Trong nước

Phạm vi bí mật nhà nước quá rộng sẽ “lợi bất cập hại”

Góp ý về dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng nhiều quy định đưa ra còn “lợi bất cập hại”. Nếu làm không khéo, mở quá rộng phạm vi bí mật nhà nước thì không ai dám làm, không ai dám tuyên truyền phổ biến.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa (Đại biểu TPHCM).
Luật sư Trương Trọng Nghĩa (Đại biểu TPHCM).

Thảo luận tại Quốc hội chiều 25/10 về dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, nhiều đại biểu cho rằng dự thảo luật có phạm vi điều chỉnh quá rộng, có nguy cơ tạo ra mối trở ngại cho doanh nghiệp, người dân và chồng lấn với Luật Tiếp cận thông tin.

Đại biểu Phạm Như Hiệp (Huế) đề nghị làm rõ những thông tin về thân thế, quá trình công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thuộc nhóm nào cần bí mật, những đối tượng nào cần công khai cho người dân theo dõi, nêu gương, tránh sự xuyên tạc của các đối tượng xấu.

Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đánh giá việc đưa nội dung “thông tin về quá trình xây dựng quy hoạch cấp quốc gia, vùng, tỉnh, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; cửa khẩu” vào phạm vi bí mật nhà nước cần cân nhắc lại.

“Thực tế đã có nhiều dự án, nhiều quy hoạch cấp vùng người dân có quyền được biết, ở một mức độ nào đó. Nếu không thông tin cho rõ thì sẽ có nguy cơ xảy ra các sự việc gây bức xúc tương tự như vụ Thủ Thiêm vừa qua”- bà Khánh nêu quan điểm

Nghiên cứu kỹ lưỡng dự thảo luật, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) thẳng thắn: “Tôi hết sức e ngại, bởi nếu đưa vào sẽ có tác động nhiều chiều, trong đó có tác động ngoài ý muốn, thậm chí tiêu cực với chính sách, chủ trương đang đẩy mạnh xã hội công nghệ 4.0, xây dựng đô thị thông minh”.

Ông Nghĩa phân tích: Đặc trưng của xã hội hiện nay là thông tin phải càng nhanh, càng rộng, tiện lợi, giá rẻ, thậm chí miễn phí. Phổ biến càng nhiều thông tin như vậy thì xã hội càng phát triển, tăng năng suất lao động và giá trị của nền kinh tế.

“Với nhận thức đó mới đặt vấn đề trong những thông tin đó thì thông tin nào là bí mật, thông tin nào là bí mật nhà nước. Nếu làm không khéo mở quá rộng thì không ai dám làm, không ai dám tuyên truyền phổ biến”- ông Nghĩa thẳng thắn.

Từ đó, luật sư Trương Trọng Nghĩa đề nghị quy định bí mật nhà nước là thông tin do nhà nước sản xuất, tạo ra, có nguồn từ cơ quan nhà nước và được quy định theo luật này.

Ông lấy ví dụ, trong hoạt động tư pháp thì điều tra, truy tố, xét xử phải công khai. Thông tin về tài chính, ngân hàng nhiều lúc cũng cần phổ biến nhanh, rộng. Đề thi, đáp án kỳ thi chỉ nên bí mật trước kỳ thi…. Có rất nhiều thông tin phải phổ biến, nhiều thông tin không thuộc về nhà nước mà người dân, doanh nghiệp phải đi tìm kiếm để phục vụ việc làm ăn sinh sống.

“Còn quy định thế này thì lợi bất cập hại. Nếu chúng ta chưa yên tâm thì có thể hoàn thiện thêm. Luật pháp chung chung, thu hẹp quá hoặc mở rộng quá, giải thích theo nhiều nghĩa thì khi đưa ra áp dụng có tác dụng ngoài ý muốn”- ông Nghĩa đề nghị.

Tác giả: Thế Kha

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok