Đây là thông tin được ông Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cung cấp trong Hội nghị giao ban Truyền thông xã hội tháng 7/2017 chiều nay.
Trong 6 tháng đầu năm, có gần 1.600 trang TTĐT, 300 MXH trong nước được cấp phép.
Hội nghị giao ban truyền thông xã hội diễn ra trong không khí cởi mở |
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, cùng với báo chí, truyền thông xã hội ngày càng có vai trò tác động lớn đến dư luận xã hội.
Với đặc trưng môi trường mạng, chỉ sau vài phút, “tin nóng” sẽ được chia sẻ tới hàng chục nghìn người theo cấp số nhân.
Vì vậy, tùy theo mục đích, ý thức, văn hóa của người cung cấp mà thông tin có thể là tích cực hoặc tiêu cực và tầm tác động không chỉ là cá nhân, tổ chức mà có thể ảnh hưởng tới sự ổn định của quốc gia.
Ông Lâm nói Bộ TT&TT, Ban Tuyên giáo TƯ đánh giá cao hoạt động tích cực của các trang thông tin điện tử (TTĐT) và mạng xã hội (MXH) thời gian qua đã góp phần vào việc truyền tải kịp thời thông tin về chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, tình hình kinh tế - xã hội trong, ngoài nước.
Nhiều doanh nghiệp cũng đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển của nền kinh tế VN.
Tuy nhiên, ông Lâm cũng chỉ ra rằng do chạy theo view quảng cáo nên các doanh nghiệp chưa chú trọng bố trí kiểm duyệt, nên xảy ra tình trạng các trang tin đưa nhiều thông tin tiêu cực dày đặc, tạo ra bức tranh xã hội u ám.
Các trang tin thì hoạt động chưa đúng với giấy phép, thậm chí còn tự sản xuất tin bài như một tờ báo điện tử, tạp chí điện tử. Những thông tin “tự sản xuất” lại mang tính đánh đấm, tạo bất lợi cho doanh nghiệp…
Các thông tin bôi nhọ đời tư cá nhân, vi phạm bản quyền vẫn còn phổ biến trên nhiều trang tin, mạng xã hội, gây bức xúc xã hội.
Cục trưởng Cục PTTH & TTĐT Nguyễn Thanh Lâm |
Theo Cục trưởng Cục PTTH & TTĐT, 3 doanh nghiệp nước ngoài là Facebook, YouTube, Google chiếm từ 60 - 70% doanh thu quảng cáo ở Việt Nam, còn báo điện tử, các trang TTĐT chia nhau số ít ỏi còn lại.
Các doanh nghiệp như VCCorp, VNG, Yeah1 Network nêu lên việc Facebook, YouTube hoạt động mạnh ở VN, có lượng người dùng rất đông, thu lợi nhuận “khủng” nhưng lại không bị xử lý gì, dù có nhiều vi phạm.
Trong khi các công ty Việt với cùng lỗi tương tự lại bị xử phạt rất nặng. Các doanh nghiệp mong muốn cơ quan quản lý nhà nước xử phạt công bằng.
Facebook, YouTube hoạt động ở Việt Nam thì phải có chế tài để kiểm soát, xử phạt khi sai phạm - đại diện 1 doanh nghiệp nêu lên.
Các doanh nghiệp trong nước nói rằng trong khi quảng cáo ngày càng ít đi, thì các đơn vị trong nước lại cạnh tranh nhau miếng bánh ít ỏi này, mà không cùng hợp tác để “chiến đấu” với doanh nghiệp nước ngoài, giành thị phần.
Ngoài việc tự đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, đại diện công ty VCCorp mong muốn cơ quan quản lý cũng nên tạo điều kiện, có cơ chế thoáng hơn, giúp các doanh nghiệp trong nước có thể phát triển mạnh hơn nữa.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo khẳng định cơ quan quản lý luôn tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp nước nhà phát triển |
Xác nhận những điều phản ảnh của các doanh nghiệp, đại diện Cục PTTH & TTĐT cho biết, thời gian qua, sau khi làm việc với cơ quan chức năng, YouTube đã gỡ bỏ 3.000 clip có nội dung xấu, độc hại.
Facebook cũng xóa bỏ gần 600 tài khoản (106 tài khoản giả mạo, 394 tài khoản rao bán kinh doanh trái phép, 132 tài khoản thường xuyên bôi nhọ, xuyên tạc thông tin Đảng nhà nước, các tập thể, cá nhân). Apple cũng xóa 6 game không phép, 4 game khác đang được xem xét.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo yêu cầu Cục PTTH & TTĐT, thanh tra ngành tổng hợp lại ý kiến của các doanh nghiệp để báo cáo lên Bộ xem xét.
Đồng thời rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, xem có chỗ nào chưa hợp lý thì sớm giải quyết cho các doanh nghiệp.
Theo Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo, cơ quan quản lý nhà nước luôn tạo điều kiện, cơ chế thông thoáng nhất để giúp các doanh nghiệp phát triển, đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế nước nhà.
Tác giả: Văn Đức
Nguồn tin: Báo VietNamNet