Cách đây 10 năm, khi iPhone tròn 2 tuổi, còn smartphone Android đầu tiên mới 1 tuổi, máy tính để bàn và laptop là thiết bị phổ biến nhất để duyệt web. Thời đó, Internet Explorer vẫn là trình duyệt phổ biến nhất, riêng phiên bản Internet Explorer 6 chiếm tới 25% thị phần.
Thông báo đề xuất trình duyệt khác xuất hiện trên Internet Explorer 6 khi truy cập YouTube. Ảnh: Verge. |
Tuy nhiên, đến giữa năm, Internet Explorer 6 bất ngờ giảm thị phần nhanh chóng và chưa tới một năm, nó chỉ còn dưới 10%. Lúc giảm, chỉ có một số bài báo đề cập đến việc Google ra thông báo dừng hỗ trợ trình duyệt này, không đề cập chi tiết. Nhưng mới đây, Chris Zacharias - một cựu kỹ sư Google và YouTube - đã hé lộ bí mật trên.
Theo Zacharias, vào 2009, Internet Explorer 6 đã khá cũ nhưng 18% người dùng vẫn truy cập YouTube qua nó. Đơn giản là khi đó sản phẩm của Microsoft không có đối thủ xứng tầm dù sử dụng công nghệ lạc hậu và bảo mật kém, cũng như do thói quen người dùng không thích thay đổi.
Trong khi đó, nhóm kỹ sư YouTube vẫn buộc phải tối ưu nền tảng video của mình cho Internet Explorer 6, cũng như liên tục phải sửa lỗi. Điều đó làm nhóm chán ngấy và muốn "tiêu diệt" trình duyệt web này.
Zacharias kể lại rằng, sau nhiều đêm suy nghĩ, một nhóm nhỏ đã tự tạo nên một thông báo nhỏ, với nội dung "trình duyệt này sẽ không được hỗ trợ trong tương lai và người dùng nên đổi sang trình duyệt khác hiện đại hơn". Các sản phẩm đề xuất gồm Internet Explorer 8, Firefox hoặc Google Chrome. Đặc biệt, nội dung chỉ hiển thị với những ai dùng YouTube trên Internet Explorer 6 nên rất khó phát hiện.
Nhóm kỹ sư này tự đưa ra thay đổi mà không hề có sự chấp nhận của Google. Trên thực tế, họ là những người cũ, đã xây dựng mạng video trước khi công ty tìm kiếm mua lại. Họ cũng tự tạo một nhóm đặc quyền có tên OldTuber, có thể tự đưa ra các quyết định nhỏ mà không cần báo cáo với lãnh đạo. Do đó, ngay cả chính lãnh đạo YouTube lẫn Google đều không hề hay biết.
Phải đến hai ngày sau khi đoạn thông báo trên xuất hiện, một quản lý cấp cao của YouTube mới tìm đến cả nhóm. Ông này cho biết mình nhận được nhiều email từ truyền thông khắp nơi trên thế giới, trong đó đặt câu hỏi: Tại sao YouTube lại đe dọa tiêu diệt một trình duyệt có thị phần đáng kể như vậy?
Hai luật sư của Google sau đó cũng muốn biết lý do tại sao YouTube tự đưa ra thông báo, đồng thời yêu cầu gỡ bỏ. Họ lo lắng một trong số sản phẩm được đề xuất là Chrome thuộc Google, có thể vi phạm luật cạnh tranh của châu Âu.
Không lâu sau đó, banner tương tự cũng xuất hiện trên Google Docs khi mở bằng Internet Explorer 6. "Có lẽ họ tưởng nhầm rằng chúng tôi làm vậy vì đã nhận mọi chỉ đạo từ quản lý cấp cao", Zacharias nhớ lại.
Cuối cùng, Google đành im lặng chấp nhận như "sự đã rồi". Họ không ngờ rằng việc làm của nhóm kỹ sư khiến Microsoft phải suy nghĩ lại và nâng cấp trình duyệt của mình trở nên tốt hơn. Đáng tiếc khi công ty phần mềm Mỹ không làm đến nơi đến chốn và lần lượt bị các đối thủ như Chrome, Firefox... vượt mặt.
Tác giả: Bảo Lâm
Nguồn tin: Báo VnExpress