Trong tỉnh

10 năm viết thư chưa một lần được chồng hồi âm

Những lần vào thăm chồng ở trại cải tạo, Lê Thị Liên, SN 1971, ở Đông Sơn, Thanh Hóa luôn nhận được lời dặn cố gắng nuôi dạy con, đừng bước vào vết xe đổ của chồng. Liên đã hứa hẹn nhưng rồi không làm được để rồi phải trả giá bằng bản án chung thân. Ân hận về việc làm của mình, Liên viết thư cho chồng, bày tỏ sự hối hận ăn năn nhưng những lá thư mà chị ta viết trong khoảng thời gian gần 10 năm gửi cho chồng chưa một lần được nhận hồi âm.

Tâm sự với chúng tôi, Lê Thị Liên, nữ phạm nhân đang cải tạo bản án chung thân ở trại giam Xuân Nguyên không giấu giếm sự hối hận của mình. Theo lời Liên thì vợ chồng chị ta vốn là người xứ Thanh, vì cuộc sống khó khăn mà di cư lên Sơn La lập nghiệp. Ban đầu vợ chồng Liên làm công nhân nông trường Mộc Châu nhưng sau khi sinh con đầu lòng thì cả hai bỏ ra ngoài làm ăn buôn bán.

Ở mảnh đất vùng cao như Mộc Châu, nếu chăm chỉ làm ăn vẫn có thể giàu có được, điều đó rất hợp với vợ chồng Liên vì cả hai đều lớn lên từ vùng quê nghèo khó, đều là những người quen với lao động từ nhỏ và cùng tham công tiếc việc. Vừa phát triển chăn nuôi, trồng trọt, vợ chồng Liên còn mở thêm một cửa hàng nhỏ bán đồ tạp phẩm để có thêm đồng ra đồng vào những lúc nhàn rỗi. Kết quả là sau mấy năm gây dựng, cả hai cũng tạo dựng được một cơ ngơi khang trang với căn nhà 3 gian kiên cố. Tuy nhiên, khi đứa con thứ hai của vợ chồng Liên được 3 tuổi thì chồng Liên bị bắt. Đó là năm 1997.

Các phạm nhân nữ ở trại giam Xuân Nguyên xếp hàng điểm danh sau giờ đi lao động về phân trại

Theo lời nữ phạm nhân này thì chỉ một buổi chiều, vợ chồng Liên đã gom được khoảng 40 kg nhựa thuốc phiện, đựng vào một chiếc bao tải để sáng hôm sau anh chồng đón xe khách về Hưng Yên. Tuy nhiên, khi vừa mới đến bến xe Long Biên, Hà Nội thì chồng Liên bị bắt. Với số thuốc phiện này, anh chồng bị kết án 20 năm tù giam.

Biết tin chồng cải tạo ở trại giam Nam Hà, Liên thu xếp việc nhà để vài tháng lại xuống thăm chồng một lần. Có lần Liên đi một mình, cũng có lần đem theo cả con nhỏ. Con trai lớn vì đi học rồi nên chỉ dịp nghỉ hè hay lễ Tết mới được Liên cho xuống thăm bố. Liên bảo những khi gặp ấy, ngoài những lúc mừng mừng, tủi tủi thì chồng Liên tỏ ra rất vui khi biết con trai ngoan, năm nào cũng trong đội tuyển học sinh giỏi.

Theo lời Liên tâm sự thì một phần vì hụt hẫng trước sự vắng nhà dài ngày của người chồng từ trước tới nay luôn là trụ cột trong gia đình; phần cũng vì việc buôn bán ế ẩm trong khi một mình xoay với hai con nhỏ khiến cho Liên không chỉ bận bịu suốt ngày mà còn sống trong cảnh thiếu trước hụt sau. Giữa lúc túng quẫn thì Liên được rủ tham gia vào việc mua gom thuốc phiện. Người đàn ông này ở Hải Phòng, lên Mộc Châu thu mua hàng nông sản song đó chỉ là cái cớ để móc nối với những người hám tiền như Liên, biến họ trở thành chân rết trong việc ghu gom thuốc phiện. Khi đường dây ma túy Sơn La- Hải Phòng được hình thành, Liên đã nhiều lần mang ma túy về Hải Phòng cho đồng bọn đưa đi nơi khác tiêu thụ.

Năm 2001, Liên bị bắt và 2 năm sau thì hầu tòa. Nhận bản án chung thân, Liên về trại giam Xuân Nguyên cải tạo. Thời điểm Liên bị bắt, chồng chị ta thi hành án ở trại giam Nam Hà được 4 năm. “Ngày tôi bị bắt, đứa bé vừa vào lớp 1 còn đứa lớn học lớp 6. Cả hai đứa đều học giỏi nhưng bố mẹ đi tù cả nên phải gửi về Thanh Hóa nhờ ông bà chăm sóc. Cuộc sống nghèo khổ của ông bà đã già cả khiến cho hai đứa con tôi phải sớm thất học. Tôi đã làm hỏng chúng” Liên tâm sự.

Theo lời nữ phạm nhân này thì sau khi tốt nghiệp THPT, hai đứa con của Liên đã theo người thân vào TP HCM kiếm sống. Đứa lớn làm cho một xưởng sửa chữa ô tô còn đứa bé học nghề thợ mộc. Cả hai đều ngoan và có việc làm ổn định mặc dù đều là những công việc chân tay, vất vả.

Chị ta bộc bạch rằng, từ ngày vào trại giam Xuân Nguyên thi hành bản án chung thân, tháng nào chị ra cũng viết cho chồng ít nhất một lá thư. Thế nhưng chỉ có thư gửi đi chứ chưa một lần Liên nhận được thư từ chồng gửi đến. Thậm chí khi chồng Liên mãn hạn về, Liên mong chờ ngày gặp mặt nhưng điều đó cũng là xa xỉ. Kể cả lời nhắn qua con trai vào thăm mẹ cũng không bao giờ được thực hiện. “Con trai tôi ở TP HCM về quê cưới vợ, trước khi quay lại đó làm việc có dẫn vợ mới cưới vào đây thăm tôi. Nó khoe được bố thu xếp mọi chuyện đâu ra đấy nên rất mãn nguyện với đám cưới của mình. Khi 2 đứa vào đây thăm tôi, chồng tôi biết nhưng không nhắn nhủ gì. Ông ấy còn giận tôi lắm”, Liên tâm sự.

Liên bảo qua bài báo này muốn gửi lời xin lỗi tới chồng con và mong được tha thứ. trong suy nghĩ của Liên thì dẫu sao mọi chuyện cũng đã xảy ra và điều may mắn đối với chị ta là các con đều ngoan ngoãn, chăm chỉ. Nữ phạm nhân nói, vì thấy các con trưởng thành mà cảm giác như có động lực để quyết tâm cải tạo cho dù biết chặng đường trả giá mà chị ta phải đi qua còn rất dài phía trước.

“Phải hơn chục năm cải tạo mới nghĩ tới chuyện được xuống án nhưng từ lúc này phải có quyết tâm cải tạo tiến bộ, năm nào cũng xếp loại khá thì mới mong được xuống án. Dẫu biết là còn gian nan lắm nhưng tôi đã xác định là phải cố gắng. Chỉ mong ở nhà, chồng và con bỏ qua cho những lỗi lầm đã gây ra”, Liên nói rồi xin phép chúng tôi về nơi lao động. Hẳn là chị ta đã rơi lệ khi nghĩ đến điều đó và không muốn chúng tôi nhìn thấy. Nhìn dáng đi xiêu xiêu của Liên trong cái nắng mới đầu hè đã oi nồng, chúng tôi chợt thấy tiếc cho Liên và những thành viên khác trong gia đình chị ta.

Tác giả: Nguyễn Vũ

Nguồn tin: Báo Pháp luật & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok