Kinh tế

Xuất ngoại về làm trang trại cho thu nhập cao

Sau hơn10 năm đi xuất khẩu lao động tại Đức và Tiệp, anh Bùi Văn Hùng ở khối 3, thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu không chọn con đường buôn bán, kinh doanh như đa số những người đi XKLĐ về mà anh quyết định mua lại khu vực đất đồi tại Đập Khe Gang, xã miền núi Ngọc Sơn để mở trang trại chăn nuôi, trồng cây ăn quả. Nhờ sự chịu khó, cần cù, mỗi năm trang trại của anh cho thu nhập gần 500 triệu đồng.

Đàn vịt trời của anh Bùi Văn Hùng


Hơn 2.000 con vịt trời đang chạy tán loạn khi có người lạ đến bỗng dưng ngoan ngoãn và trật tự làm theo sự điều khiển điêu luyện của anh Bùi Văn Hùng. Đó là những hình ảnh ấn tượng khi chúng tôi đến tham quan mô hình trang trại của anh Hùng. Nhìn anh điều khiển đàn vịt trời, có lẽ ai cũng nghĩ rằng anh xuất thân là một người nông dân thực thụ với kinh nghiệm chăn nuôi dày dạn. Thế nhưng anh Hùng cho biết, anh mới mua lại khu vực đất đồi ở đập Khe Gang này được 6 năm và cũng bắt đầu tiếp cận với chăn nuôi và trồng cây ăn quả từ đó. Để biến vùng đất khai hoang trơ trọi thành trang trại như bây giờ, anh Hùng đã phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng - là số tiền anh tích cóp được sau nhiều năm xa xứ để xây dựng chuồng trại, khoanh đất, mua con giống và cây ăn quả về trồng. Với diện tích trang trại 3 ha, anh quyết định xây dựng trang trại tổng hợp với đủ các loại như lợn rừng, vịt trời, bò và các loại cây ăn quả như nhãn, na, chuối…Anh Bùi Văn Hùng cho biết: “Dân lao động phải đam mê, phải yêu thích nghề mới lên đây làm được. Không yêu thích không làm được cây ni. Chăn nuôi cũng đam mê, trồng trọt cũng đam mê mới làm được trang trại. Nuôi theo hình thứch lấy ngắn nuôi dài. Con này bán nuôi con kia”.

Chăn nuôi lợn rừng mỗi năm đem lại cho trang trại của anh Hùng hàng trăm triệu đồng


Những ngày đầu lên làm trang trại, anh Bùi Văn Hùng phải đối diện với nhiều khó khăn, đặc biệt là kinh nghiệm làm trang trại chưa có và sự thay đổi môi trường sống từ khu vực đông dân cư đến nơi mà chỉ một mình anh một vùng đất sâu trong rừng đồi núi. Tuy nhiên, vượt lên tất cả, anh vẫn quyết định trụ vững và phát triển mô hình kinh tế trang trại theo niềm đam mê, yêu thích của anh. Trang trại của anh hiện đang chăn nuôi 100 con lợn rừng, trong đó có 10 con cho sinh sản. Mỗi con lợn rừng khoảng 25kg xuất bán sẽ cho anh thu nhập khoảng 350 triệu đồng/năm. Đối với các loại cây ăn quả thì chủ lực của trang trại vẫn là cây nhãn với khoảng 200 gốc. Hiện nay, nhãn đang vào mùa thu hoạch. Theo anh Hùng cho biết, vụ nào được cũng đạt 150 triệu đồng/năm, còn thấp nhất cũng khoảng 100 triệu đồng/năm.

Cây Nhãn phát triển tốt, cho năng suất cao tại trang trại của anh Hùng


Trong 2 năm gần đây, qua nghiên cứu thị trường, nhận thấy nhu cầu về vịt trời thương phẩm khá cao nên anh quyết định chăn nuôi thêm 2.000 con vịt trời thả nuôi ở khu vực đập Khe Gang. Nhờ nguồn nước của đập và cách chăm sóc, thả nuôi tự nhiên nên đàn vịt trời phát triển rất tốt, được khách hàng ưu thích. Khi trọng lượng vịt đạt khoảng 1,5kg/con, anh xuất bán với giá trung bình 100.000/con. Từ chăn nuôi vịt trời, mỗi năm anh có thêm thu nhập gần 200 triệu đồng. Ngoài ra, các loại cây, con khác trong trang trại mỗi năm cũng đem lại cho anh hàng chục triệu đồng. Ông Hồ Văn Lập – Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu nói: “Anh Hùng đã đầu tư vốn để xây dựng trang trại. Đây là một trong những mô hình tiềm năng nhất của xã Ngọc Sơn. Đến nay, mô hình này phát triển ở trên 3 lĩnh vực. Thứ nhất là vườn vải, nhãn đã cho thu hoạch năm thứ 5, 6 rồi và hiệu quả rất cao. Thứ 2 là vịt trời phát triển gần 2.000 con, lợn rừng gần 100 con. Hàng năm xuất ra thị trường tương đối tốt. Mô hình của anh Hùng đã tạo công ăn việc làm cho người lao động của địa phương từ 4 – 5 người. Có thời điểm lên 6 – 7 người”

Đàn vịt trời được chăn thả tại đập Khe Gang


Có niềm đam mê cộng với sự cần cù, chịu khó thì con đường phát triển kinh tế chân chính nào cũng đem lại hiệu quả và anh Bùi Văn Hùng đã chứng minh được điều đó. Mô hình kinh tế của anh Hùng không chỉ đem lại thu nhập cao cho anh mà qua đó còn giúp bà con khu vực đập Khe Gang nói riêng và bà con vùng miền núi huyện Quỳnh Lưu thêm mạnh dạn để đầu tư phát triển kinh tế, đặc biệt là ở những vùng đất khó./.

Tác giả bài viết: Thanh Nhàn (Đài Quỳnh Lưu)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok