Giải trí

Xuân Bắc đánh vợ như thời trung cổ trên sân khấu

Trên sân khấu Xuân Bắc vào vai một người chồng nghiện rượu, bị vợ cắm sừng khiến 'cơn điên' nổi lên và anh đã hành hạ vợ như thời trung cổ.

Vở Ảo ảnh hạnh phúc do nhà viết kịch Lê Chí Trung chấp bút dựa trên hai truyện ngắn Những con sóng mặt trời và Hai người đàn ông của cố nhà thơ Trịnh Thanh Sơn. Nghệ sĩ Trịnh Mai Nguyên - con trai cả của cố nhà thơ đã dàn dựng và đây là vở diễn đầu tay do anh làm đạo diễn.

Nội dung vở diễn xoay quanh bi kịch của những chuyện tình dang dở, của những nhân vật không dám vượt qua các rào cản định kiến truyền thống để sống đúng với tình yêu của mình. Cũng bởi không quyết đi trọn đến cuối con đường với người mình yêu mà cuộc sống rơi vào vòng luẩn quẩn. Anh kỹ sư Mẫn lấy vợ ở quê mà không yêu, vì sự sắp đặt của cha mẹ cho làm tròn bổn phận của một người con trai duy nhất trong dòng họ. Mẫn (Dũng Nam) yêu tha thiết Hường (Khuất Quỳnh Hoa) - cô công nhân có giọng hát hay, cùng sinh hoạt trong đội văn nghệ của nhà máy. Bỏ lỡ một tình yêu trong sáng, không dám sống thật với chính mình, Mẫn không những làm lỡ dở cuộc đời mình và Hường mà còn gây khổ cho cả Vân (Hoàng Lan) - vợ anh, một cô giáo dạy học ở quê nhà đã sống trọn tình, trọn nghĩa với gia đình nhà chồng.

Để quên đi tình yêu đẹp với Mẫn, Hường đã lấy Đạt (Xuân Bắc), một công nhân lái máy cẩu của nhà máy, nhưng gã chồng của cô lại rượu chè bê tha và suốt ngày hành hạ, đánh đập vợ như thời trung cổ vì ghen tuông với Mẫn. Rồi Đạt vào tù vì trong một lần rượu say, tài sản trong kho của nhà máy do Mẫn trông coi đã không cánh mà bay. Hường không ly hôn, cũng không đến với Mẫn,...Bi kịch tiếp tục bởi không ai quyết đoán trước các ngã rẽ của cuộc đời và cả trong những câu chuyện tình yêu.

Lâu lắm rồi, các đạo diễn sân khấu miền Bắc mới dám để diễn viên 'cởi'.

Vở diễn rất gọn gàng, các nhân vật không bị thoại kiểu kể lể sân khấu. Mô tả đến tột cùng các bi kịch nhưng vở diễn Ảo ảnh hạnh phúc vẫn toát lên ý nghĩa nhân văn. Có những phân đoạn, đạo diễn Trịnh Mai Nguyễn đã 'khá liều' khi cho nhân vật Hường cởi áo ngay trên sân khấu. Tất nhiên, với hiệu ứng ánh sáng việc cởi đồ của Hường không bị phản cảm nhưng với sân khấu phía Bắc, thì đây quả là một sự táo bạo của đạo diễn, ít nhất trong vòng 10 năm trở lại đây mới có đạo diễn dám cho nhân vật 'cởi'.

Hạnh phúc sẽ chỉ là ảo ảnh với những người luôn chần chừ, không dám bước qua những định kiến, sống đúng với tình cảm của mình trên hành trình đi tìm tình yêu đích thực của cuộc đời. Đó cũng là thông điệp của vở diễn vừa được Nhà hát kịch Việt Nam dàn dựng để tưởng nhớ 10 năm ngày mất của nhà thơ Trịnh Thanh Sơn.

Tác giả: T.Lê

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok