Mới đây, nguồn tin từ bộ Giao thông Vận tải cho biết, Viện khảo sát thiết kế số 5 đường sắt Trung Quốc (đơn vị tư vấn) đang nghiên cứu báo cáo cuối kỳ quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Tuyến đường sắt này dài khoảng 388 km, đoạn kết nối đường sắt Hà Khẩu (Trung Quốc) với Lào Cai (Việt Nam) dài 5,6 km; xây dựng theo hướng đông qua 8 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng; kết thúc tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng).
Kinh phí cho việc nghiên cứu quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng được Chính phủ Trung Quốc viện trợ. Đơn vị tư vấn đã ước tính tổng mức đầu tư (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) khoảng 100.000 tỷ đồng; diện tích sử dụng đất toàn dự án khoảng 1.654 ha.
PV báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản giao thông, người có hơn 30 năm nghiên cứu về giao thông đô thị Hà Nội.
Quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng vốn đầu tư dự kiến 100.000 tỷ đang nhận nhiều ý kiến (Ảnh minh hoạ). |
Ông đánh giá như thế nào về việc quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng của bộ GTVT này?
Quan điểm của tôi, nếu xây dựng tuyến đó trong thời điểm hiện nay hoặc 5-7 năm nữa là không hợp lý, sẽ gây lãng phí, gây trùng lặp và sẽ ngốn rất nhiều vốn của Nhà nước, của nhân dân.
Vì sao lại lãng phí, không hợp lý, thưa ông?
Trong tình hình hiện nay, lượng hàng hoá và lượng hành khách của tuyến này là không nhiều, giao lưu giữa mình và Trung Quốc không nhiều. Hướng tuyến từ Lào Cai đi qua 8 tỉnh rồi đến Hải Phòng là những tuyến đường đã có lưu thông, lượng hàng hoá và hành khách không nhiều.
Chúng ta đã có những tuyến đường thông thương, về đường sắt có tuyến Hà Nội đi Lào Cai, Hà Nội đi Hải Phòng. Về đường cao tốc chúng ta có đường quốc lộ nối đường cao tốc đi Lào Cai, từ Hà Nội – Hải Phòng có 3 tuyến: Cao tốc đường bộ, Quốc lộ 5 và một tuyến đường sắt. Vì vậy, nếu làm thì rất lãng phí, đầu tư như vậy rất chồng chéo, vốn đầu tư không hiệu quả.
TS. Nguyễn Xuân Thuỷ cho rằng xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội - Hải Phòng thời điểm này là không hợp lý. |
Vậy khi nào mới là thời điểm hợp lý để xây dựng tuyến đường sắt này?
Tôi thấy rằng, chưa nên xây dựng tuyến này và trong tương lai phải 20-30 năm nữa mới bàn đến. Bởi, chúng ta đang xây dựng tuyến cao tốc Bắc – Nam, sẽ xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam, vậy vốn đâu để làm tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng?
Nếu có xây dựng hay không thì theo tôi cũng phải đấu thầu chứ không thể chỉ định thầu được. Ngay như một số công trình như sân bay Long Thành cũng nên có đấu thầu, đấu thầu để đơn vị nào có đủ tiềm lực mọi mặt thì sẽ giảm được chi phí cho đất nước, đảm bảo chất lượng công trình là được.
Ông suy nghĩ như thế nào về việc Chính phủ Trung Quốc viện trợ kinh phí nghiên cứu quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng?
Nói Trung Quốc viện trợ, tôi cho rằng cụm từ này không đúng, liệu có giống tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông không? Nên thay từ “viện trợ” thành từ khác như hỗ trợ hoặc cho vay vốn ODA.
Việc xây dựng tuyến này không đơn giản chỉ là cán bộ lãnh đạo của bộ GTVT đi bàn với các nơi, mà đây phải là một đề án khoa học có khoa học luận chứng về kinh tế kỹ thuật rất tỉ mỉ. Chứ không phải cứ bảo xây là xây được!
Xin cảm ơn ông!
Ai sẽ được hưởng lợi? Đồng tình với TS.Nguyễn Xuân Thuỷ, chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Hữu Đức cho rằng việc chi 100.000 tỷ đồng xây dựng tuyến đường sắt này là "vô lý và không phù hợp". “Hiện tuyến cao tốc Lào Cai - Hà Nội và Hà Nội - Hải Phòng đã được nối thông và rất hiệu quả, tiết giảm rất nhiều thời gian vận chuyển hàng hóa. Việc xây thêm 1 tuyến đường sắt kết nối tuyến này vừa không hiệu quả, vừa lãng phí, cạnh tranh chính giữa 2 lĩnh vực đường sắt và đường bộ. Hơn nữa, từ thực tế giao lưu về vận tải hàng hoá giữa tỉnh Lào Cai và các tỉnh xuyên suốt trên tuyến đường sắt này cũng không có nhiều đến mức phải cần một tuyến đường sắt tốn kém như vậy”, TS.Đức phân tích. Về tổng vốn đầu tư 100.000 tỷ đồng, ông Đức cho hay, dù kêu gọi tư nhân hay vay vốn ODA thì cuối cùng người dân cũng phải chi trả. "Chúng ta cần phải tìm hiểu kỹ về việc nền kinh tế Việt Nam sẽ hưởng lợi gì khi làm tuyến đường sắt này hay Trung Quốc mới là quốc gia được hưởng lợi?”. |
Nguồn tin: Báo Người đưa tin