Trong tỉnh

Xi măng Công Thanh liên tục thua lỗ nhiều năm liền

Kinh doanh thua lỗ trong nhiều năm, liên tục bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt vi phạm hành chính, sản phẩm khó tiêu thụ, khiến Công ty Cổ phần Xi măng Công Thanh đã khó càng thêm khó.

Thanh Hoá: Xi măng Công Thanh liên tục thua lỗ nhiều năm liền


Những khoản lỗ nghìn tỷ

Công ty cổ phần xi măng Công Thanh được thành lập năm 2006 với xuất phát điểm là một công ty sản xuất clinker và cho thuê xe trộn bê tông. Năm 2009, Công ty cổ phần xi măng Công Thanh trở thành công ty đại chúng.

Từ Công ty cổ phần xi măng Công Thanh ban đầu, DN đã phát triển mạnh mẽ và thành Tập đoàn Công Thanh với các công ty thành viên, bao gồm: Công ty cổ phần Xi măng Công Thanh, Công ty TNHHTM xi măng Công Thanh Khu vực miền Nam, Công ty TNHH TM xi măng Công Thanh Khu vực miền Trung, Công ty TNHH TM DV xi măng Công Thanh miền Bắc, Công ty cổ phần vận tải Công Thanh, Công ty cổ phần vận tải An Tôn, Công ty cổ phần bao bì Công Thanh, Công ty cổ phần bê tông Công Thanh, Công ty cổ phần bê tông Công Thanh Hà Nội, Công ty TNHH bê tông Công Thanh Sài Gòn, Công ty cổ phần nhiệt điện Công Thanh, Công ty cổ phần phân đạm Công Thanh, Khách sạn 5 sao Công Thanh, Khu du lịch biển Golden Coast Resort Công Thanh và Dự án sân Golf Công Thanh, Công ty cổ phần kinh doanh xuất nhập khẩu Công Thanh.

Năm 2022 đánh dấu năm thứ 7 liên tiếp Xi măng Công Thanh báo lỗ, nâng tổng lỗ lũy kế lên gần 6.080 tỷ đồng.


Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2022, doanh thu thuần của Công ty cổ phần xi măng Công Thanh đạt 1.595 tỷ đồng, giảm 36% so với năm 2021. Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ âm 153,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 dương 244,4 tỷ đồng.

Kết thúc năm 2022, Xi măng Công Thanh ghi nhận khoản lỗ 1.181 tỷ đồng, tăng 34% so với khoản lỗ hơn 881 tỷ đồng của năm 2021.

Trong các năm trước đó, Xi măng Công Thanh cũng ghi nhận những khoản lỗ lớn. Cụ thể, năm 2016 lỗ 478 tỷ đồng, trong khi năm 2015 công ty báo lãi 19,6 tỷ đồng. Năm 2017 công ty báo lỗ 1.038 tỷ đồng; năm 2018 lỗ 615,4 tỷ đồng; năm 2019 lỗ 939,2 tỷ đồng; năm 2020 lỗ 771,2 tỷ đồng và năm 2021 lỗ 881 tỷ đồng.

Đáng chú ý, năm 2022 đánh dấu năm thứ 7 liên tiếp Xi măng Công Thanh báo lỗ, nâng tổng lỗ lũy kế lên gần 6.080 tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của Xi măng Công Thanh giảm hơn 450,5 tỷ đồng, từ 12.769 tỷ đồng xuống còn 12.318 tỷ đồng.

Trong cơ cấu nợ phải trả, nợ ngắn hạn chiếm 3.095 tỷ đồng, gấp 4,1 lần tài sản ngắn hạn. Còn nợ dài hạn chiếm tới 14.402 tỷ đồng, vượt hơn 2.829 tỷ đồng so tài sản dài hạn. Trong đó, vay nợ tài chính của Xi măng Công Thanh vẫn duy trì ở mức cao lên tới 5.437 tỷ đồng.

Tại Báo cáo tài chính đã được kiểm toán (năm 2022) do Công ty kiểm toán DFK Việt Nam thực hiện, kiểm toán viên từ chối đưa ý kiến do liên quan tới một số vấn đề khiến kiểm toán không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng để làm cơ sở đưa ra kết luận.

Báo cáo tài chính của Xi măng Công Thanh bị kiểm toán viên từ chối đưa ý kiến


Cụ thể, cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2022, công ty đã phát sinh khoản lỗ hơn 1.181,7 tỷ đồng (ngày 31/12/2021 là hơn 881 tỷ đồng) và cũng tại ngày này, lỗ luỹ kế của công ty đã vượt vốn chủ sở hữu là hơn 5.179,8 tỷ đồng (tại ngày 31/12/2021 là hơn 3.998,1 tỷ đồng) và nợ ngắn hạn của công ty cũng đã vượt tài sản ngắn hạn là 2.350,8 tỷ đồng (tại ngày 31/12/2021 là 1.820 tỷ đồng).

Ngoài ra, công ty chưa thực hiện theo kế hoạch chi trả khoản vay dài hạn đến hạn trả và trái phiếu đến hạn trả với số tiền là 1.293 tỷ đồng cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam; khoản vay ngắn hạn với số tiền là 288 tỷ đồng cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội và tổng tiền lãi vay quá hạn hơn 316 tỷ đồng cho các ngân hàng này. Những điều này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Kiểm toán viên của DFK Việt Nam cho biết: “Ban TGĐ công ty đã lập báo cáo tài chính trên cơ sở doanh nghiệp hoạt động liên tục. Tuy nhiên, ban TGĐ không thể cung cấp bằng chứng khả năng hoàn thành kế hoạch thanh toán do các ngân hàng đã đề ra. Dựa theo các thông tin hiện có, chúng tôi chưa thể thu thập đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp cho việc sử dụng giả định hoạt động liên tục để soạn lập báo cáo tài chính này phù hợp. Do đó, chúng tôi không thể xác định các điều chỉnh cần thiết đối với báo cáo tài chính này”.

“Ôm” nhiều dự án lớn tại Thanh Hoá

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Tập đoàn Công Thanh đã được cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận chủ trương, địa điểm đầu tư, giao đất, cho thuê đất để thực hiện 10 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng hơn 36.500 tỷ đồng, trong đó có 9 dự án đầu tư trong Khu kinh tế Nghi Sơn, 1 dự án đầu tư trên địa bàn thành phố Thanh Hóa.

Một số dự án tiêu biểu như: dự án Khu du lịch Golden Coast Resort có tổng mức đầu tư 220 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất là 15,36ha. Dự án được UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép nghiên cứu đầu tư, xây dựng từ năm 2006, địa điểm đầu tư xây dựng tại xã Hải Hòa, xã Binh Minh huyện Tĩnh Gia.

Tiếp đó là dự án Nhà máy nhiệt điện Công Thanh có tổng mức đầu tư 21.480 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất là 70ha. Dự án này được UBND tỉnh Thanh Hoá chấp thuận chủ trương đầu tư từ 2008, địa điểm thực hiện đầu tư xây dựng tại KCN số 2 – KKT Nghi Sơn. Dự án đầu tư xây dựng cảng chuyên dụng Công Thanh có tổng mức đầu tư là 2.212 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất là 22,5ha. Dự án được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2011.

Hay như dự án đầu tư xây dựng bến cảng số 6 - Khu Kinh tế Nghi Sơn có tổng mức đầu tư là 283 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất là 6,45 ha. Dự án được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2015; Dự án xây dựng Khu cư xá cho công nhân của Công ty cổ phần xi măng Công Thanh được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2008, diện tích khoảng 11ha; Dự án Khách sạn 5 sao, văn phòng làm việc, văn phòng cho thuê và dịch vụ thương mại tại thành phổ Thanh Hóa được UBND tỉnh giao đất năm 2009, với diện tích 17.963m2, thời hạn sử dụng đất 50 năm.

Được biết, trong 10 dự án chỉ có một dự án cơ bản thực hiện xong phát huy hiệu quả, còn lại 9 dự án đang trong tình trạng dang dở.

Mới đây, ngày 14/8/2023, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước ban ban hành Quyết định số 251/QĐ-XPHC, xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần xi măng Công Thanh (địa chỉ trụ sở chính tại thôn Tam Sơn, xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa), số tiền phạt 85 triệu đồng do không công bố thông tin đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.

Cụ thể, công ty không gửi nội dung công bố thông tin cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đối với: Báo cáo tài chính bán niên 2022, Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu bán niên 2022, Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu bán niên 2022.

Tác giả: Minh Đức

Nguồn tin: vietnamfinance.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok