Bộ Xây dựng mới đây đã ký loạt thông báo gửi 12 cựu quan chức yêu cầu trả lại nhà công vụ của Chính phủ tại chung cư CT1-CT2, khu đô thị Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
Chung cư CT1-CT2, khu đô thị Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội, nơi nhiều cựu lãnh đạo chưa trả lại nhà công vụ cho nhà nước. Ảnh: TTO |
12 cựu quan chức này gồm: 3 cựu phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là các ông T.V.L., ông N.V.N., và bà N.T.TH.H..
2 cựu phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam là bà N.H.L. và ông L.V.Đ., và còn có bà B.T.TH., nguyên phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Một người nữa là ông Đ.Q.H nguyên thứ trưởng, phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, cùng với đó là ông H.V.A nguyên thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.
Trong danh sách 12 người có tên ông H.S.TH., nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp, và ông Đ.N.D., nguyên tổng biên tập báo điện tử Đảng cộng sản, cùng với ông Đ.V.CH., nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Ngoài ra, còn có ông P.V.V., nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương.
Nói về trường hợp nguyên lãnh đạo của Bộ nghỉ hưu nhưng chưa trả nhà, một lãnh đạo Bộ Tư pháp cho rằng, vị này đã nghỉ hưu hơn nữa đây là quan hệ dân sự giữa Bộ Xây dựng với vị nguyên lãnh đạo nói trên.
"Tôi nghĩ khi được thông báo thì các bác sẽ sẵn sàng trả lại nhà thôi. Vấn đề là các cơ quan quản lý phải tích cực đôn đốc, nhắc nhở, còn phía các bác cũng cố gắng sắp xếp, di chuyển để sớm trả lại nhà công vụ cho cơ quan quản lý", vị lãnh đạo này nói.
Về trường hợp bà B.T.TH., nguyên phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng chưa trả lại nhà công vụ, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - Nguyễn Túc cho rằng đây là câu chuyện cần phải suy nghĩ.
Nhìn nhận vấn đề khách quan hơn, ông Nguyễn Túc cho biết, trong danh sách 12 cực quan chức chưa trả nhà thì tất cả đều là cán bộ, lãnh đạo các cơ quan thuộc lĩnh vực văn hóa, dân vận, đoàn thể... không liên quan trực tiếp tới các lĩnh vực tài chính, tiền tệ.
Xét về điều kiện khách quan, những vị trí công việc này thường khó mua được nhà hơn so với những cán bộ, lãnh đạo thuộc các lĩnh vực khác. Có thể đây cũng là một lý do khiến các vị cựu lãnh đạo, quan chức này chưa thu xếp, trả được nhà.
Hơn nữa, trong số những cựu cán bộ, lãnh đạo này cũng có người vừa nghỉ hưu, thời gian chưa đầy 1 năm nên cũng có những khó khăn nhất định hoặc chưa mua được nhà, chưa thể chuyển đi.
Tuy nhiên, về nguyên tắc cả 12 cựu cán bộ, lãnh đạo nói trên đều là những người từng nắm giữ các vị trí lãnh đạo tại các cơ quan dân vận, văn hóa, nên càng phải gương mẫu. Đã là quy định thì phải thực hiện, dù đó là ai hay khó khăn thế nào, đã hết thời gian công tác là phải trả lại nhà công vụ cho nhà nước.
Trong trường hợp, cựu cán bộ, lãnh đạo đó có hoàn cảnh khó khăn thật sự thì cần phải có văn bản trình bày, kiến nghị để các cơ quan quản lý, cụ thể là cơ quan chủ quản xem xét, đề xuất, hỗ trợ giải pháp tháo gỡ.
"Khi tôi biết danh sách 12 cựu cán bộ, lãnh đạo này chưa trả nhà, tôi rất băn khoăn, suy nghĩ, thông cảm với những cán bộ, lãnh đạo làm các công tác dân vận, văn hóa vì thu nhập hạn chế, điều kiện sống còn nhiều khó khăn.
Qua đó cũng phải thấy các cơ quan chức năng một mặt xem xét vận động các cựu cán bộ, lãnh đạo thực hiện đúng quy định, khắc phục khó khăn sớm trả lại nhà công vụ. Mặt khác, các cơ quan chủ quản cũng quan tâm tạo điều kiện giúp cán bộ, lãnh đạo của mình có nhà ở, trả lại nhà công vụ cho người khác", ông Nguyễn Túc đề nghị.
Cũng chia sẻ về trường hợp cựu lãnh đạo của UBKT Trung ương, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương cũng cho biết sau khi nhận được thông tin ông đã nhắn tin cho Chủ nhiệm UBKT Trung ương về trường hợp này.
Qua đó, ông Hùng cũng mong muốn UBKT Trung ương làm rõ hoàn cảnh, lý do của cựu lãnh đạo trên để có những đôn đốc, nhắc nhở, vận động người này sớm trả lại nhà.
"Tôi nói rằng, cần phải sớm làm rõ việc này để tránh ảnh hưởng tới uy tín, danh tiếng của Ủy ban.
Nếu là do cơ quan quản lý thiếu đôn đốc, nhắc nhở, hết thời hạn nhưng không thông báo tới người ở thì cũng phải xem lại trách nhiệm của cơ quan này.
Còn trong trường hợp do hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn không mua được nhà, không có chỗ khác thì cơ quan quản lý cũng xem xét, tạo điều kiện, giúp đỡ cho họ ổn định chỗ ở.
Ngược lại, nếu là do cố tình không trả hoặc muốn giữ lại nhà để cho con cái ở thì phải xử lý thật nghiêm", ông Hùng nói.
Liên quan tới việc này, văn bản của Bộ Xây dựng nói rõ, thông báo đòi nhà đã được Bộ Xây dựng gửi tới 12 cựu quan chức này tới 2-3 lần nhưng họ vẫn chưa trả lại nhà công vụ.
Trong khi đó, hầu hết các cựu quan chức nêu trên đều có hệ số phụ cấp chức vụ khi đang công tác từ 1,3 trở lên, đảm nhận chức danh thứ trưởng hoặc chức danh tương đương hàm thứ trưởng và đã được thuê căn hộ nhà ở công vụ theo tiêu chuẩn căn hộ loại 2, diện tích sử dụng từ 100 - 115m2.
Trong trường hợp các cựu quan chức này ở cùng gia đình sẽ được cộng thêm 6m2 nhà ở/1 thành viên gia đình.
Các cựu quan chức nêu trên cũng được nhà nước trang bị nội thất các căn hộ công vụ gồm bàn ghế, kệ tivi phòng khách, máy điều hòa nhiệt độ các phòng, bộ bàn ghế phòng ăn, tủ lạnh, tủ bếp, máy hút mùi, giường, đệm, máy giặt, bình nóng lạnh và một bộ bàn ghế làm việc.
Định mức trang bị nội thất cho căn hộ công vụ loại 2 gồm 2 phòng ngủ, 1 phòng khách khoảng 160 triệu đồng/căn, trường hợp trượt giá được điều chỉnh tăng định mức cho phù hợp.
Tác giả: Thái Bình
Nguồn tin: Báo Đất Việt