Số hóa

YouTube siết chặt việc kiếm tiền từ video

YouTube vừa công bố thay đổi chính sách lớn về video trên kênh này nhằm hạn chế video sai phạm.

Theo đó, kênh YouTube dưới 10.000 lượt xem không còn kiếm được tiền quảng cáo. Quy định mới của trang web chia sẻ video lớn nhất thế giới sẽ được áp dụng từ tháng 11 tới và được thiết kế để chặn các kênh chuyên ăn cắp nội dung của người khác nhằm kiếm tiền. Cụ thể hơn, nếu kênh video chưa đủ 10.000 lượt xem, người dùng sẽ không được phép gài quảng cáo vào video và kiếm tiền từ đó.

YouTube cho rằng phương thức này không chỉ giúp họ nhận biết các YouTuber (chủ tài khoản YouTube) đang kiếm tiền hợp pháp hay không mà còn giúp hạn chế tình trạng vi phạm bản quyền (có những YouTuber ăn cắp nội dung của một kênh khác nhưng vẫn kiếm được tiền từ quảng cáo). Đây được xem là động thái mạnh tay của YouTube nhằm lọc bớt những nội dung sai trái, kém chất lượng.

MV “Em gì ơi” của Jack và K-ICM đạt 21 triệu view sau 2 ngày ra mắt nhưng lên được vị trí số 1 Top trending YouTube Việt Nam (nguồn: cắt từ MV)

Thực tế, ở thời điểm này, YouTube cũng đang đối mặt với việc bị "tẩy chay" vì cách hiển thị quảng cáo không phù hợp cạnh các video. Trong năm ngoái, ít nhất 2 lần các nhà quảng cáo lớn rút khỏi nền tảng này khi các đoạn quảng cáo của họ hiển thị trên video với nội dung không phù hợp, như ủng hộ khủng bố, bạo lực hay phân biệt chủng tộc... Sau khi bị công luận lên án, YouTube đã mất rất nhiều khách hàng lớn, khi các công ty quyết định giảm hoặc rút hẳn quảng cáo trên YouTube. Website này đã phải cam kết thay đổi để giám sát nội dung tốt hơn, giúp các công ty khách hàng có quyền kiểm soát lớn hơn.

Khi tài khoản đó vượt ngưỡng 10.000 lượt xem, YouTube sẽ xem xét lại nội dung để quyết định nó đã đủ tiêu chuẩn đặt quảng cáo chưa. Mốc này sẽ giúp hạn chế những người đăng tải lại nội dung của người khác. Việc báo cáo tài khoản vi phạm cũng dễ dàng hơn. Đại diện YouTube cho rằng: "Mốc mới này sẽ cho chúng tôi đủ thông tin để quyết định tính xác thực của một kênh video, nhằm quyết định liệu kênh đó có đang tuân thủ quy định hay không. Giới hạn này sẽ bảo đảm doanh thu chỉ chảy về túi những người chơi đúng luật".

Giới phân tích cho rằng chính sách mới có thể chặn quảng cáo khỏi một số video nội dung xấu. Tuy nhiên, ngưỡng 10.000 lượt xem là quá thấp, khi nhiều video thuộc nhóm này có lượt xem lên hàng trăm ngàn.

Với quy định tất cả các kênh phải đạt 4.000 giờ xem và 1.000 lượt đăng ký mới có thể bật kiếm tiền, YouTube đang khiến giới showbiz Việt xôn xao với 2 luồng dư luận trái chiều. Nếu một vài người không mấy quan tâm đến chế độ siết chặt của YouTube thì không ít người lại tỏ rõ sự lo lắng. Bởi không chỉ muốn kiểm soát kỹ hơn về vấn đề bản quyền, thu nhập từ quảng cáo mà YouTube cho thấy họ cũng đang có những thuật toán mới áp dụng cho tốp thịnh hành (top trending) trên YouTube Việt Nam. Cụ thể, không phải cứ có lượt xem nhiều là có thể dễ dàng lọt vào top trending trên YouTube Việt Nam như trước đây.

Trường hợp của MV "Em gì ơi" của cặp đôi Jack và K-ICM mới đây là một ví dụ. "Em gì ơi" đã lọt tốp 5 video ca nhạc có lượt xem cao nhất thế giới, đạt hơn 21 triệu view sau 2 ngày ra mắt. Đây là con số quá lý tưởng, nếu so với lượt view của một MV đạt vị trí đầu trong top trending của YouTube Việt Nam, lượt view này cao gấp 5 lần. Nhưng "Em gì ơi" không có mặt trong top trending trên YouTube Việt Nam.

Nhiều nguồn tin giải thích rằng việc MV "Em gì ơi" không thể có mặt trong top trending vì ca khúc này vướng nghi án bản quyền giai điệu từ một ca khúc của Thái Lan. Điều này khiến nhiều nghệ sĩ lo lắng vì nếu đầu tư lớn cho sản phẩm nhưng chỉ một lỗi nhỏ, có khi khách quan như do đạo diễn sơ suất, nhạc sĩ sáng tác, nhạc sĩ hòa âm, hay những quảng cáo mang nội dung "bẩn" gây ra mà ca sĩ không kiểm soát hết..., cũng khiến cho sản phẩm bị thất bại.

Chưa kể, tất cả MV của nghệ sĩ hiện nay sống nhờ quảng cáo trên kênh YouTube riêng, việc giới hạn 10.000 lượt xem cũng khiến cho thu nhập từ kênh YouTube của họ bị hạn chế.

Tuy nhiên, những quy định mới này của YouTube, theo nhiều YouTuber, là cần thiết bởi những người làm nội dung chân chính sẽ phấn khởi vì sẽ trở nên công bằng và nội dung video sạch sẽ hơn.

Tác giả: Thùy Trang

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok