Thể thao

Xuân Trường ơi, mơ gì chắp cánh cho cả nền bóng đá Việt Nam?

Hành trình mở đường của Xuân Trường sang Hàn Quốc liệu có nhiều tác động cho bóng đá Việt Nam như tân binh của Gangwon vừa bộc bạch?

Thân ai nấy lo

Trong chiến trận, thắng lợi của quân tiên phong có ý nghĩa sống còn đối với số phận của một đạo quân. Còn trong bóng đá, tầm quan trọng của kẻ dẫn đường sẽ còn phải bàn luận cho đến khi... không còn ai muốn làm cầu thủ.

Bóng đá là môn thể thao tập thể, nhưng thật thú vị khi sự nâng đỡ lại hết sức ít ỏi. Ở những lĩnh vực "khó nói" của cuộc sống, người nhà có thể đánh bại người có trình độ thông qua những cú chuyền bóng bí mật ngoài đường biên.

Tuy nhiên, trên sân chơi thể thao nói chung và bóng đá nói riêng, một kẻ bất tài sẽ không thể tồn tại dù có được sát cánh bên cạnh Lionel Messi hoặc có ông bố thật oách chăng nữa.

Nhân nhắc đến chuyện "con ông cháu cha" đá bóng, lại nhớ trường hợp của người con trai thứ ba trong gia đình cố độc tài Lybia - Gaddafi.

Để giúp cậu ấm Al-Saadi thỏa mãn giấc mơ trở thành ngôi sao hạng A, ông bố quyền lực Muammar đã bỏ tiền mua 7,5% cổ phần CLB Juventus và thực hiện một vài động thái bày tỏ "thành ý" khác đối với làng cầu Italia.

Kết quả là Al-Saadi được Peruggia, Udinese và Sampdoria lần lượt thu nạp. Chỉ có điều, trong suốt quãng thời gian "làm mưa làm gió" (trong các tụ điểm ăn chơi) ở Italia, Al-Saadi - thủ quân "không thể thay thế" của đội tuyển Lybia - chỉ được ra sân... 2 lần với tổng thời gian là 23 phút.



Al-Saadi có xuất thân "khủng" nhưng chẳng giúp gì nhiều trên sân bóng.


Mùa 2003/04, Al-Saadi về nhì trong cuộc đua tới giải thưởng "Thùng rác vàng" của Serie A. Lẽ ra Al-Saadi phải đoạt giải nhất, nhưng vì hầu như chẳng có ai nhớ ra tên cầu thủ này để mà bầu.

Muốn vươn tới những đỉnh cao như Serie A hay K-League, vấn đề quốc tịch hay xuất thân không có ý nghĩa gì cả. Thứ duy nhất có trọng lượng chính là tài năng.

George Weah là một dẫn chứng điển hình. Ngôi sao người Liberia đã được hàng loạt các CLB lớn như Milan, PSG và Chelsea nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Năm 1995, Weah được trao danh hiệu Quả bóng vàng FIFA.

Weah oai phong là thế, nhưng đến tận bây giờ vẫn chưa thấy có thêm cầu thủ người Liberia nào nối gót tiền nhân. Tương tự, Lee Nguyễn đã tạo nên rất nhiều chiến công tại Mỹ, nhưng chẳng có CLB nào thuộc giải MLS tính đến chuyện chiêu mộ cầu thủ Việt Nam.

Việt Nam ra sao thì hậu xét, riêng Liberia không phải là một môi trường lý tưởng để nuôi dưỡng các tài năng.

Từ cơ sở vật chất đến cách thức vận hành cả một dây chuyền bóng đá, quốc gia chung biên giới với Bờ Biển Ngà này đều tồn đọng những trở ngại khủng khiếp mà ngay cả Weah cũng không thể vượt qua nếu không nhờ một phép màu nào đó.

George Weah đến từ Liberia và ông từng giành QBV FIFA.


Bệ phóng chứ không phải tên lửa

Xuân Trường, chàng trai đến từ một miền đất không có truyền thống bóng đá Tuyên Quang, có lẽ cũng được "phù phép" để có ngày được đến Hàn Quốc thi đấu. Liệu cú nhảy vọt bất ngờ của tiền vệ được đào tạo theo phương pháp Arsenal tại lò HAGL sẽ nâng các cầu thủ Việt Nam lên một "level" mới, hay tất cả chỉ là chuyện "Nghìn lẻ một đêm"?

Tâm sự mới đây với báo giới, Trường bảo: "Nếu tôi thất bại ở Hàn Quốc, cánh cửa của các đồng đội sẽ hẹp lại". Một câu nói toát lên tinh thần trách nhiệm và sự khao khát được thấy bóng đá Việt Nam cất cánh trong bối cảnh World Cup sắp có 48 đội.

Nhưng ngẫm cho cùng, sự thành hay bại tại Hàn Quốc của Xuân Trường cũng chỉ ảnh hưởng đến cá nhân cầu thủ 21 tuổi là chính, chứ không đến mức tạo thành tiền lệ cho những người đi sau.

Xuân Trường là ngoại lệ hiếm hoi của Việt Nam tại K-League Classic.


NHM Việt Nam hẳn vẫn chưa quên Fandi Ahmad. Huyền thoại người Singapore, đối thủ của thế hệ Hồng Sơn và Huỳnh Đức, từng tỏa sáng rực rỡ tại giải VĐQG Hà Lan.

Mùa 1983/84, Fandi Ahmad ghi 10 bàn trong 29 trận để đưa Groningen đến vị trí thứ 5 trên BXH Eredivisie và được bầu là cầu thủ hay nhất của CLB. Sau Fandi Ahmad, chẳng còn cầu thủ Singapore nào được tôn vinh tại một giải đấu tầm cỡ nữa.

Ngược lại, Thái Lan vừa có một vụ xuất khẩu thất bại tới La Liga khi chân sút Teerasil Dangda chỉ được chơi 6 trận chủ yếu với vai trò vào sân thay người trong ít phút cuối tại Almeria ở mùa 2014/15.

Song đừng vì thế mà cho rằng Thái Lan chỉ có thể làm "trùm" tại Đông Nam Á chứ không thể ghi dấu ấn tại La Liga, Bundesliga hay Premier League như các cầu thủ người Nhật Bản, Hàn Quốc.

Vì so với các làng cầu còn lại trong khu vực, Thái Lan không những làm bóng đá một cách chăm chút và chuyên nghiệp hơn, mà họ còn không gặp nhiều rắc rối với mấy căn bệnh trầm trọng như bán độ, bạo lực và chia rẽ.

Một hạt giống kém chất lượng cũng có thể nảy mầm và phát triển tối đa trong một thửa ruộng màu mỡ. Nếu Xuân Trường trưởng thành từ Thai-League hoặc lý tưởng hơn là K-League, không biết chừng cầu thủ có đường chuyền kiểu Andrea Pirlo này bây giờ đang đá chính tại... Juventus.

Tác giả bài viết: Quốc Bảo

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok