Ngày 25/7, UBND TPHCM làm việc với đoàn giám sát của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội về công tác phòng, chống HIV/AIDS và mại dâm.
Tại đây, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM Huỳnh Thanh Khiết cho biết cơ quan chức năng chỉ nắm hồ sơ của 180 người bán dâm. Họ là người có hộ khẩu thành phố, do phường xã nắm. Đặc biệt, có đến hơn 12% là người bán dâm từ 48-64 tuổi; mại dâm nam, mại dâm đồng tính, chuyển giới chiếm hơn 20%.
Dàn chân dài rót rượu mua vui cho khách tại nhà hàng quận 5 (ảnh: Đình Thảo) |
Theo ông Khiết, trên thực thế thì tình trạng mại dâm trong các khu dân cư vẫn tồn tại dưới hình thức như chủ chứa thuê nhà, căn hộ bình dân để chứa mại dâm, còn những kẻ chăn dắt, môi giới thường chở gái mại dâm đeo bám người đi đường, lôi kéo, mời chào…
Ông Khiết lý giải rằng theo quy định thì phải bắt được quả tang mới có thể quy hành nghề mại dâm.
Theo ông, công an khu vực, cán bộ địa phương phải thật sâu sát mới nắm được số người hành nghề này. “Thật sự, để nói chính xác có bao nhiêu người bán dâm trên địa bàn là rất khó”, ông Khiết nói.
Theo báo cáo của UBND TPHCM, trên địa bàn đã xuất hiện một số đường dây “gái gọi hạng sang”, với những người xưng là diễn viên, người mẫu để đi khách giá hàng nghìn đô la Mỹ. Bên cạnh đó, tình hình mại dâm nam, có yếu tố nước ngoài và xuất cảnh ra nước ngoài bán dâm cũng ngày càng tăng. Đáng chú ý là một số cơ sở spa có biểu hiện hoạt động mại dâm đồng tính.
Hiện nay, hoạt động mại dâm còn núp bóng kinh doanh cà phê, tiệm hớt tóc, massage xông hơi, nhà hàng… Tại những cơ sở này, các nhân viên không được trả lương mà chỉ được hưởng phần trăm từ doanh thu hoặc tiền “bo” của khách. Do đó, nhân viên thường lôi kéo khách bằng múa khỏa thân, khiêu dâm, kích dục và sau đó là thỏa thuận mua bán dâm.
Từ thực trạng nêu trên, TPHCM kiến nghị Quốc hội sớm nghiên cứu ban hành luật về phòng chống mại dâm để nâng cao tính pháp lý và hiệu lực thực thi pháp luật.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong ghi nhận các kiến nghị của TPHCM để làm cơ sở xem xét, hoàn thiện pháp luật về ma túy, mại dâm trong thời gian tới.
Theo thống kê của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, TPHCM có hơn 29.000 cơ sở kinh doanh dễ phát sinh tệ nạn xã hội và có khoảng 3.000 người hoạt động mại dâm.
Tác giả: Quốc Anh
Nguồn tin: Báo Dân trí