Pháp luật

Xử phạt lái xe không mang giấy tờ gốc: Sẽ ảnh hưởng tiêu cực kinh tế

Bộ Tư pháp cho rằng, việc xử phạt người tham gia giao thông không đem theo giấy tờ đăng ký bản chính sẽ mang những tác động tiêu cực đến hoạt động tài chính kinh tế.

Thời gian qua, nhiều chủ phương tiện bị xử phạt vì không mang đăng ký xe bản chính. (Ảnh minh họa)

Sáng nay (20/7), trong cuộc họp báo thường kỳ quý II của bộ Tư Pháp, vấn đề được báo chí quan tâm là việc lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) xử phạt chủ phương tiện tham gia giao thông không có giấy đăng ký bản chính.

Ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (bộ Tư pháp) thông tin: “Hiện nay có khoảng 1,3 triệu phương tiện giao thông đang thực hiện thế chấp tại ngân hàng. Bởi vậy, các chủ phương tiện này khi tham gia giao thông chỉ có thể mang theo bản sao đăng ký có công chứng nhưng vẫn bị CSGT xử phạt đang là vấn đề được người dân quan tâm và có những ý kiến trái chiều".

Cục trưởng Đặng Thanh Sơn cho biết: “Bộ Tư pháp đã nắm được thông tin. Đơn vị chúng tôi được lãnh đạo bộ giao chủ trì, nghiên cứu. Chúng tôi cũng nhận được nhiều văn bản đề nghị xem xét vấn đề này của các tổ chức tín dụng.

Thực tiễn phát sinh cho thấy, vấn đề này liên quan đến nhiều các quy định pháp luật. Thực tế, hệ thống pháp luật của chúng ta còn nhiều điểm chưa đồng bộ.

Ví dụ như trong Nghị định 46 quy định về xử lý hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, ô tô, xe máy bị phạt tiền khi tham gia giao thông mà không mang theo đăng ký xe.

Còn theo quy định của bộ luật Dân sự, bên thế chấp có nghĩa vụ giao giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp theo thỏa thuận, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Bên cạnh đó, luật Giao thông đường bộ cũng quy định người điều khiển phương tiện giao thông phải mang theo giấy đăng ký xe. Như vậy có thể hiểu, không nhất thiết phải mang theo bản chính.

Trong khi đó pháp luật về chứng thực thì bản sao có giá trị sử dụng thay cho bản chính, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Tuy nhiên, Cục trưởng Đặng Thanh Sơn cho rằng: “Lực lượng CSGT xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 46 là có cơ sở pháp lý. Việc thực hiện đó trên cơ sở thực hiện pháp luật về giao thông đường bộ. Như vậy, có thể thấy hệ thống pháp luật của chúng ta chưa đồng bộ.

Trong khi đó, các tổ chức tín dụng giữ đăng ký bản chính của phương tiện giao thông là thực tế bảo đảm an toàn để tránh rủi ro, nợ xấu. Còn người dân muốn vay thì phải thế chấp mới thực hiện được giao dịch. Phía ngân hàng tìm cách không đưa vào hợp đồng nhận thế chấp, mà người thế chấp làm đơn nhờ ngân hàng giữ hộ. Rõ ràng quy định pháp luật chưa phù hợp với thực tiễn dẫn đến vấn đề như vừa qua”.

Bộ Tư pháp cho rằng việc xử phạt chủ xe không mang đăng ký bản bản chính là vấn đề nóng. (Ảnh minh họa)

Cục trưởng Đặng Thái Sơn nhận định: “Việc người dân bị xử phạt khi tham gia giao thông không mang theo bản chính sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động tài chính kinh tế. Người dân có thể sẽ không thực hiện vay vốn nữa.

Chúng tôi đã kiến nghị đề xuất, có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ giải quyết vấn đề này càng sớm càng tốt. Đây là một vấn đề nóng, Cục đã gửi công văn hỏa tốc, khi Thủ tướng có quyết định thì sẽ tiếp tục thông tin đến báo chí sau".

Tác giả: Vũ Phương

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok