Thứ nhất, đánh giá giáo viên dựa trên kết quả học tập và chất lượng của học sinh có sát sao không? Chúng ta đang căn cứ vào tỷ lệ văn hóa, hạnh kiểm, tỷ lệ duy trì số lượng, các giải phong trào của lớp chủ nhiệm,… để xếp loại giáo viên là chủ yếu.
Có những người thầy suốt năm học ra sức phấn đấu dạy học, tham gia nghiêm túc, nhiệt tình các hoạt động. Vậy mà cuối năm chỉ cần chưa đạt chỉ tiêu duy trì số lượng hoặc là số lượng học sinh thi lại lớn hơn mặt bằng chung của trường là bị hạ thi đua.
Điều ấy quá vô lý khi mọi sự cố gắng, nỗ lực của giáo viên đều bỗng nhiên “đổ xuống sông xuống biển”. Và không ít trường hợp, sau một thời gian phấn đấu, phát hiện chẳng đạt chỉ tiêu số lượng hoặc chất lượng, người thầy bỗng buông xuôi, lơ là công tác. Bởi thi đua trong năm học này dù cố gắng cũng hoài công.
Thứ hai, công tác đánh giá thi đua khen thưởng trong trường học hiện nay có thật sự công bằng và dân chủ không? Khi hội đồng thi đua nhà trường toàn là những cán bộ cốt cán gồm ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn, bí thư chi đoàn, tổng phụ trách đội, không ai dám khẳng định mọi đánh giá, xếp loại sẽ đúng thực tiễn.
Đã có nhiều tiếng than của giáo viên vang lên khi hội đồng thi đua xét theo kiểu “nhìn mặt, đặt danh hiệu thi đua”. Trong lúc ấy, chỉ tiêu Chiến sĩ thi đua cơ sở trong trường học đang siết chặt. Bởi vậy, dễ dàng bắt gặp tình trạng giáo viên rất “ngại” đăng ký danh hiệu này. Bởi họ biết dù phấn đấu thế nào cũng không vượt qua được cái bóng quá lớn của những “cây đa, cây đề”.
Tình trạng đăng ký “cầm chừng” danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở tương ứng với chỉ tiêu mỗi trường đạt được dẫn đến tình trạng đùn đẩy công việc lẫn nhau. Người đăng ký danh hiệu thấp dù có năng lực đến đâu chẳng bao giờ chấp nhận tham gia các hội thi, hội giảng cấp huyện, thị, tỉnh bởi “Ai là Chiến sĩ thi đua phải thi”. Còn mình thì an nhàn, thảnh thơi với chuyên môn hằng ngày.
Bên cạnh đó, nó còn triệt tiêu nỗ lực phấn đấu của không ít giáo viên. Mất động lực phấn đấu, người thầy thực hiện nhiệm vụ chuyên môn như một cái máy, đến giờ lên lớp, hết giờ về nhà. Không bồi dưỡng năng lực, không nhiệt huyết sáng tạo thì rất khó bàn đến chuyện nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới giáo dục.
Thi đua, xét cho cùng chính là để thúc đẩy động lực cống hiến của mỗi người trong bất kỳ ngành nghề nào. Nhưng khi công tác thi đua tồn tại bất cập, hệ lụy sẽ nguy hại vô cùng. Phần thưởng không lớn nhưng các danh hiệu thi đua là món quà tinh thần quý giá mà bất kỳ một người thầy nào cũng mong mỏi nhận được sau một năm miệt mài cống hiến.
Bởi vậy, để công tác thi đua đi vào thực chất, công bằng, tôi thiết nghĩ một bộ quy chuẩn đánh giá, xếp loại giáo viên cần được xây dựng chỉn chu, hiệu quả, toàn diện.
Và quan trọng hơn hết là quy trình xếp loại giáo viên cần công khai và dân chủ hơn, tránh tình trạng giao hết “quyền sinh quyền sát” cho hội đồng thi đua nhà trường. Để tránh tình trạng khiếu kiện xảy ra sau mỗi kỳ họp bình xét thi đua, lãnh đạo các ban ngành trong nhà trường cần đặt chữ “tâm” sáng trong, mẫu mực của mình trong mỗi lần đề cử, biểu quyết, bỏ phiếu kín…
Tác giả: Nguyễn Thùy
Nguồn tin: Báo Dân trí