Nhân ái

Xót xa cuộc đời quanh quẩn trong chòi lá 4m2 của cô giáo xứ Thanh

Đang là giáo viên cắm bản song bệnh tật bỗng khiến một cô gái ở huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa) phải sống cuộc đời gắn liền với xiềng xích, chịu cảnh nuôi nhốt trong chính gia đình mình.

Chúng tôi đến nhà bà Lê Thị Hiển ở thôn Tân Tiến, xã Tân phúc, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) để tìm hiểu về cảnh đời nuôi nhốt của con gái bà là Lê Thị Huyên (SN 1974).

Bên cạnh căn nhà chính của gia đình bà Hiển là một chòi lá dựng ở góc vườn. Trong căn chòi ấy, Huyên bị một dây xích sắt giữ lại trong chòi mà không thể tự do đi ra ngoài. Một đầu xích sắt được cố định vào cột chòi, đầu dây xích còn lại được buộc chặt vào chân Huyên.

Cái chòi nơi Huyên ở được dựng lên theo kiểu nhà sàn vùng cao, với các thân gỗ làm cột. Vách lều là những tấm ván ghép lại san sát nhau. Sàn chòi được thiết kế bằng các thân cây nứa đập dập, ghép lại với nhau. Mái chòi là lá cọ kết hợp những tấm lợp xi măng.

Trong chòi có chiếc chiếu, vài tấm chăn mỏng để cho Huyên ngủ, ngoài ra không có bất kỳ vật dụng nào. Mọi sinh hoạt của Huyên ngày qua ngày đều bó gọn trong chiếc chòi lá rộng chừng 4m2 ấy.

Đang là giáo viên, cuộc đời của Huyên bỗng gắn liền với cảnh nuôi nhốt.

Đã 70 tuổi, có lẽ không gì xót xa hơn khi bà Hiển lại phải làm cái công việc mà không một người mẹ nào muốn làm là phải tự tay xích con vào cột.

Dẫu vậy, bà Hiển không còn lựa chọn nào khác. Huyên mắc bệnh tâm thần, không thể kiểm soát hành vi của mình. Vì tính mạng của con gái, bà Hiển phải nén tình thương của một người mẹ mà trói nhốt con.

Bà Hiển cho biết: “Huyên sinh năm 1974, sau khi học xong chương trình sư phạm thì về làm giáo viên tại xã vùng cao khó khăn Lâm Phú của huyện Lang Chánh vào năm 1994”.

Sức trẻ và bầu nhiệt huyết tuổi đôi mươi của Huyên là niềm hy vọng của bà con dân bản, ngành giáo dục địa phương khi tình cảnh “đói chữ” của học trò vùng cao đang trong giai đoạn đỉnh điểm. Cả một tương lai đầy tươi sáng đang chờ đón Huyên ở phía trước.

Năm 1997, cô giáo trẻ lấy chồng, cũng là một giáo viên rồi sau đó sinh con gái đầu lòng.

Tuy nhiên, những sóng gió cuộc đời bất ngờ ập xuống gia đình nhỏ của cô giáo trẻ. Huyên bỗng đổ bệnh lạ với những biểu hiện bất thường.

Bà Hiển kể lại: “Thời điểm ấy nó kêu đau đầu, lúc nào cũng ảo tưởng lo sợ điều gì đó, nó bảo có người lùa đánh nên trốn chui lủi trong góc nhà, những nơi có bóng tối…”.

Gia đình bà Hiển đưa Huyên đi chữ bệnh tại Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa. Sau ba tháng Huyên được xuất viện nhưng bệnh tình không khỏi hoàn toàn. Huyên đi dạy ngày một thất thường hơn và phải bỏ nghề vào năm 2002 vì bệnh tình quá nặng.

Gia đình bà Hiển tìm mọi cách chữa trị bệnh tình cho con gái. Đưa Huyên đi các bệnh viện chữa trị không khỏi, bà Hiển “vái tứ phương” bằng các phương pháp chữa bệnh theo phong tục, quan niệm của người dân địa phương để cứu lấy cuộc đời của cô con gái “có ăn học” nhất trong nhà.

Thuốc tây, cúng ma, làm vía, thuốc nam rồi thuốc bắc… tất cả các biện pháp đều không có tác dụng. Bệnh của Huyên không khỏi mà ngày một nặng hơn, kinh tế gia đình cũng ngày một kiệt quệ.

Mọi sinh hoạt cá nhân của Huyên đều bó hẹp trong căn chòi lá rộng chừng 4m2.

Khi vợ chồng Huyên chia tay nhau, con gái về ở với bố cũng là lúc bệnh tình của con gái bà Hiển trở nên nặng nề nhất. Huyên kêu khóc thảm thiết rồi bỏ nhà đi lang thang bất kỳ thời điểm nào dù ngày hay đêm, mưa hay nắng.

Huyên trở thành người có những hành động vô thức, vác gậy đánh người, cầm dao chém lung tung, trèo lên cây rồi nhảy xuống đất cười ha hả… Những hành động ấy nhiều khi có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của những người xung quanh cũng như chính bản thân Huyên.

Bà Hiển kể: “Lần ấy ở đây xảy ra lũ ống to lắm, nước suối cuốn theo những thân cây gỗ cuồn cuộn chảy. Con Huyên đang trong nhà thì ôm đầu hét lớn rồi chạy vụt ra suối khiến tôi không kịp giữ.

Nó nhảy xuống dòng nước dữ trong sự bàng hoàng của mọi người. Nước lũ cuốn trôi nó đi nhưng nó may mắn thoát chết khi dạt vào bờ và được dân bản tìm thấy”.

Nhà bà Hiển gần đường ô tô, mỗi khi lên cơn đau Huyên lại ôm đầu lao ra đường. Nhiều lần đã xảy ra tai nạn khiến Huyên xây xát khắp người, phải nằm một chỗ ăn cháo cả tháng trời.

Thương con, nén nỗi đau của tình mẫu tử, bà Hiển buộc lòng phải dùng xích sắt để xích con vào góc nhà, nhằm giữ tính mạng cho con gái trong quãng đời còn lại.

Chồng bà Hiển đã 69 tuổi và bị bệnh tai biến, nằm liệt một chỗ khoảng mười năm nay. Bệnh tình của Huyên mỗi khi phát tác lại la hét thảm thiết, đập phá đồ đạc, cầm được vật gì là đập phá tan tành.

Tình cảnh ấy khiến bà Hiển phải dựng cái chòi lá rộng chừng 4m2 bên cạnh nhà để cách ly Huyên với bố đẻ.

Cách làm này cũng nhằm giữ an toàn cho cả hai bố con Huyên mỗi khi bà Hiển bận việc nhà không ngồi cạnh con gái được.

Huyên chịu đựng cái lạnh thấu xương hay cái nóng như đổ lửa trong căn chòi trống huơ trống hoác này

Hàng ngày, Huyên sống trong cảnh xiềng xích, nuôi nhốt ở căn chòi lá. Mỗi ngày, bà Hiển hai lần cơm nước mang vào chòi cho con. Mọi sinh hoạt cá nhân từ tắm rửa, ăn uống, ngủ nghỉ hay vệ sinh cá nhân của Huyên đều thải xuống gầm sàn.

Trong căn chòi trống huơ trống hoác, Huyên phải đối diện cái rét buốt mùa đông với những cơn gió lạnh thấu xương hay cái nắng nóng như đổ lửa của mùa hè.

Gia đình bà Hiển thuộc diện cận nghèo, kinh tế trông vào ba sào ruộng cấy lúa, tiền sinh hoạt hàng ngày nhìn cả vào khoản tiền trợ cấp 450 nghìn đồng mỗi tháng của Huyên.

Bà Hiển đã 70 tuổi, cái tuổi đáng ra đã được nghỉ ngơi an nhàn để con cái phụng dưỡng. Vậy mà hoàn cảnh éo le khiến bà đang phải căng mình chăm sóc chồng con ốm đau. Có lẽ bà Hiển cũng chẳng còn thời gian, tâm trí để mà lo nghĩ, buồn tủi cho bản thân mình.

Mọi sự ủng hộ của độc giả xin gửi về: Chị Lê Thị Huyên theo địa chỉ: anh Lê Văn Hoàng (em trai chị Huyên), thôn Tân Tiến, xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa, số điện thoại: 0982403515

Tác giả: HOÀNG DŨNG

Nguồn tin: Báo VTC NEWS

  Từ khóa: hoàn cảnh , Cô giáo , thanh hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok