Ngày còn đi học, tôi vẫn thường nghe người lớn dạy rằng “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Đương nhiên, lúc đó, với sự hiểu biết hạn hẹp của mình, tôi tuyệt đối không gợn một chút hoài nghi với sự giải thích của người lớn rằng câu nói đó có ý nghĩa nhắc nhở người ta phải coi trọng, ghi nhớ công ơn người thầy đã dạy dỗ mình.
Cho đến giờ, khi đã trưởng thành, khi đã đọc biết bao câu chuyện thời sự liên quan đến không ít sư thầy có lối sống tha hóa, mượn chiếc áo cà sa để làm bình phong cho những việc trái đạo đức, trái pháp luật thì tôi đã hiểu câu nói trên theo một nghĩa khác.
Đơn cử như vụ “bán chuông chùa” của sư thầy Thích Thanh Thuần (trụ trì chùa Phủ Long, thôn Tiên Động, xã Tiền Phong, tỉnh Hải Dương).
Nói qua về sự việc, vào ngày 13/6 vừa qua, chùa Phủ Long (hay còn gọi là chùa Trại) bị mất một chiếc chuông cổ. Thủ phạm không ai khác chính là sư trụ trì của ngôi chùa này.
Sư thầy Thích Thanh Thuần bị bắt giữ tại cơ quan công an huyện Phù Cừ. (Ảnh: GĐXH) |
Theo khai nhận của sư thầy Thích Thanh Thuần tại cơ quan công an, dù đã trụ trì chùa Phủ Long được hơn 10 năm nhưng vì ham chơi, ông thường xuyên tụ tập và sử dụng trái phép chất ma túy với các con nghiện ở địa phương. Ngày 13/6, do không có tiền thỏa mãn cơn nghiện, sư thầy đã lấy trộm chuông đồng của chùa bán cho một người hành nghề bói toán với giá 9 triệu đồng.
Chuyện sư thầy nghiện ngập có lẽ không phải chuyện quá mới ở Hải Dương bởi không lâu trước đó, vào tháng 7/2015, thông tin về đại đức Thích Thanh Huy tại chùa Quang Minh (thôn Mạc Xá, xã Minh Tân, huyện Nam Sách) tự tử, để lại "cõi tạm" một khoản nợ khá lớn vì nghiện ngập đã khiến người dân vô cùng bức xúc và ngán ngẩm với lối sống không lành mạnh của vị đại đức này.
Sau những sự việc trên, tôi chợt nhận ra rằng “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” không đơn thuần là câu nói mang ý nghĩa nhắc nhở những thế hệ học trò luôn phải "uống nước nhớ nguồn", phải biết ơn, coi trọng các thầy cô giáo. Câu nói đó còn là dự cảm của những tác giả dân gian về những vụ việc liên quan đến một bộ phận sư thầy tha hóa, biến chất gây bức xúc trong dư luận thời gian gần đây nếu chúng ta hiểu 3 chữ “bán”, “tự”, "sư" theo nghĩa: “Bán = mua bán”, “tự = chùa” và "sư = sư sãi".
Hóa ra, không chỉ riêng Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có khả năng tiên tri đại tài mà những tác giả dân gian, không tên gọi, không hình dung cũng có thể nhìn ra những vấn đề gây bức xúc ở thời hiện đại.
Thế mới thấy ông bà ta ngày xưa thật thâm thúy, một câu nói được đưa ra, hậu thế nhìn nhận, cắt nghĩa theo hướng nào cũng đều hợp lý, hợp tình cả! "Bán tự vi sư" - "nửa chữ cũng là thầy" mà "bán chùa cũng là sư".
Tác giả: Bảo Trang
Nguồn tin: Báo Người đưa tin