Giáo dục

193 người xài bằng giả của ĐH Đông Đô là ai?

Cơ quan an ninh điều tra đã làm rõ 193 trường hợp được cấp bằng không qua đào tạo. Tuổi Trẻ nắm được, có trường hợp tại TP.HCM đã rút lại bằng tiếng Anh của ĐH Đông Đô đã nộp trước đó để làm nghiên cứu sinh tiến sĩ.

Kết luận điều tra cho thấy nhiều người dùng bằng tiếng Anh giả của Trường ĐH Đông Đô cấp để làm nghiên cứu sinh tiến sĩ, bảo vệ thạc sĩ, làm hồ sơ cán bộ - Ảnh: NAM TRẦN

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ra quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ án "giả mạo trong công tác" xảy ra tại Trường ĐH Đông Đô.

Trong khi đó, theo thông tin Tuổi Trẻ nắm được, có trường hợp tại TP.HCM đã rút lại bằng tiếng Anh của ĐH Đông Đô đã nộp trước đó để làm nghiên cứu sinh tiến sĩ.

Theo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, có 626 người được Trường ĐH Đông Đô cấp văn bằng 2 tiếng Anh. Trong đó, Cơ quan an ninh điều tra đã làm rõ 193 trường hợp được cấp bằng không qua đào tạo.

Viện kiểm sát yêu cầu đơn vị chủ quản xử lý trách nhiệm đảng viên, công chức, viên chức với 193 trường hợp này. Viện kiểm sát cũng đề nghị cơ quan thẩm quyền xử lý hậu quả 60 trường hợp sử dụng bằng giả để thi tuyển công chức, bảo vệ luận văn thạc sĩ, tiến sĩ...

Cần phải xử lý nghiêm khắc Trường ĐH Đông Đô và những người sử dụng bằng giả do trường này cấp. - GS Trần Hồng Quân (nguyên Chủ tịch Hiệp hội các Trường đại học, cao đẳng Việt Nam)

Rút lại bằng tiếng Anh đã nộp

Theo tài liệu phóng viên Tuổi Trẻ thu thập được, trước mắt đã có một trường hợp tại TP.HCM sử dụng văn bằng 2 tiếng Anh của Trường ĐH Đông Đô nộp hồ sơ dự tuyển nghiên cứu sinh tiến sĩ. Một trường ĐH công lập lớn tại TP.HCM đã có báo cáo gửi Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an về trường hợp này.

Theo công văn này, tháng 11- 2020 trường có nhận được công văn của Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an về việc kiến nghị xử lý đối với cán bộ sử dụng văn bằng do Trường ĐH Đông Đô cấp không đúng quy định. Để khắc phục hậu quả, Cơ quan an ninh điều tra đề nghị trường hủy kết quả sử dụng văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh do Trường ĐH Đông Đô cấp không đúng quy định cho một nghiên cứu sinh tiến sĩ.

Theo nhà trường, trước đó trường ra thông báo tuyển sinh tiến sĩ năm 2018. Trong thông báo tuyển sinh quy định thí sinh phải có văn bằng/chứng chỉ ngoại ngữ phù hợp mới đủ điều kiện nộp hồ sơ dự tuyển.

Một học viên đã nộp văn bằng 2 ngôn ngữ Anh của Trường ĐH Đông Đô. Khi đó việc đào tạo văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh của Trường ĐH Đông Đô vẫn bình thường. Vì vậy, căn cứ vào kết quả xét tuyển, học viên này đã trúng tuyển vào chương trình đào tạo tiến sĩ.

Sau khi các sai phạm trong đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh của Trường ĐH Đông Đô được phát hiện và công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, trường đã yêu cầu học viên này không được sử dụng văn bằng của Trường ĐH Đông Đô và phải nộp văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ khác để đáp ứng quy định tuyển sinh của trường. Học viên này đã nộp bằng cử nhân ngành ngôn ngữ Anh của nơi khác bổ sung vào hồ sơ dự tuyển, thay thế cho văn bằng của Trường ĐH Đông Đô.

Còn những ai đang dùng bằng giả của ĐH Đông Đô? Đây là thắc mắc của dư luận thời gian qua, đồng thời yêu cầu công bố sớm danh sách này và xử lý nghiêm, bên cạnh xử lý rốt ráo sai phạm tại ĐH Đông Đô là điều công luận đang mong chờ các cơ quan chức năng.

Thông tin tuyển sinh của Trường ĐH Đông Đô - Ảnh: NAM TRẦN

Vấn đề rất nghiêm trọng, dù khó cũng phải làm

Ngày 18-12, trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ về vụ việc bằng tiếng Anh giả của Trường ĐH Đông Đô, GS Trần Hồng Quân - nguyên chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam - nêu quan điểm: “Cần phải xử lý nghiêm khắc Trường ĐH Đông Đô và những người sử dụng bằng giả do trường này cấp. Tất nhiên phải phân biệt rõ người học thi thật, học thật nhưng bị lừa, người nào đi học chỉ lấy cái bằng và biết là bằng giả mà vẫn cố tình sử dụng.

Về mặt quản lý nhà nước, cần phải rà soát xem có trường nào cũng gian lận như Đông Đô hay không. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng nên dù khó cũng phải làm”.

Tương tự, ông Phạm Tất Thắng - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - nói những người sử dụng bằng giả của Trường ĐH Đông Đô như cơ quan điều tra nêu là nộp tiền không học, nhận bằng giả để sử dụng cho mục đích riêng, tức là sử dụng giấy tờ giả sẽ phải bị xử theo quy định của pháp luật.

Thực tế đã có rất nhiều trường hợp công chức, viên chức bị phát hiện sử dụng bằng giả để lợi dụng lên lương, lên chức đã bị xử lý, kết quả không được công nhận.

“Ngoài ra, theo tôi, các cơ quan quản lý ngoài việc để Trường ĐH Đông Đô hoạt động bình thường vì họ có cả ngàn giảng viên và sinh viên thì phải có chế độ giám sát đặc biệt ngôi trường này để trường khôi phục nề nếp hoạt động, đảm bảo chất lượng ĐH. Qua việc này mới thấy tự chủ ĐH phải theo năng lực tự chủ của từng cơ sở ĐH chứ không thể đại trà được” - ông Thắng nói thêm.

Trường ĐH Đông Đô - Ảnh: NAM TRẦN

Thủ tướng yêu cầu làm rõ số cá nhân dùng bằng giả

Văn phòng Chính phủ vừa qua đã có văn bản gửi Bộ Công an, Bộ Giáo dục và đào tạo, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao liên quan đến vụ việc cấp và sử dụng bằng giả tại Trường đại học Đông Đô. Văn bản do Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng ký, nêu rõ ý chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên quan vụ việc này.

Thủ tướng yêu cầu điều tra vụ án, tiếp tục làm rõ số cá nhân được Trường đại học Đông Đô cấp, sử dụng văn bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh giả, các văn bằng chứng chỉ khác (nếu có) không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc chưa đủ điều kiện cấp bằng để thu hồi, kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật. Các nội dung này báo cáo kết quả lên Thủ tướng trong quý 1-2021.

Thủ tướng cũng yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an sớm đưa các đối tượng phạm tội ra xét xử nghiêm minh theo quy định pháp luật.

N.AN

Bạn đọc Tuổi Trẻ yêu cầu công khai danh sách người dùng bằng giả

Sau khi báo Tuổi Trẻ thông tin về những sai phạm trong vụ cấp bằng tại Trường ĐH Đông Đô, nhiều bạn đọc đã lên tiếng cần phải công khai danh tính, xử lý nghiêm những người sử dụng bằng giả để răn đe.

Bạn đọc Nguyễn Đình Hiệp bình luận: “Đề nghị thông tin danh sách những người có tên dùng bằng giả”. Bạn đọc Tichtra Le cũng “yêu cầu công khai danh sách những kẻ dùng bằng giả để tiến thân”.

Bạn đọc Quang Congnguyen nêu vấn đề: “Không có cầu thì ắt không có cung, phải nghiêm trị những kẻ dùng bằng giả”. Một người khác: “Đề nghị công khai tên tuổi, địa chỉ và chức danh của các trường hợp sử dụng bằng giả này để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ cho toàn dân cũng biết”.

Về hướng xử lý, bạn Nguyễn Minh Tuấn đề nghị: “Người có bằng cấp do không học thật, thi thật thì xử lý theo hướng hủy mọi chức vụ, mời ra khỏi các cơ quan, doanh nghiệp. Truy tố người ký cấp khống bằng cấp cho người không học xem ai còn muốn dùng bằng giả nữa”. Bạn đọc 2lua thì bình luận: “Những người dùng bằng giả đều có một âm mưu, cho dù âm mưu kia là tốt hay xấu thì đây đều là những con người không trung thực, nếu là Đảng viên cần phải khai trừ, nếu là công chức thì nên đuổi việc”.

Còn bạn Nguyễn Nam đưa ra giải pháp: “Chống lại nạn bằng cấp, các chứng chỉ các trường các trung tâm đào tạo nên lập trang wed công khai các bằng cấp đã cấp từ khi thành lập trường tới nay. Người tuyển dụng họ tự tra cứu lấy xem đối tượng mình tuyển dụng sử dụng bằng thật hay giả”...

TUỔI TRẺ

Nguồn: Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Đồ họa: T.ĐẠT

* TS Bùi Kim Hiếu (trưởng khoa luật Trường ĐH Ngoại ngữ tin học TP.HCM): Công khai người mua bằng là cần thiết

Với những người không học hành, không thi, không có bài thi, mua bằng của Trường ĐH Đông Đô là hành vi vi phạm pháp luật. Việc công khai danh sách những người mua bằng này tôi cho là cần thiết để răn đe những người có ý định gian dối, không đầu tư học hành nghiêm túc nhưng lại muốn có bằng cấp bất chấp pháp luật.

Tuy nhiên, việc công khai như thế nào cũng là điều cần tính toán. Chỉ công khai tên hay công khai toàn bộ thông tin về nơi công tác, làm việc, mục đích sử dụng bằng giả để làm gì.

Theo quan điểm cá nhân của tôi, vì rõ ràng đã có hành vi vi phạm pháp luật thì cần xác định rõ ai có hành vi đó (chủ thể nào), vi phạm cái gì. Tức là trong trường hợp trên, công khai tên người vi phạm và số bằng cấp giả đã được cấp cho họ. Điều này không vi phạm các quy định quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình điều 38 Bộ luật dân sự năm 2015.

* Giáo sư Nguyễn Ngọc Châu (giảng viên cao cấp Học viện Khoa học và công nghệ, Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam): Sớm muộn cũng sẽ bị công khai

Tôi nghĩ sự việc không thể khác được đâu, danh sách những người không đi học mà vẫn lấy bằng của Trường ĐH Đông Đô sớm muộn cũng bị công khai thôi. Thủ tướng đã có chỉ đạo rồi, những người trong đường dây bằng giả của Trường ĐH Đông Đô cũng đã bị bắt, dư luận cũng rất bức xúc. Việc gì phải đến sẽ đến thôi.

Tác giả: MINH GIẢNG - NGỌC DIỆP

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok