Chiều 15/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước với hơn 91,5% đại biểu đồng ý.
Theo đó, thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước phải là thông tin quan trọng, chưa được công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
15 lĩnh vực gồm: Chính trị; quốc phòng, an ninh, cơ yếu; lập pháp, tư pháp; kinh tế; khoa học công nghệ; giáo dục và đào tạo; y tế... đều có các thông tin nằm trong danh mục bí mật nhà nước.
Cụ thể, trong lĩnh vực chính trị, các thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đối nội, đối ngoại; hoạt động của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước là thông tin mật.
Các đại biểu ấn nút thông qua Luật. Ảnh: Ngọc Thắng |
Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh thì chiến lược, kế hoạch bảo vệ Tổ quốc, phòng thủ đất nước, bảo vệ an ninh quốc gia; tổ chức và hoạt động của lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng Cơ yếu; công trình, mục tiêu về quốc phòng, an ninh, cơ yếu; các loại vũ khí, khí tài, phương tiện quyết định khả năng phòng thủ đất nước, bảo đảm an ninh quốc gia... cũng không được công khai.
Bên cạnh đó, danh mục thông tin mật còn gồm các thông tin về bảo vệ sức khỏe lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước; thông tin về chủng, giống vi sinh vật mới phát hiện liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người; mẫu vật, nguồn gen và quy hoạch vùng trồng dược liệu quý hiếm.
Nhiều nội dung khác cũng là thông tin bí mật gồm chiến lược, kế hoạch, đề án về hoạt động lập pháp, tư pháp; thông tin về việc khởi tố, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; chiến lược, kế hoạch, đề án phát triển quan hệ với các nước, tổ chức quốc tế; thông tin về lĩnh vực tài nguyên nước; môi trường; địa chất, khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ; đất đai; biển, hải đảo...
Cấm truyền đưa bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin
Theo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, việc làm lộ, chiếm đoạt, mua, bán bí mật nhà nước; làm sai lệch, hư hỏng, mất tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước bị nghiêm cấm.
Cá nhân, tổ chức không được thu thập, trao đổi, sao chụp, lưu giữ, tiêu hủy... tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước trái pháp luật.
Bên cạnh đó, Luật cũng nghiêm cấm lợi dụng việc bảo vệ bí mật nhà nước, sử dụng bí mật nhà nước để thực hiện hoặc che giấu hành vi vi phạm pháp luật; cấm soạn thảo, lưu giữ tài liệu có chứa thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước trên máy tính hoặc thiết bị khác đã kết nối hoặc đang kết nối với mạng Internet; đăng tải, phát tán bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet, mạng máy tính và mạng viễn thông.
Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước
Theo quy định của Luật, thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước độ tuyệt mật (bí mật nhà nước liên quan đến lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, đối ngoại, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đặc biệt nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia) là 30 năm.
Thời hạn bảo vệ đối với bí mật nhà nước độ tối mật (bí mật nhà nước nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại rất nghiêm trọng) là 20 năm. Còn thời hạn bảo vệ đối với bí mật nhà nước độ mật (bí mật nhà nước nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại nghiêm trọng) là 10 năm.
Bí mật nhà nước được giải mật toàn bộ hoặc một phần khi đáp ứng yêu cầu thực tiễn bảo vệ lợi ích quốc gia; phát triển kinh tế - xã hội; hội nhập, hợp tác quốc tế; hoặc không còn thuộc danh mục bí mật nhà nước.
Luật này có hiệu lực từ 1/7/2020.
Dự thảo Luật quy định "thân thế, sự nghiệp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước" thuộc phạm vi bí mật nhà nước, tuy nhiên nội dung này đã được cắt bỏ trước khi Quốc hội thông qua Luật. Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt cho biết, trên cơ sở phạm vi quy định tại Luật này, Thủ tướng sẽ ban hành danh mục cụ thể về bí mật Nhà nước theo trình tự, thủ tục chặt chẽ. |
Tác giả: Hoàng Thùy
Nguồn tin: Báo VnExpress