Giáo dục

Xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản trong giáo dục đại học, dễ hay khó?

Năm 2006, Bộ GD&ĐT có đề xuất xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, giao quyền tự chủ tối đa cho các trường. Thế nhưng, đến năm 2016 vẫn chưa có gì thay đổi.

LTS: Nhằm xây dựng cách quản lý mới trong giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT có chủ trương chuyển đổi cơ chế quản lý sang hình thức xóa bỏ bộ chủ quản.

Làm việc với cán bộ giảng dạy Trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh ngày 7/6/2016, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ tăng cường vai trò tự chủ và tiến tới các trường đại học không còn trực thuộc bộ nào.

Cả nước hiện nay có trên 420 trường Đại học, Cao đẳng trong đó có hơn 50 trường do Bộ GD&ĐT quản lý, số còn lại là do các bộ ngành và địa phương quản lý. Vậy, có nên xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản giáo dục đại học hay không?

Hôm nay, trong bài viết này, tác giả Nguyễn Hồng Cúc (hiện đang là nghiên cứu sinh của Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh) đưa ra quan điểm của mình về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết.


Cách đây gần 2 tháng – thời điểm khi đang trong quá trình phân bố lại nhân sự cấp Nhà nước, truyền thông liên tục cập nhật từng tên Bộ trưởng các Bộ thì trong chuyến xe đi về An Giang, chị bạn tôi than thở:

“Tôi chỉ muốn biết Bộ trưởng Bộ GD&ĐT là ai, chứ tình trạng này, tôi lo cho tương lai học hành của con cháu quá”.

Chị còn nói thêm: “Nếu nhân sự không thay đổi thì tôi phải tính cách “cày cuốc” để có tiền cho con đi học trường quốc tế”.


Xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản trong giáo dục đại học, dễ hay khó (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Điều này chứng tỏ, khi đó có rất nhiều người mong mỏi về sự đổi mới giáo dục mà người cầm cân nảy mực chính là vị tân Bộ trưởng.

Sáng 9/4, Quốc hội phê chuẩn nội các của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với 3 tân phó thủ tướng và 18 tân bộ trưởng, trưởng ngành. Trong đó, ông Phùng Xuân Nhạ - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội giữ chức Bộ trưởng GD&ĐT.

Khi tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đi kinh lý vào TP.Hồ Chí Minh, Bộ trưởng có ghé qua ghé qua Đại học Hutech, Đại học Sư Phạm TP.Hồ Chí Minh, họp với lãnh đạo Thành phố…

Mỗi nơi, Bộ trưởng đề cập đến một vài vấn đề nhưng nổi bật nhất là việc sẽ xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản trong giáo dục đại học.

Thực tế, việc này đã được đề cập từ năm 2006 khi Bộ GD&ĐT báo cáo Thủ tướng Phan Văn Khải về việc triển khai Nghị quyết 14 về đổi mới toàn diện giáo dục đại học, trong đó có đề xuất xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, giao quyền tự chủ tối đa cho các trường.

Thế nhưng, đến năm 2016 vẫn chưa có gì thay đổi và hôm nay tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vấn đề lại được đề cập lại.

Chỉ có khác, năm 2006, Bộ GD&ĐT chủ quản 35 trường đại học thì đến năm 2016, Bộ đã chủ quản 53/141 trường đại học trên cả nước (Theo báo cáo số 54/BC-BGDĐT ngày 04/02/2016).

Và hiện có 15 bộ, ngành và 6 tỉnh, thành trực tiếp quản lý các đại học công lập (chưa kể các trường quân đội, công an).

Trong khi đó trên thế giới chỉ còn Cuba, Iran, Mông Cổ, Nga là còn khái niệm bộ chủ quản các đại học.

Cơ chế bộ chủ quản đã tạo nên tính khép kín trong từng bộ, ngành dẫn đến sự cục bộ.

Trong Hội nghị đánh giá việc triển khai thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập mà Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 18/3/2016 tại Hà Nội, các đơn vị liên quan vẫn ngại ngần trong việc đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc về cơ chế bộ chủ quản.

Trường Đại học Công nghiệp Dệt may (trường không có bộ chủ quản) đưa ra 9 nội dung kiến nghị để tháo gỡ khó khăn của trường trong đó có 1 khó khăn là do không có... bộ chủ quản.

Theo nguyên lý quyền tự chủ (autonomy) của các trường đại học là tự chủ về tổ chức, nhân sự, tài chính, đào tạo và dưới sự giám sát của Hội đồng trường.

Khi Hội đồng trường chưa được thành lập hay thành lập chỉ cho có, hữu danh vô thực hay chưa được gắn vào hoạt động của trường không giám sát, hướng dẫn được các hoạt động của trường.

Tôi có hỏi thành viên tư vấn tuyển sinh của một trường đại học có chuyên ngành dược rằng:

“Sau khi tốt nghiệp thì được cấp văn bằng như thế nào?”.

Tôi liền nhận được câu trả lời: “Tốt nghiệp thì Bộ GD&ĐT cấp bằng Cử nhân dược”.

Tôi hỏi lại: “Vậy người đó có phải là Dược sĩ không? Họ có được mở tiệm thuốc tây không?” thì người trả lời ấp úng cho rằng, đó là việc do Bộ Y tế thực hiện trong khi hiện tại chưa có một quy chế chính thức nào.

Rõ ràng, chất lượng đào tạo của các bộ, ngành khác nhau nên khó đảm bảo mặt bằng chung về trình độ đào tạo, chuẩn kiến thức, từ đó dẫn đến việc khó để chấp nhận lẫn nhau.

Đây chính là kết quả của tổ chức quản lý hệ thống giáo dục đại học đã phân tán trách nhiệm quản lý cho nhiều bộ và nhiều tỉnh thành chủ quản.

Việc chia cắt các nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục đại học giữa Bộ GD&ĐT với các bộ ngành khác đã làm cho việc quản lý nhà nước đối với hệ thống giáo dục chồng chéo, không thống nhất.

Như vậy, vấn đề đặt ra là: Những ý kiến của Phó Thủ tướng, của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc trao quyền tự chủ cho các đại học công lập cũng như dân lập có thể được thực hiện ngay trong lúc này hay cần phải có quy trình, từng bước mà Bộ đã cho vài trường đại học thử nghiệm trong hơn 10 năm qua.

Nếu bỏ bộ chủ quản (trường hợp Bộ GD&ĐT) thì chỉ có thể giải phóng 53 đại học mà Bộ đang là chủ quản, còn gần 2/3 đại học khác thì như thế nào? Liệu các Bộ như Y tế, Xây dựng, Giao thông Vận tải,… có đồng ý như thế không?

Bộ GD&ĐT có thực sự giải quyết hay xóa bỏ quy chế cho phép từng trường tuyển sinh hàng năm bao nhiêu sinh viên, quy chế về các chương trình khung của đại học, quy chế về mở ngành đào tạo,… để tôn trọng quyền tự chủ của từng trường?

Mối quan hệ giữa Đảng ủy trường và Hội đồng trường trong việc bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng về công tác nhân sự trong các đại học công lập và dân lập sẽ như thế nào, có tôn trọng việc tự chủ về nhân sự trong đại học không?

Chính vì vậy, trước khi có quyết định xóa cơ chế chủ quản, để các trường tự chủ hơn, Bộ GD&ĐT cần có những văn bản sửa đổi hoặc bãi bỏ những quy chế mà Bộ cảm thấy “đã chạm vào quyền tự chủ của các đại học”.

Trước kia, để các nhà đang quản lý đại học công lập cũng như dân lập yên tâm, nhân dân cũng yên tâm là có đổi mới thực sự, sinh viên cũng cần được tôn trọng là một người trưởng thành hơn chứ không phải là học sinh cấp 4.

Vấn đề chính của giáo dục đại học Việt Nam hiện nay là nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp với thế giới để cho các phụ huynh cũng như sinh viên an tâm theo học chương trình giáo dục đại học Việt Nam.

Đó là trách nhiệm của những nhà quản trị từ cấp Bộ Trung ương đến các cấp Sở cũng như các nhà quản lý đại học Việt Nam.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hồng Cúc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok