Nhân ái

Xót xa 3 thế hệ trong một gia đình mang nỗi đau da cam

Chiến tranh đã lùi xa 40 năm nhưng di chứng của nó vẫn còn kéo dài, để lại nỗi đau kinh hoàng cho gia đình bà Nguyễn Thị Ái với 3 thế hệ nhiễm chất độc màu da cam.

Hỏi thăm bà Nguyễn Thị Ái (SN 1954), trú tại xóm Tây Lộc, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu (Nghệ An) ai cũng lắc đầu với ánh mắt đầy thương cảm bởi những nỗi đau mà gia đình bà đang phải chịu đựng. Vượt qua những con ngõ nhỏ, bước vào ngôi nhà cấp 4 cũ nát, xuống cấp nghiêm trọng, chúng tôi mới sững sờ trước cuộc sống dưới mức nghèo khổ của bà cùng những người con.

Thấy có khách, bà Ái niềm nở chào đón. Nhìn khuôn mặt khắc khổ, từng nếp nhăn in hằn như minh chứng về một cuộc đời dài khó khăn dù tuổi đã xế chiều của bà. Khi bà rót nước và bắt đầu kể về quá khứ của gia đình, về sự tàn ác của chiến tranh, thì nỗi đau đó càng in rõ hơn bao giờ hết.

Xót xa 3 thế hệ trong một gia đình mang nỗi đau da cam - Ảnh 1

Bà Ái đau xót trước nỗi kinh hoàng mang tên da cam đang dày xéo gia đình

Ngày ấy, bước vào năm 20 tuổi, cô thiếu nữ Nguyễn Ái nổi tiếng xinh đẹp, hiền thảo, được nhiều chàng trai mến mộ và ngỏ ý xin cưới. Nhưng trong lòng cô gái chỉ ưng một mình chàng bộ đội Cao Sỹ Tuất (SN 1946). Tuy nhiên, vì bom đạn chiến tranh tàn phá, chàng thanh niên trẻ đã viết thư bằng máu để lại và gia nhập quân đội chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị và sau đó là chiến trường Tây Nguyên.

Mãi đến năm 1974, vì bị thương nên ông Tuất trở về quê nhà, lúc đó đôi vợ chồng trẻ mới chính thức kết hôn. Trở về sống sót là điều may mắn hơn nhiều đồng đội, nên vợ chồng ông Tuất ra sức lao động, sống một cuộc đời giản dị và mơ ước về những đứa con khỏe mạnh.

Thế nhưng tai họa cũng bắt đầu từ đó, bà Ái mang thai đứa con đầu lòng nhưng khi sinh ra lại là một bé gái không chân, không tay. Đứa bé đó cũng chỉ ở cùng với ông bà được 2 ngày rồi ra đi mãi mãi. Giai đoạn này, ông bà chưa hề biết chất độc da cam là gì nên nghĩ rằng đó chỉ là điều không may mắn. Vượt qua nỗi đau, ông bà lại an ủi lẫn nhau rằng, những đứa con khác chắc chắn sẽ khỏe mạnh và tài giỏi.

Nhưng cuộc sống nào ai biết trước được mọi điều, ông bà không ngờ rằng tai họa da cam tiếp tục ập đến với những đứa con tiếp theo sau đó của họ. Năm 1976, cậu con trai Cao Bá Thanh ra đời thì tay chân bị teo tóp. Năm 1978, người con trai Cao Bá Hải được sinh ra cũng không thể nào đi lại được. Ông bà đưa các con đi khắp bệnh viện trong Nam ngoài Bắc nhưng đều vô vọng.

Đến lúc này, ông Tuất mới ngã ngửa khi biết mình bị nhiễm chất độc màu da cam quái ác khi ở chiến trường và giờ đây di chứng ấy đang nhiễm sang những người con. Không thể làm gì hơn, ông bà đành gạt nước mắt đưa 2 con về nhà chăm sóc, nuôi dưỡng.

Bà Ái nheo đôi mắt già nua mệt mỏi nhưng ánh lên niềm hạnh phúc bé nhỏ khi nói đến người con thứ 4: “Với khát khao cháy bỏng, chúng tôi bàn nhau sinh một đứa nữa. Cuối cùng, trời không phụ lòng người, năm 1980, người con trai Cao Bá Minh ra đời. Tuy rằng ốm yếu dặt dẹo, đầu óc hơi ngớ ngẩn nhưng chạy nhảy nói cười được. Và chúng tôi chỉ cần có thế là đã mãn nguyện lắm rồi”.

Những tưởng từ ngày đó, gia đình sẽ vơi đi những nỗi đau để cố gắng sống thì điều gì đến cũng sẽ đến, năm 1995, chất độc màu da cam trong người ông Tuất bắt đầu phát tác, ông thấy người tê dại, điếc hai bên tai, liệt dần và các bộ phận trong cơ thể cũng teo đó mà teo tóp đi. Không thể làm được gì, thể trạng ông suy yếu từng ngày, thân hình gầy rộc, da bọc lấy xương và cuối cùng ông ra đi trong đau đớn.

Từ ngày chồng mất, mọi gánh nặng gia đình chất lên đôi vai gầy của bà Ái. Những năm ông Tuất còn sống, mọi tài sản để dành đều đã dùng hết để đưa ông đi chữa bệnh, vì thế khi ông mất, kinh tế gia đình càng thêm túng quẫn. Càng đau xót hơn khi những năm sau đó, hai người con Thanh, Hải cũng theo bố qua đời, lấy đi những giọt nước mắt cuối cùng của người mẹ già. Bà Ái không còn sức để khóc cho số phận bất hạnh, bởi giờ đây nỗi đau đã ngấm vào xương tủy và sẽ dày vò bà đến hết cuộc đời.

Và rồi tưởng như một chút ánh sáng sẽ le lói trong cuộc đời đen tối của bà Ái khi cô láng giềng Vũ Thị Hương (SN 1982) chấp nhận lấy Minh, con trai duy nhất của bà. Thế nhưng, đó lại là khởi đầu của mầm mống tai họa da cam khi người cháu Cao Sỹ Tuấn và Cao Thị Tố Uyên sinh ra trong tình trạng chân tay co quắt không thể cử động được.

Xót xa 3 thế hệ trong một gia đình mang nỗi đau da cam - Ảnh 2

Hai người cháu của bà Ái, thế hệ thứ 3 trong gia đình cũng đang mang trong mình di chứng chất độc màu da cam


Ngày các cháu sinh ra với thể trạng không bình thường, bà Ái đã biết rằng, các cháu của mình cũng bị di chứng chất độc da cam quái ác. Nhiều lần bà đã phải cắn chặt gối khóc thầm và ngăn mình không hét lên: “Kiếp trước tôi đã làm gì nên tội mà trời đày đọa tôi thế này”. Trước nỗi đau quá lớn nhưng bà đã phải giấu đi để động viên người con dâu cũng đang rơi vào vực thẳm như bà cách đây hơn 25 năm. Hai người đàn bà cùng khổ ôm lấy nhau để rồi vực nhau dậy, bước tiếp chặng đường cam go phía trước.

Hàng ngày, nếu chị Hương đi làm thì bà Ái ở nhà chăm sóc 2 cháu nằm liệt giường và canh chừng cậu con trai không lý trí thỉnh thoảng đi không biết đường về. Còn những khi bà Ái đi ra ngoài thì chị Hương lại phải ở nhà quét dọn, chăm sóc chồng con trong ngôi nhà cấp 4 dột nát không có lấy một tài sản nào đáng giá. Tất cả tiền bạc gia đình tích góp được đều đã dùng hết vào việc chăm sóc các con, các cháu đang phải oằn mình chống trụ với di chứng chất độc da cam quái ác. Điều đáng nói, vì chưa có quy định cho di chứng thế hệ thứ 3 nên các con chị Hương không được hưởng chế độ chất độc màu da cam.

Ôm đứa con tật nguyền vào lòng, chị Hương ngậm ngùi nói: “Ở nhà không ruộng vườn, không nghề nghiệp nên tôi không biết tìm cách gì để làm ăn. Trước đây, tôi cũng liều mình đi lao động chui ở Trung Quốc, nhưng đi được vài bữa thì mẹ ở nhà gọi điện bảo một mình không thể chăm sóc được 3 người bệnh, sau đó tôi bị bắt và đuổi về nên từ đó tôi không đi đâu xa làm ăn được nữa”.

Tin nhanh qua trao đổi, ông Nguyễn Ngọc Vân, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc cho biết: “Gia đình bà Ái là một trong những hoàn cảnh chịu tai họa chiến tranh nặng nề nhất, cả 3 thế hệ đều là nạn nhân chất độc màu da cam. Điều đang tiếc là trước đấy, chúng ta chưa hề có những quy định về chế độ nạn nhân da cam, nên gia đình bà Ái phải chịu những thiệt thòi. Giờ đây chúng tôi đang cố gắng lập hồ sơ để các cháu bà Ái hưởng chế độ này. Hiện, cháu Tuấn đã chính thức hưởng chế độ nạn nhân chất độc màu da cam, cháu Uyên có chế độ người tàn tật phụ giúp phần nào để bà Ái chăm sóc các cháu".

Nhìn ánh mắt vô vọng của bà Ái và chị Hương, tôi như cảm nhận được những mất mát, đau đớn mà hai người phụ nữ đang phải chịu đựng. Chiến tranh đã lùi xa nhưng di chứng của nó vẫn còn mãi mãi, gia đình bà Ái đang rất cần sự chung tay, góp sức của cộng đồng để bà tiếp tục chống chọi với nỗi đau da cam đang quằn xéo gia đình từng ngày.

Mọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm xin gửi về:Nguyễn Thị Ái Thôn Tây Lộc, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Tác giả bài viết: Anh Ngọc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok