Bà Huỳnh Vũ Thị Minh Loan, chủ Cơ sở kinh doanh và chế biến thực phẩm Việt (Vietfoods), cho biết gầy dựng cơ sở từ năm 2010 và chưa bao giờ phải trải qua thời gian kinh khủng như một tháng qua.
Dân sợ không dám ăn!
“Mình làm thực phẩm với quan niệm gia đình mình ăn được thì mới bán cho người tiêu dùng mà bỗng dưng bị coi là bỏ chất cấm gây ung thư vào xúc xích để kiếm tiền. Chúng tôi bị coi như tội đồ đầu độc người khác, bị kỳ thị nên áp lực rất lớn. Đến giờ, tuy được “minh oan” nhưng những bài báo nói xúc xích Vietfoods chứa chất gây ung thư vẫn tràn ngập trên mạng. Ngay người dân sống quanh nhà máy vẫn còn nhiều người “sợ” xúc xích, không dám ăn” - bà Loan bày tỏ với phóng viên ngày 30-5.
Sự cố vừa xảy ra, hàng trên đường phân phối bị trả về đồng loạt với số lượng lên đến vài chục tấn. “Do sản phẩm có thời hạn sử dụng ngắn, từ 45-60 ngày, nên xúc xích hết hạn phải bán cho cá ăn với giá 2.000 đồng/kg, trong khi giá bán sỉ trên thị trường lúc bình thường từ 70.000 - 90.000 đồng/kg, tùy loại” - bà Loan chua xót.
Vietfoods đầu tư bài bản để bảo đảm an toàn thực phẩm nhưng bị "đòn oan" Ảnh: AN NA
Hiện tại, trong kho của Vietfoods ở Bình Dương vẫn còn 12-13 tấn xúc xích các loại còn hạn sử dụng từ 15-20 ngày và cơ sở này đang xem xét có nên bán ra thị trường số sản phẩm sắp hết hạn sử dụng này không. Thiệt hại của Vietfoods ước tính khoảng 10 tỉ đồng, bao gồm hàng hóa bị hỏng, ngưng sản xuất, đối tác không thanh toán công nợ…
Cũng theo bà Loan, trong thời gian xảy ra vụ việc, một số nhà đầu tư lẫn đối thủ có hỏi mua lại nhà máy của Vietfoods nhưng gia đình bà quyết giữ lại và đang tìm cách khôi phục. Trước lo lắng của người tiêu dùng về các sản phẩm chế biến có chứa phụ gia tổng hợp, Vietfoods đang nghiên cứu phát triển các sản phẩm dùng các phụ gia chiết xuất từ tự nhiên như rau củ quả, bảo quản bằng giấm ăn…
Sẽ kiện đòi bồi thường
Luật sư Nguyễn Văn Đức, đại diện pháp lý của Vietfoods, cho biết đang có đơn khiếu nại Chi cục QLTT Hà Nội. Theo đó, Vietfoods yêu cầu cơ quan trên hủy bỏ biên bản vi phạm hành chính; cải chính, xin lỗi công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng do cung cấp thông tin xúc xích Vietfoods chứa chất cấm, gây ung thư khiến Vietfoods bị thiệt hại nặng nề.
Trước đó, sau khi tạm giữ 2,2 tấn xúc xích Vietfoods, Đội QLTT số 14 - Chi cục QLTT Hà Nội đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Vietfoods với hành vi: sản xuất, bán ra thị trường thực phẩm không phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Sau khi tham vấn chuyên môn từ Cục An toàn thực phẩm - ATTP (Bộ Y tế), Đội QLTT số 14 đã trả hàng tạm giữ cho nhà phân phối Hùng Anh.
Luật sư Đức cũng cho biết thêm Vietfoods đang xem xét yêu cầu QLTT bồi thường thiệt hại về kinh tế. “Hiện tại, vẫn còn trong thời gian giải quyết khiếu nại. Nếu Chi cục QLTT TP Hà Nội giải quyết không thỏa đáng, sẽ tiến hành khởi kiện tại tòa” - luật sư Đức nói.
Trong vụ việc này, đáng lưu ý là 2,2 tấn xúc xích của Vietfoods bị tạm giữ trong quá trình lấy mẫu là sản phẩm hoàn toàn hợp pháp. Phụ gia sodium nitrate (E251) mà cơ quan thu giữ công bố là chất cấm gây ung thư được nhà sản xuất công bố rõ trên bao bì sản phẩm và được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bình Dương xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Theo một cán bộ quản lý nhóm thực phẩm chế biến từ thịt tại TP HCM, trong vụ việc này, cơ quan QLTT Hà Nội đã quá vội vã khi công bố thông tin, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà sản xuất.
Ngành xúc xích bị vạ lây
Theo ông Nguyễn Thành Danh, Chi cục phó Chi cục QLTT Bình Dương, ngay khi có thông tin xúc xích Vietfoods bị tạm giữ tại Hà Nội với nghi vấn chứa chất cấm gây ung thư, đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh Bình Dương đã vào cuộc.
Ông Danh đánh giá Vietfoods là một cơ sở có đầu tư bài bản, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm rất tốt. Ông kết luận: “Máy móc, thiết bị của châu Âu, chủ cơ sở là kỹ sư hóa thực phẩm. Nguyên liệu thịt heo nhập từ châu Âu, gà mua trong nước đều có kiểm soát, các thành phần khác cũng đều nhập từ các nước tiên tiến như Mỹ, Pháp, Nhật,… Hồ sơ pháp lý của công ty cũng đầy đủ, thể hiện sự đầu tư có căn cơ. Mẫu xét nghiệm E251 dưới ngưỡng cho phép theo tiêu chuẩn Codex, bảo đảm an toàn”.
Từ thực tế trên, đoàn kiểm tra liên ngành khẳng định Vietfoods tuân thủ đúng pháp luật. “Tôi quan niệm cơ quan nhà nước không phải chăm chăm đi tìm sai sót của doanh nghiệp (DN) để phạt mà phải bảo vệ họ thì kinh tế mới phát triển được. Trong vụ việc trên, thiệt hại của Vietfoods không chỉ là 2,2 tấn xúc xích bị tạm giữ bị hư hỏng mà còn có nguy cơ phá sản. DN cùng ngành làm ăn chân chính cũng bị vạ lây từ thông tin không đúng” - ông Danh nói.
Thông tin từ các DN sản xuất xúc xích trong nước cho thấy doanh số bị sụt giảm từ 30%-50% do người tiêu dùng tạm thời loại món ăn này ra khỏi thực đơn trước nghi vấn xúc xích có chứa phụ gia gây ung thư.
Thực phẩm chế biến không thể thiếu phụ gia |
Tác giả bài viết: Ngọc Ánh