Số hóa

YouTube 2020: Dấu ấn của giới game streamer và lời xin lỗi vì văng tục

Độ Mixi, chủ sở hữu kênh YouTube nổi bật 2020, là một trong những game streamer nổi tiếng gần đây. Anh từng xin lỗi vì bị VTV lên án thói văng tục trong livestream.

Độ Mixi đi lên từ vai trò game streamer, nay có kênh YouTube nổi bật với 4,27 triệu lượt theo dõi

Không chỉ Độ Mixi mà các game streamer (người livestream và nói chuyện khi chơi game) như Cris Devil Gamer, Pew Pew, Misthy, ViruSs, Linh Ngọc Đàm, Xemesis, Uyên Pu... ngày càng nổi tiếng, có hàng triệu lượt theo dõi trên nhiều nền tảng. Xu hướng này nói lên điều gì?

'Làm streamer kiếm được rất nhiều tiền'

Trong 10 nhà sáng tạo nổi bật của YouTube Việt Nam 2020, kênh MixiGaming của Độ Mixi đứng đầu với 4,27 triệu người theo dõi, kênh Cris Devil Gamer của Cris Phan đứng thứ sáu với 9,22 triệu người theo dõi.

ViruSs là YouTuber, streamer, nay là nhà sản xuất âm nhạc

Tiêu chí "nổi bật" không chỉ dựa trên lượng theo dõi mà còn là xu hướng tăng trưởng của kênh YouTube đó trong năm 2020 và tầm ảnh hưởng. Độ Mixi cùng PewPew, ViruSs, Xemesis được gọi là "tứ hoàng" trong giới game streamer Việt, trong đó PewPew và ViruSs phát triển sang lĩnh vực kinh doanh, sản xuất nhạc.

Trong một talkshow tháng 11 với Cris Phan, ViruSs khẳng định: "Làm streamer kiếm được rất nhiều tiền, nhưng bạn phải nằm trong số 10 kênh đáng xem nhất. Còn nếu không, bạn chỉ có bào tiền thôi".

Có thể nói bên cạnh niềm yêu thích cá nhân, tiền chính là một trong những lý do khiến ngày càng có nhiều người trở thành game streamer. Các chủ kênh ít khi công khai thu nhập, nhưng dựa trên những video hàng triệu lượt xem, kênh từ 4 đến gần 10 triệu lượt người theo dõi, thu nhập của họ có thể là nhiều tỉ đồng.

Ngoài làm streamer, Cris Phan còn là diễn viên và có nhiều mối quan hệ trong giới giải trí

Nhưng bên cạnh đó, nghề streamer vẫn chưa thực sự được nhiều người coi trọng. Điều này đến từ bản thân các streamer khi họ thường có phát ngôn gây tranh cãi, ngôn từ thô tục và một phần đến từ định kiến xã hội.

Cris Phan đặt ra các tiêu chí cho bản thân: "Càng ngày, chúng tôi phải nâng cấp bản thân mình. Đối với tôi, một khi ra sản phẩm thì phải đáp ứng các tiêu chí: giải trí, có câu chuyện và có tính giáo dục".

Xin lỗi vì nói tục và trách nhiệm cộng đồng

Mặc dù vậy, khi giới streamer ngày càng có sức ảnh hưởng như họ tự công nhận, thì giống như các ngôi sao giải trí, yêu cầu về trách nhiệm cộng đồng của họ cũng tăng tỉ lệ thuận.

Điểm đặc trưng của các streamer chính là sự gần gũi như bạn bè với người xem, do đó ngôn ngữ của họ cũng "như những người bạn", theo lối bình dân nhất. Đó là cách nói đệm các từ văng tục một cách dày đặc.

Trong khi đó, người xem của họ tập trung ở độ tuổi 9x, 10x - những khán giả yêu thích game và đủ rảnh rỗi để dành hàng giờ liền mỗi ngày xem livestream chơi game.

PewPew cho rằng streamer cần bỏ hẳn nói tục

Hồi tháng 9, VTV đưa vấn đề này lên sóng truyền hình quốc gia. Nhân vật bị điểm mặt cũng là Độ Mixi.

Trong chương trình, PewPew nêu quan điểm: "Ban đầu, đó là sự giao lưu với mọi người nhưng khi nhận được sự quan tâm, tôi cảm thấy phải thay đổi. Thứ nhất là phải tiết chế, sau đó là hạn chế và cuối cùng là bỏ hẳn. Không thể thích nói gì thì nói".

Động thái lên án, nhắc nhở của truyền thông khiến giới streamer "dậy sóng". Một số người cho rằng họ giao tiếp với khán giả của mình theo cá tính của bản thân và rất khó tiết chế thói quen văng tục. Nhưng cũng rất nhiều người nhận ra đó là lời nhắc nhở đúng đắn, cần cân nhắc thay đổi hành vi.

Riêng Độ Mixi, người được nhắc đến trong phóng sự, có cách giải quyết tích cực khi nhận sai và cảm ơn vì lời nhắc nhở.

Anh lên sóng livestream thừa nhận: "Cái xấu nhất của tôi là hay nói bậy. Trước đây, những từ nói bậy được đệm vào lúc tôi đang nghĩ xem nên nói gì tiếp theo. Từ lâu rồi, tôi thấy mình phải thay đổi. Tôi cảm ơn VTV vì cho một lý do để tôi thực sự thay đổi, không chỉ vì cá nhân mà còn vì gia đình và vì cái nghề tôi đang làm.

Nếu những người đi đầu như tôi, PewPew, ViruSs không thay đổi thì nghề này chỉ mãi ở dưới, không nổi lên trên được. Nếu chúng tôi chửi bậy thì sau này các streamer nhỏ tuổi hơn chẳng được ai công nhận cả".

Khi streamer ngày càng có ảnh hưởng hơn, việc nhận sai và xin lỗi công chúng cũng là trách nhiệm. Hơn thế, chính họ cũng đang là phụ huynh và lo lắng cho sự phát triển của con cái mình.

Hậu Hoàng liên tục là nhà sáng tạo YouTube nổi bật trong hai năm 2019, 2020 - Ảnh: NVCC

Nhạc chế, hài vẫn 'hot' trên YouTube

Dù chỉ đứng thứ ba trong top 10 nhà sáng tạo YouTube Việt Nam 2020, Hậu Hoàng vẫn nắm giữ video nổi bật nhất năm với sản phẩm Nhìn lại 2019 - Hậu Hoàng - Cảm ơn tất cả mọi người. Video này hiện có 82,5 triệu lượt xem trên YouTube.

Đáng chú ý, đây lại là video tổng hợp những câu chuyện và nhân vật Hậu Hoàng đã "chế" trong năm 2019. Như vậy, nội dung cũ của YouTuber này lại tiếp tục "nuôi" kênh của cô trong năm 2020. Và trong năm qua, cô vẫn tiếp tục ra những video nhạc chế, hài đạt hàng chục triệu lượt xem.

Cùng xu hướng nhạc chế là Di Di, video hài có Gãy Media. Một xu hướng khác là web drama, video hài học đường như Thiên An Official, FAP TV; hay tạo dựng tình huống oái oăm, lừa đảo để nâng cao cảnh giác như Anh Thám Tử.

Mặc dù vậy, sự phổ biến của nhạc chế, hài trên YouTube Việt Nam cũng vấp phải ý kiến trái chiều. Nhiều khán giả cho rằng các kênh YouTube có nội dung văn minh và cách làm "sạch sẽ" khó có thể xuất hiện trong top 10 vì không cạnh tranh được về lượt xem.

Gây nhiều lùm xùm, các kênh chuyên prank (chơi khăm), gây sốc như Hưng Vlog, NTN hay nấu ăn "siêu to khổng lồ" như Bà Tân Vlog... cũng không có mặt trong số top 10.

Tác giả: Mi Ly

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

  Từ khóa: streamer , YouTube 2020

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok