Yahoo! từng một thời là "cửa ngõ" của thế giới ảo. - Ảnh minh họa |
Ngày 17-7-2018, Yahoo! Messenger chính thức vĩnh biệt thế giới ảo dù đã “chết lâm sàng” một thời gian dài. Sự phát triển như vũ bão của các đối thủ khác cũng như sự chậm chạp thay đổi của Yahoo! được xem là nguyên nhân dẫn đến sự “khai tử” của ứng dụng chat đình đám một thời này.
Đế chế một thời
Yahoo! ra đời ngày 2-3-1995 do hai sinh viên Đại học Stanford là Jerry Yang và David Filo lập ra với mục đích ban đầu là giúp bạn bè dễ dàng tìm ra các địa chỉ website yêu thích một cách thuận tiện. Sau đo, nó nhanh chóng trở thành công cụ tìm kiếm và truy cập web phổ biến nhất trên internet. Trong những năm 1990, Yahoo! gần như là điểm khởi đầu của mọi người dùng khi truy cập internet.
Theo một số thống kê, Yahoo! đã trở thành công ty tiên phong trong thế giới ảo với gần một tỉ người dùng. Các sản phẩm Yahoo! đem đến đều thu hút rất đông đảo người dùng, từ tìm kiếm, chat, thư điện tử, blog đến game, lưu trữ... Năm 2000 được xem là đỉnh cao nhất của Yahoo! khi giá trị vốn hóa thị trường của nó đạt 128 tỉ USD, gấp 2 lần Walt Disney thời điểm đó.
Tuy nhiên, những khủng hoảng tài chính xuất hiện liên tục từ một năm sau đó đã bắt đầu thời kỳ thoái trào của “đế chế” Yahoo!. Khi Google bắt đầu phát triển cũng là lúc sự thống trị trong mảng tìm kiếm của Yahoo! dần bị thu hẹp lại. Năm 2002, Yahoo! mất vị trí công cụ tìm kiếm mặc định trên AOL vào tay Google và họ bắt đầu lao dốc không phanh.
Sự thay đổi liên tục các vị trí lãnh đạo chủ chốt cũng như việc thay đổi loạn xạ chiến lược kinh doanh đã khiến Yahoo! không định hình được chính mình. Sau nhiều năm thua lỗ liên tục, Yahoo! đành chấp nhận bán mình với giá chỉ còn 4,48 tỉ USD vào năm 2017, chấm dứt 22 năm gây “sóng gió” trên thế giới ảo.
Yahoo! Messenger, một thời để nhớ với người dùng Việt
Ngày 8-6 vừa qua, Công ty truyền thông Oath Inc., một thành viên của Tập đoàn Verizon Communications, đơn vị đang nắm giữ Yahoo! tuyên bố sẽ đóng cửa dịch vụ Yahoo! Messenger từ ngày 17-7 và sẽ không có ứng dụng nào tương tự để thay thế. Trước khi thông báo chính thức đóng cửa dịch vụ này, phiên bản Messenger dành cho máy tính đã ngừng hoạt động vào giữa 2016.
Ứng dụng này một thời được yêu thích tại nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Thế hệ 7X và 8X tiếp xúc internet hẳn là những người có ấn tượng sâu đậm nhất với Yahoo! Messenger.
“Với thế hệ 8X đời cuối như tôi, đó là cả một bầu trời thương nhớ. Đó là nơi chất chứa những kỷ niệm tình bạn cực kỳ hồn nhiên và trong sáng của thời học trò. Cái thời mà ở quê, chúng tôi chỉ cần 3000 đồng là có thể Buzz với nhau cả giờ đồng hồ.
Nickname của tôi đặc biệt lắm, đó là mat_tim_thu_buon, ấy vậy mà khi ai add cũng đọc là mắt tím u buồn cả. Nó là bình yên, nó là trong sáng không bon chen như tuổi trẻ của tôi vậy. Tôi vẫn rảnh rỗi online Yahoo! định kỳ, nhưng giờ đâu còn ai gửi tin nhắn offline hay sáng nick đâu, thế là lại out mà vẫn nhớ một thời...”, chia sẻ của chị Lệ Thương (TP.HCM) và cũng là tâm trạng tiêu biểu của rất nhiều người dùng Việt từng sống, ăn, ngủ cùng Yahoo! Messenger.
Trước thời điểm tuyên bố đóng cửa, ngày 9-3-2018, Yahoo! Messenger tròn 20 tuổi - lứa tuổi đẹp nhất của đời người - thế nhưng sinh nhật của nó lại không hề vui như cái độ tuổi của mình. Lí do đó là người dùng trên toàn cầu gần như đã quên lãng Yahoo! Messenger cứ như thể nó đã hơn 60 tuổi chứ không phải chỉ mới 20 như của đời người.
Yahoo! Messenger ra mắt đầu tiên vào ngày 9-3-1998 với tên gọi Yahoo! Pager, sau đó được chính thức đổi tên thành Yahoo! Messenger vào ngày 21-6-1999. Do vậy, tính đến thời hạn đóng cửa 17-7-2018, dịch vụ chat này có tuổi đời 20 năm, 4 tháng, 8 ngày.
Một số thương vụ giá trị của Yahoo! Tháng 3-1997, Yahoo! mua dịch vụ webmail Four11 với giá 92 triệu USD - nền tảng để tạo ra Yahoo Mail – hiện tại là dịch vụ mail lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Gmail của Google và Outlook của Microsoft. Tháng 1-1999, Yahoo! mua GeoCities – một dịch vụ lưu trữ và duy trì website. Thời điểm đó, GeoCities là website được ghé thăm nhiều thứ 3 thế giới chỉ sau AOL và Yahoo!. Công ty này cũng mua website Broadcast.com của tỉ phú Mark Cuban với giá 5,7 tỷ USD vào tháng 4-1999. Dịch vụ này cung cấp các chương trình TV và radio trên internet dẫn đầu thị trường trong giai đoạn đó. Đến năm 2005, dù đã suy giảm sức ảnh hưởng rất nhiều nhưng Yahoo! cũng kịp gây tiếng vang khi mua lại Ludicorp với giá 25 triệu USD. Công ty này điều hành website chia sẻ hình ảnh Flickr – một trong những website hình ảnh lớn nhất trên internet. Cũng trong năm 2005, Yahoo! chi ra 1 tỉ USD để mua 40% cổ phần Công ty thương mại điện tử Alibaba. Năm 2013, Yahoo! chi 1 tỉ USD để mua lại Tumblr - một nền tảng blog nhằm thu hút người dùng trẻ tuổi, thay thế cho nền tảng blog 360 đã bị người dùng bỏ rơi. Tháng 6-2017, Yahoo! bán toàn bộ các mảng chính của mình, bao gồm tìm kiếm, email và công cụ nhắn tin Yahoo! Messenger cho Verizon Communications với giá 4,48 tỉ USD. |
Tác giả: ĐỨC THIỆN
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ