Giáo dục

"Záo zụk" đọc trẹo cả mồm theo đề xuất mới của PGS Bùi Hiền

Záo zụk, qười zân tộk... là các cách viết Tiếng Việt kiểu mới theo đề xuất gây bão của PGS. TS Bùi Hiền...

Cách viết tiếng Việt kiểu mới theo đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền

Cải tiến có gì sai?

Vài ngày nay, cả báo chí và mạng xã hội dành nhiều thời gian để bàn luận đề xuất viết Tiếng Việt kiểu mới của PGS.TS Bùi Hiền, nguyên Hiệu phó trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội.

Có người nói cách viết này dù bị "ném đá" tơi bời nhưng không phải không có lý và dễ nhớ, dễ sử dụng. Cái gì mới cũng thường bị đả phá, thậm chí giễu cợt nhưng nếu có nghiên cứu khoa học, tiếp tục xây dựng phương án hoàn hảo hơn thì không phải là không nên bắt đầu cải tiến Tiếng Việt. Bằng chứng là trước đây, ngay cả Bác Hồ cũng có cách viết một số từ khác ngày nay. Một số ý kiến của các bạn trẻ cho rằng nhiều từ viết tắt, đọc 1 âm nhưng viết thành 2 chữ cái đã được "cư dân mạng" cải biến từ lâu, nên cách viết mới cũng không đến nỗi "không chấp nhận được".

Tiến sỹ Lương Hoài Nam cho rằng nên hoan nghênh mọi sáng kiến không dùng tiền thuế của dân, chứ sao lại vùi dập ngay từ trứng nước? Ông đặt vấn đề: "Nếu người Nhật làm thế thì họ đâu có được chữ viết tượng thanh Kana ngoài chữ viết tượng hình Kanji mượn của người Hán? Nếu người Hàn làm thế thì họ đâu có được chữ viết tượng thanh Hangul ngoài chữ viết tượng hình Hanja mượn của người Hán?

Tôi không nghĩ mọi kiến nghị của ông Bùi Hiền là hợp lý và khả thi. Cần phải nghiên cứu thêm rất nhiều. Cần phải có thêm nhiều sáng kiến nữa và của nhiều người khác nữa, T.S Nam nói.

Tuy nhiên, những ý kiến ủng hộ vẫn rất ít ỏi so với sự phản ứng dữ dội trong mấy ngày qua.

Đọc trẹo cả mồm với cách viết mới

Nhiều người cho rằng cách viết này quá kỳ quặc, đọc trẹo cả mồm và nhầm lẫn về nguyên lý, cái lõi của ngôn ngữ tượng thanh là âm, mà ký âm kiểu này lại bắt người ta thay đổi âm theo hình thức ký âm. Không thể so sánh sự thay đổi cách viết ở chữ tượng thanh và chữ tượng hình được.

PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội cho rằng cải tiến như vậy sẽ làm đảo lộn và làm phức tạp hóa thêm vấn đề, chứ không hề tạo ra tiện lợi hơn trong việc sử dụng. Đó là chưa kể, làm như vậy, chúng ta sẽ tạo ra một kiểu chữ La tinh theo bản sao, rất xa lạ với tư duy truyền thống của người Việt.

Nhà báo Thế Thịnh nêu quan điểm: Chữ viết ông Hiền đề xuất có thể gọi nôm na là cách ký âm tiếng Việt mới. Nhưng có vẻ như ông Hiền đã tách ngôn ngữ ra khỏi âm, mà âm là cái hồn cốt của tiếng Việt. Ông Hiền đã lẫn lộn giữa tiếng tượng thanh và tượng hình. Không biết viết theo kiểu ông Hiền thì đánh vần như thế nào? (Chỉ chữ tượng hình mới không đánh vần được).

Nếu để tiện ích thì các nước như Trung, Triều, Hàn, Nhật, Thái, Lào, Căm pu chia, Ả rập, Nga... họ đã phiên âm của họ qua chữ Latin, nhưng họ không làm. Không làm là vì sao? Nếu phiên như thế thì cả kho tàng văn hóa của họ sẽ bị mai một vì lớp trẻ sẽ không đọc được, trừ người học “tiếng cổ” của họ.

Theo nhà báo này, các công trình nghiên cứu nên tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc hoặc cần thiết của xã hội. Bức xúc nhất hiện nay là cả cơ quan nhà nước cũng còn tình trạng viết cái văn bản cũng không đúng, giáo viên đứng lớp dạy học sinh còn thiếu, còn bị nợ lương.

Chữ quốc ngữ lộ nhiều bất hợp lý

Tại Hội thảo ngữ học toàn quốc được tổ chức tại Trường ĐH Quy Nhơn hồi tháng 9/2017, PGS.TS Bùi Hiền cho rằng chữ quốc ngữ hiện đã bộc lộ nhiều bất hợp lý nên cần phải cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng.

Vị PGS nguyên là Hiệu phó trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội kiến nghị phương án cơ sở để tiến tới một phương án tối ưu trình Nhà nước. Cụ thể, bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái Tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z. Đồng thời thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng trên.

Cụ thể: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r. Vì âm “nhờ” (nh) chưa có kí tự mới thay thế, nên trong văn bản trên tạm thời dùng kí tự ghép n’ để biểu đạt.

Phương pháp sửa đổi này được ông Bùi Hiền cho rằng dựa trên tiếng nói văn hóa của Thủ đô Hà Nội cả về âm vị cơ bản lẫn 6 thanh điệu chuẩn, nguyên tắc mỗi chữ chỉ biểu đạt một âm vị, và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái tương ứng biểu đạt.

Ngôn ngữ cải tiến này sẽ biến cách viết từ "Luật giáo dục" hiện nay thành “Luật záo zụk”. “Tiếng Việt” thành “Tiếq Việt”, “ngôn ngữ” thành “Qôn qữ", "nước ngoài" thành "nướk qoài"...

Tác giả: Minh Vỹ

Nguồn tin: Báo Giao thông

  Từ khóa: tiếng việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok