Giải trí

Xót xa gia cảnh thần đồng cải lương khiến Hoài Linh bật khóc

Quán quân Thử tài siêu nhí mùa 1, Quách Phú Thành bị mẹ bỏ rơi từ 14 tháng tuổi, cha sớm cưới vợ hai. Từ bé, em sống cùng ông bà nội và nương tựa vào gánh chuối của bà.

Cậu bé miền Tây mê cải lương đăng quang 'Thử tài siêu nhí'
Đam mê cải lương của cậu bé miền Tây sống xa mẹ từ nhỏ

Bà nội Quách Phú Thành nói về hoàn cảnh gia đình: Tâm sự về cháu trai của mình, bà không giấu được sự tự hào xen lẫn nghẹn ngào, xúc động.

Đăng quang Thử tài siêu nhí mùa đầu tiên một cách thuyết phục, cậu bé 11 tuổi đến từ Cần Thơ - Quách Phú Thành - chinh phục khán giả bởi tài năng hát cải lương.

Phú Thành lấy nước mắt từ danh hài Hoài Linh, nghệ sĩ Thanh Hằng cho đến hàng triệu người xem truyền hình từ những trích đoạn như Nghi Xuân Tấn Lực, Nội tôi, Cha con người hát rong, Duyên nghiệp cầm ca…

Ít ai biết rằng phía sau những lần tỏa sáng trên sân khấu của em đó còn là câu chuyện tuổi thơ thiếu thốn tình cảm mẹ cha, được cưu mang bởi ông bà nội và sau này là “ông Năm” NSƯT Hữu Quốc, người dẫn dắt em từng bước trong cuộc thi.

Tâm sự về cháu trai, bà nội em không giấu được sự nghẹn ngào, xúc động. Cảm xúc ập đến không chỉ bởi niềm vui, tự hào về chiến thắng của cháu mà xen lẫn đó là nỗi lo lắng cho tương lai, nhất là khi mình tuổi già sức yếu, không biết liệu sẽ ra đi ngày nào.

Căn nhà xập xệ của Quách Phú Thành sống cùng ông bà nội suốt 11 năm qua. Ảnh: Xuân Vinh

Mẹ bỏ rơi từ khi 14 tháng tuổi

Quách Phú Thành hiện sống cùng ông bà nội trong căn nhà cấp 4 ở thành phố Cần Thơ. Khi Thành tròn một tuổi, mẹ em quyết định tạm biệt con trai để đi xa. Vài năm đầu, chị về thăm con được 2 lần, sau đó không thấy nữa. Vài năm sau, ba Thành lập gia đình mới ở nơi khác.

Ở tuổi chưa nhận thức rõ về cuộc sống, Quách Phú Thành vẫn vô tư, hồn nhiên. Nhưng với bà của em đó là những chuỗi ngày lo lắng và nhiều nỗi buồn tủi. Thương và sợ cháu buồn, ông bà nội chọn cách “nói dối” rằng mẹ em đi Mỹ, sau này sắp xếp được công việc sẽ về thăm.

Dù vậy, nhiều lúc đi học về, cậu bé vẫn bật khóc nức nở vì không được ba mẹ đi họp phụ huynh như các bạn. Em khóc vì tủi thân, nhưng sau đó cũng hiểu hoàn cảnh gia đình mình.

Gần 11 năm qua, Quách Phú Thành vẫn mặc định mẹ đi Mỹ. Mãi cho đến khi đăng ký tham gia Thử tài siêu nhí buộc phải khai thật hoàn cảnh, cậu bé mới biết việc mình bị mẹ bỏ rơi từ khi còn chưa biết đi, biết nói.

Góc học tập ngăn nắp với rất nhiều bằng khen của thần đồng cải lương. Ảnh: Xuân Vinh

Bà nội Thành rưng rưng kể rằng khi biết sự thật, em khóc rất to, rất nức nở. Tưởng chừng đó là những giọt nước mắt vì buồn tủi cho thân phận của mình, nhưng sau đó em giải thích mình khóc vì thương ông bà đã vất vả cưu mang cháu dù tuổi già sức yếu.

Hơn 10 năm qua, Thành lớn lên từ sạp bán chuối của bà nội đặt tạm ngoài chợ, còn ông nội cũng làm việc tay chân với số tiền công ít ỏi. Dù gia đình không dư giả, nhưng Quách Phú Thành chưa từng thua thiệt hay thiếu thốn gì so với bạn bè, hay như cách bà em nói là “đầy đủ theo cách của người nghèo”.

Mỗi khi đóng học phí hay những khoản tiền nhà trường yêu cầu, gia đình em được ưu tiên đóng theo nhiều đợt (giống trả góp), nhờ vậy nên bớt áp lực phần nào.

Hỏi Thành có tủi thân, mặc cảm vì điều này, em lễ phép trả lời: “Con không buồn vì nội cố gắng lo cho con rất nhiều. Con cũng không muốn đòi hỏi gì thêm”.

Sau khi ly dị, mẹ Thành bỏ đi còn ba em có gia đình mới. Kể từ đó em sống dưới sự chăm sóc, dạy dỗ của ông bà nội. Ảnh: Xuân Vinh

Bất ngờ ẵm 200 triệu đồng

Vì hoàn cảnh gia đình nên Quách Phú Thành không được học mẫu giáo như những đứa trẻ khác. 5 năm đầu đời, em thường xuyên ở nhà cùng ông trong khi bà nội đi lấy hàng từ đêm hôm trước đến rạng sáng hôm sau mới về.

Có lần vừa về đến nhà, bà nghe tiếng khóc nức nở của cháu trai vì cô đơn kèm theo nỗi sợ hãi tiếng sấm của cơn mưa đêm. Tuy nhiên sau khi nghe giải thích, Thành dù còn bé nhưng đã hiểu chuyện và hứa sẽ không khóc nữa.

Giữ lời hứa, trong những lần sau, mỗi lần bà đi lấy hàng xa trở về lại thấy cháu trai say mê xem TV. Dĩ nhiên, điều có thể giúp Quách Phú Thành quên đi nỗi buồn chính là những vở tuồng cải lương nổi tiếng. Thời điểm đó dù chưa biết mặt chữ, nhưng chỉ cần nghe vài lần em đã có thể thuộc và hát theo mà không cần ai chỉ dạy.

Cũng từ đây mà niềm đam mê môn nghệ thuật truyền thống trong em bắt đầu được ươm mầm. Không chỉ học hát, Phú Thành còn tự sáng tạo ra trang phục diễn từ giấy báo, lá dừa… rồi tự hóa thân thành những vai diễn mình yêu thích.

Bà nội Thành kể cháu trai không thích đi chơi hay quậy phá mà thích ở nhà để làm bạn với chiếc đầu đĩa cũ. Ảnh: Xuân Vinh

Hành trình mới

Lên cấp 1, Thành phát huy đam mê nghệ thuật khi tham gia nhiều tiết mục văn nghệ trong trường như khai giảng, lễ chào cờ... Tình cờ nghe được giọng hát của em, bà Trương Thị Lệ Hằng, cán bộ văn hóa phường Long Tuyền đồng thời là “mẹ nuôi” Quách Phú Thành thuyết phục ông bà nội cho cậu bé đi thử giọng ở câu lạc bộ tài tử của phường.

Sau một vài cuộc thi nhỏ quy mô địa phương, đến đầu năm 2016, mẹ nuôi tiếp tục đăng ký cho em dự tuyển Thử tài siêu nhí ở Cần Thơ. Từ đó, cậu bé và ông bà bước vào cuộc hành trình hoàn toàn mới.

200 triệu tiền thưởng của vị trí quán quân là món tiền lớn nhất mà gia đình Thành từng có. Ngoài việc sửa lại nhà, ông bà nội quyết định gửi ngân hàng để lo tương lai của cháu trai.

Thời điểm này, tương lai của cháu cũng chính là điều ông bà Thành nghĩ đến nhiều nhất. Bà em bật khóc khi kể lại khoảnh khắc nắm tay NSƯT Hữu Quốc để gửi gắm cháu trai.

Người miền quê không giỏi ăn nói, chỉ có thể tâm sự thật lòng: “Tôi sống nay chết mai, không biết đi ngày nào, nhờ ông Năm giúp đỡ cháu, tôi mang ơn nhìu lắm”.

Chiếc giường cũ ọp ẹp là nơi Thành cất những chú gấu bông là quà của khán giả dành cho mình. Ảnh: Xuân Vinh

Nhắc đến NSƯT Hữu Quốc, Phú Thành cho biết em thương quý và xem ông Năm như người thân trong nhà cũng như mang ơn vì đã dẫn dắt, rèn giũa em có ngày hôm nay.

Kết thúc cuộc thi, mối duyên giữa hai thầy trò vẫn chưa chấm dứt. Thương cậu học trò tài năng nhưng chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, sắp tới NSƯT Hữu Quốc sẽ hỗ trợ em ít nhiều trong vài chương trình cũng như dự định giúp em lên thành phố học tâp.

Một điều gây bất ngờ ở cậu bé này là dù tài năng ở bộ môn nghệ thuật dân tộc, nhưng em lại quyết tâm học giỏi để làm bác sĩ. Thành tâm sự với bà nội rằng nếu trở thành bác sĩ, em chỉ khám cho người nghèo và lấy tiền công 10.000 đồng mỗi lần khám thôi.

Tác giả bài viết: Phương Giang

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok