sĩ quan chiến sĩ, trong đó có duy nhất gia đình Trung sĩ Lê Thế Linh là ở Thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Trước khi nhập ngũ vào tháng 2-2020, Linh đã từng đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan (Trung Quốc).

Bà Lương Thị Lý khóc ngất khi cậu con trai không về nữa.

Bà Lương Thị Lý mấy ngày nay khóc con mắt thâm quầng, đầu tóc rũ rượi, tiều tụy. Vào nhìn con trai lần cuối bà Lý khóc thành tiếng, luôn phải vịn vào người thân vì không thể đứng vững. Hơn chục phụ nữ là người thân, họ hàng với Linh, hai ngày qua cùng chạy đôn chạy đáo với bà Lý.

Người mẹ 55 tuổi kể, không biết linh tính mách bảo thế nào, tối 17-10 Linh gọi điện thoại về nhà, hết gặp mẹ đến anh trai, chị dâu, cháu nội. Năm mẹ con ngồi nói chuyện như đang gặp nhau ở nhà.

Lê Thế Linh những ngày đầu quân ngũ.

Linh say sưa nói chuyện với cháu. "Tôi thấy trời mưa mà thằng Linh cứ ở trần nên nhắc nó. Nhưng nó lại bảo con ngủ cả đời cứ ở trần, mang áo ngủ không được. Không ngờ đó là lần cuối cùng Linh ở trần nói chuyện với mẹ, ở nơi đóng quân cách nhà mình thuộc Phường 5, TP Đông Hà 75km.

Linh là con trai thứ ba, trong nhà có bốn anh em. Học ngang lớp 10, cậu nghỉ học đi làm lấy tiền phụ giúp gia đình. Bà Lý nhất quyết không chịu, nhưng Linh thương gia đình, biết sức học của mình. Linh đi làm đủ nghề, rồi trúng nghĩa vụ với lời hứa "đi bộ đội về sẽ đi học lái xe có tấm bằng để đi Hàn Quốc xuất khẩu 3 năm, theo chính sách hỗ trợ bộ đội xuất ngũ".

Tổ quốc và màu hoa đỏ

Thiếu tướng Nguyễn Đức Hóa, Phó chính ủy Quân khu 4, đã hơn nửa tháng nay lặn lội dọc dài vùng đất lũ miền Trung, khuôn mặt buồn rầu hốc hác, chia sẻ: “Những ngày qua, chúng ta vừa trải qua sự đau thương, mất mát vô cùng to lớn, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với LLVT Quân khu, cán bộ, chiến sĩ toàn quân và nhân dân cả nước. Đây đồng thời là nỗi đau, sự mất mát không gì bù đắp được của gia đình và người thân các đồng chí đã hy sinh”.

Sức tàn phá khủng khiếp vụ sạt lở núi - Bể nước hơn 50 mét khối bị dòng đất đá cuốn lật sấp.

Những ngày lặn lội, chống chọi với mưa lũ miền Trung, quên ăn, quên ngủ để đi tìm đồng đội, hôm nay, chứng kiến 22 đồng đội nằm đó, phủ cờ Tổ quốc, lòng tôi cứ chùng xuống với bao suy nghĩ. Hy sinh, mất mát thật đớn đau nhưng tôi lại thấy như đâu đây màu hoa đỏ phía rừng xa, phía núi đồi Hướng Hóa hôm tôi đến hiện trường nơi các anh nằm xuống….

Tổ quốc và màu hoa đỏ.

Các anh đã ngã xuống trong cuộc chiến với giặc thiên tai, để bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, vì Tổ quốc.

Tổ quốc – đó là nơi có Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 ở nơi rừng thiêng nước độc, đặc biệt khó khăn, cần có các anh như những ngọn lửa thắp sáng vùng biên.

Tổ quốc – đó là nơi có chiếc xe quân sự cũng ngủ ngoài cửa phòng đại đội, chờ anh sáng mai thức dậy lên đường giúp dân.

Tổ quốc – đó là nơi có người vợ ngóng anh về cùng ngôi nhà nhỏ, tổ ấm mới xây chưa trả hết nợ.

Tổ quốc – đó là nơi có cha mẹ già hằng tháng vẫn hạnh phúc bởi đồng lương Đại úy ít ỏi anh tằn tiện, phụng dưỡng.

Đến lúc này, tôi chợt nhớ những vần thơ của Chế Lan Viên. Những vần thơ như chân lý, nói về lẽ sống của các anh:

Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt

Như mẹ cha ta, như vợ, như chồng

Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết

Cho mỗi căn nhà, ngọn núi, con sông…

Ghi chép của HOÀNG KHÁNH TRÌNH

Nguồn tin: Báo Quân đội nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok