Ảnh minh họa
Từ việc đồng áng, bếp núc, chăm sóc con cái đến cả những công việc vốn của đàn ông..., tất cả đều do một tay chị Lương thị Nga xoay xở. Chồng mất do nghiện ma túy nhiễm HIV nhưng hơn 10 năm qua, chưa một lần chị Nga đi xét nghiệm HIV. Bởi chị sợ sự kì thị, xa lánh của cộng đồng đối với mẹ con chị. Nhưng những suy nghĩ tiêu cực đó đã hoàn toàn thay đổi khi chị được cán bộ y tế thôn bản trực tiếp đến nhà tư vấn xét nghiệm HIV; cũng như tư vấn kết nối điều trị ARV nếu như không may có H.
Chị Vi Thị Hải Vân - Cán bộ y tế thôn bản xã Mường Nọc - huyện Quế Phong chia sẻ: Sau khi tiến hành thử test cho chị Nga và chị Nga có phản ứng dương tính, cán bộ y tế thôn bản đã hướng dẫn cho bệnh nhân làm xét nghiệm tại Bệnh viện và cũng có kết quả dương tính. Tuy nhiên, tôi đã giải thích cho chị Nga: Dương tính không phải là dấu chấm hết. Nếu như điều trị đúng theo phác đồ của bác sỹ.
Khi nhận được kết quả, chị Nga rất buồn. Nhưng được cán bộ y tế thôn bản tư vấn kết nối điều trị ARV, chị dần trấn tĩnh lại. Chị sẽ điều trị ARV theo đúng hướng dẫn của bác sỹ vì thuốc điều trị không phải mua, mà nếu điều trị tốt, kéo dài được tuổi thọ để được chăm sóc cho các con của chị nên chị lạc quan hơn nhiều.
Huyện biên giới Quế Phong – một trong những điểm nóng về buôn bán và sử dụng ma túy hiện có trên 600 người nghiện. Đây là nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV cao. Nhưng do thiếu hiểu biết về phòng chống HIV nên trường hợp chồng hoặc vợ dương tính và lây nhiễm cho bạn đời như gia đình chị Nga không phải ít. Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2016, khi xét nghiệm HIV nhanh tại cộng đồng do US AID hỗ trợ, được triển khai thực hiện thì ý thức của người dân huyện biên giới Quế Phong đã hoàn toàn thay đổi. Họ tự nguyện làm xét nghiệm để chủ động phòng chống căn bệnh nguy hiểm này .
Chị Quang Thị Hạnh tâm sự: Chồng tôi mất lâu rồi. Hiện tôi có bạn tình nên khi cán bộ y tế thôn bản tuyên truyền về lợi ích xét nghiệm nhanh HIV tại nhà tôi đã tự nguyện đi xét nghiệm. Và rất may tôi không mắc bệnh. Nhưng từ nay tôi sẽ quan tâm đến sức khỏe của mình hơn, sử dụng các biện pháp bảo vệ an toàn để phòng tránh căn bệnh HIV.
Chỉ sau 20 phút thử test, chị Hạnh đã thở phào nhẹ nhõm vì có kết quả âm tính với HIV. Nhưng bản thân chị cũng nhận ra không thể có may mắn mãi nếu bản thân không có cuộc sống tình dục lành mạnh. Còn với chị Lương Thị Nga, dù đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ, nhưng chị không tuyệt vọng mà trái lại chị lạc quan bởi chị đang thực hiện nghiêm ngặt phác đồ điều trị của bác sỹ để được sống khỏe hơn, lâu hơn để chăm sóc và chứng kiến các con chị trưởng thành.
Tác giả bài viết: Thu Hiền