Đầu giờ chiều, giữa cái nắng như thiêu như đốt của mùa khô Đắk Nông, một người phụ nữ khuôn mặt hốc hác, bụng chửa vượt mặt vẫn nặng nhọc đẩy từng xe vữa để hoàn thành nốt căn nhà dang dở. Mặc dù đang mang thai ở tháng thứ 7, nhưng hàng ngày chị Nguyễn Thị Hòa (thôn Nghĩa Thuận, xã Đắk Nia, TX. Gia Nghĩa) vẫn phải cùng chồng đi phụ hồ kiếm tiền chăm sóc con cái, trong đó đứa con đầu không may mắc bệnh u mạch hang dẫn đến động kinh.
Chị xin mọi người nghỉ ngơi một lát để dẫn chúng tôi về căn nhà mà gia đình chị đang ở. Cố lết từng bước mệt mỏi, thở hắt ra từng tiếng, giọng người mẹ trẻ nghẹn đi khi nhắc đến hoàn cảnh của gia đình mình.
Chị kể, chồng chị là người Thái, quê tận Thanh Hóa, mồ côi cả bố mẹ từ khi 1 tháng tuổi. Gia đình nội ngoại đều khó khăn nên anh chị dắt nhau vào Đắk Nông lập nghiệp. Vào đây sinh sống được hơn chục năm nhưng chỉ có mảnh đất rộng chừng 50m2 là tài sản giá trị nhất nhất. Bên trong căn nhà trống huếch, chỉ có một bộ bàn ghế cũ xin lại của một gia đình trong xóm.
Cuộc sống cứ lặng lẽ trôi qua, chị Hòa hàng ngày vẫn dãi nắng, dầm mưa trộn hồ, theo chân chồng đẩy những xe rùa nặng nhọc để kiếm tiền công qua ngày. Nhưng quanh năm làm thuê cho người khác, lại không có đất sản xuất nên gia đình vẫn chưa thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã.
2 năm trước, tai ương bỗng ập xuống khi Hà Thị Hoài (SN 2005, con gái đầu của chị) mắc bệnh hiểm nghèo. Cũng từ đó, cuộc sống của gia đình chị càng trở nên khốn khó hơn.
Giọng chị Hòa run run khi nhớ lại thời điểm đứa con gái bé bỏng của mình phát bệnh: “Ngày đó, cháu mới 10 tuổi, nhưng cứ mỗi khi chiều về lại đau đầu dữ dội. Ban đầu tưởng cháu ham vui nên đùa với bố mẹ, thế nhưng đến ngày thứ 3 liên tiếp, cháu như phát dại vì những cơn đau kéo đến bất ngờ và dồn dập. Do không có tiền đưa cháu đi khám bệnh nên gia đình chỉ ra tiệm thuốc tây mua thuốc đau đầu về cho cháu uống. Tuy nhiên, chỉ được mấy hôm cơn đau dữ dội hơn lại xuất hiện”.
Hơn một tháng sau, thấy con hàng ngày đau đớn mà không biết bị bệnh gì, hai vợ chồng chị Hòa vay mượn người quen gia đình đưa cháu xuống Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh khám bệnh. Tuy nhiên, khi đến đây các bác sỹ chẩn đoán do không được chữa trị kịp thời nên não cháu đã bị tổn thương nặng bởi bệnh u mạch hang dẫn đến động kinh. Từ đó trở đi, hàng ngày cháu thường hay lên cơn co giật, không làm chủ được bản thân mà phải nhờ sự giúp đỡ của bố mẹ.
Thương con gái còn nhỏ nhưng sớm mắc phải bệnh hiểm nghèo, anh chị cố gắng vay mượn, chạy chữa khắp nơi. Thế nhưng, uống thuốc đã 2 năm nay, bệnh tình của Hoài vẫn không thuyên giảm. Những cơn động kinh xuất hiện bất ngờ, khiến thân hình bé nhỏ của em phải gồng lên chịu đựng. Cứ một lần “chiến đấu” với căn bệnh, là một lần bố mẹ em đau như cắt từng khúc ruột.
Anh Hà Văn Yến, bố của Hà tâm sự, ngày trước khi con gái bị bệnh, vợ chồng anh đi phụ hồ cũng phải mang cháu đi theo để tiện trông coi. Thế nhưng hơn 1 năm nay, anh chị để Hoài ở nhà để hai em thay nhau trông hoặc đưa lên chùa gửi gắm. Có hôm, sợ con lên cơn co giật, vợ chồng anh Yến phải cắn răng cho cháu uống thuốc ngủ, hai chân, hai tay trói vào bốn góc giường vì sợ hai đứa em của Hoài không giữ được khi chị lên cơn.
“Có hôm đang làm, nghe hàng xóm gọi điện bảo cháu lên cơn động kinh, đang co giật vật vã ngoài đường, hai vợ chồng mượn tạm chiếc xe máy mà phóng điên dại về nhà. Hôm đó, về đến nơi thì khắp người cháu đã tứa máu do nằm quằn quại giữa nền đá sỏi. Nhiều lần, sợ con lên cơn mà cắn phải lưỡi, lại không kịp tìm giẻ nên hai vợ chồng phải dùng tay của mình để cho con cắn”, anh Yến nhớ lại rồi chỉ cho chúng tôi xem những vết sẹo trên tay do con gái cắn nhiều lần bật máu.
Tuy nhiên, chính cuộc sống vất vả của vợ con khiến người đàn ông này đau đớn, day dứt nhất. Từ ngày con gái phát bệnh, anh Yến phải cho con nghỉ học, ước mơ đến trường của cô bé 10 tuổi dang dở từ ngày ấy. Hai đứa em của Hoài, hàng ngày phải thay bố mẹ chăm sóc chị, lâu ngày chẳng có miếng ăn ngon. Đứa con chưa sinh ra nhưng cũng vất vả chịu đựng khi mẹ phải làm những công việc nặng nhọc.
Theo anh Yến, bệnh tình của em có thể lên cơn bất cứ lúc nào không hay nên việc làm chủ được bản thân là rất khó. Tiền thuốc men hàng tháng gần 2 triệu đồng, gần bằng số tiền phụ hồ mà chị Hòa kiếm được. Nhiều lần, xoay xở khắp nơi cũng không vay đủ số tiền đưa cháu đi bệnh viện tái khám, anh chị đành phải để con ở nhà chịu những cơn đau hành hạ.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Mã số 2820: Chị Nguyễn Thị Hòa (trú thôn Nghĩa Thuận, xã Đắk Nia, TX. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) SĐT chị Hòa: 0961.064.982 |
Tác giả: Dương Phong
Nguồn tin: Báo Dân trí