Du lịch

Xem pháo hoa quốc tế từ tàu du lịch trên sông Hàn: Nên quản chứ không nên cấm!

Đó là đề xuất từ Sở Du lịch Đà Nẵng cũng như nhiều chủ tàu du lịch hoạt động trên sông Hàn sau khi Infonet đăng tin “Đà Nẵng: Không cho tàu du lịch đưa khách trên sông Hàn các đêm thi pháo hoa”

Trước đó, như Infonet đã đưa tin, sáng 14/4, khi Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đi kiểm tra việc thi công sân khấu và khán đài phục vụ lễ hội pháo hoa quốc tế DIFF 2017 thì Phó Giám đốc Thường trực Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng Nguyễn Hữu Chiến cho biết lãnh đạo TP đã chỉ đạo không cho các tàu thuyền, kể cả tàu du lịch, bán vé đón khách xem pháo hoa trên sông Hàn trong các đêm diễn ra DIFF 2017 (30/4, 20/5, 27/5, 3/6 và 24/6) để đảm bảo an toàn, tránh lặp lại trường hợp như vụ chìm tàu du lịch Thảo Vân.

Sở Du lịch Đà Nẵng đề nghị nên tăng cường quản lý chứ không nên cấm tàu du lịch đón khách xem pháo hoa trên sông Hàn (Ảnh: HC)



Sau khi thông tin được đăng tải, khá nhiều bạn đọc đã bày tỏ sự thất vọng, bởi những lần tổ chức pháo hoa quốc tế trước đó, Đà Nẵng đều cho tàu du lịch đón khách xem pháo hoa trên sông Hàn mà hầu như không xảy ra sự cố nào đáng tiếc. Với nhiều người, xem pháo hoa từ tàu du lịch trên sông Hàn là trải nghiệm rất thú vị và khác biệt so với xem từ khán đài hay hai bên bờ sông. Một số chủ tàu du lịch cũng phản ứng vì một cơ hội kinh doanh rất tốt có thể bị chặn lại và không tận dụng được lễ hội pháo hoa quốc tế để quảng bá và phát triển du lịch đường sông của Đà Nẵng.

Chiều 16/4, trao đổi với PV Infonet, ông Hoàng Sơn Trà, Phó Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho biết, tại cuộc họp mới đây về DIFF 2017 do Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng chủ trì, ý kiến của các ngành liên quan về việc tàu du lịch đón khách xem pháo hoa trên sông Hàn là khá khác biệt.

Sở Du lịch Đà Nẵng đề nghị tiếp tục cho tổ chức hoạt động này bình thường như các năm trước. Trong khi đó Bộ đội Biên phòng TP không tán đồng với lý do các năm trước trên sông Hàn có đoàn thuyền hoa diễu hành và sau đó tham gia cùng BĐBP dàn hàng ngang ngăn các tàu khác xâm nhập khu vực bắn pháo hoa. Năm nay không có đoàn thuyền hoa nên nếu cho phép các tàu du lịch đưa khách đi xem pháo hoa trên sông Hàn sẽ rất phức tạp trong công tác quản lý, bảo vệ.

Ý kiến của Sở Văn hóa – Thể thao cũng rất lo lắng, nếu xảy ra thêm một vụ tương tự vụ tàu Thảo Vân thì sẽ “tan nát” cả lễ hội pháo hoa quốc tế của Đà Nẵng. Trước các ý kiến khác biệt đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đặng Việt Dũng giao Sở GTVT và Sở Du lịch phối hợp nghiên cứu, đề xuất phương án tổ chức cho các tàu du lịch đón khách xem pháo hoa trên sông Hàn đảm bảo an toàn tuyệt đối cũng như phương án giá vé để không xảy ra tình trạng “chặt chém”, trình lãnh đạo TP xem xét, quyết định.

Qua tham khảo của PV Infonet, nhiều ý kiến cho rằng trong đội tàu du lịch trên sông Hàn hiện có những tàu được đầu tư đạt tiểu chuẩn, chất lượng không thua kém gì “tàu Tây”. Nếu chỉ vì sự cố do một tàu cá cải hoán chưa được cấp phép hoạt động gây ra mà cấm tất cả các tàu này là không công bằng, không khuyến khích được các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch đường sông.

Đà Nẵng nên tăng cường quản lý hoạt động của các tàu du lịch đón khách xem pháo hoa trên sông Hàn, nhưng không nên “cấm tiệt” vì đây cũng là một sản phẩm đặc sắc góp phần làm cho lễ hội pháo hoa quốc tế của TP thêm phong phú. Đồng thời cần tận dụng các cơ hội như DIFF để thúc đẩy hơn nữa du lịch đường sông của Đà Nẵng vốn rất nhiều tiềm năng nhưng hiện vẫn chưa phát triển đúng tầm.

Theo đó, lãnh đạo TP cần chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra chặt chẽ và cấp giấy phép cho các tàu đạt tiêu chuẩn đón khách xem pháo hoa trên sông Hàn. Chỉ những tàu này mới được đi qua các “hàng rào” tàu biên phòng ở các cầu Nguyễn Văn Trỗi, Sông Hàn, Thuận Phước để vào gần khu vực trình diễn pháo hoa và neo đậu ở các vị trí được quy định, đảm bảo khoảng cách an toàn với khu vực bắn pháo, cho khách thưởng thức các màn trình diễn pháo hoa. Những tàu nào không có giấy phép mà đi vào khu vực này thì bị xử lý nghiêm.

Trao đổi với PV Infonet chiều 16/4, Phó Văn phòng UBND TP Đà Nẵng Hoàng Sơn Trà rất đồng tình với ý kiến nêu trên và cho biết sẽ sớm báo cáo lên lãnh đạo UBND TP xem xét, quyết định. Trong khi đó, Phó Giám đốc Thường trực Sở Du lịch Đà Nẵng Trần Chí Cường cũng cho biết, Sở này cùng Sở GTVT vừa thống nhất có văn bản đề xuất lãnh đạo TP cho phép các tàu du lịch được hoạt động đón khách trên sông Hàn trong các đêm diễn ra DIFF 2017.

Theo đề xuất này, các tàu du lịch hiện neo đậu tại cảng Sông Hàn sẽ chuyển lên neo đậu tại cảng Sông Thu cũ trong thời gian diễn ra DIFF 2017, còn hoạt động đón khách tham quan, thưởng ngoạn trên sông Hàn thì vẫn diễn ra bình thường, trong đó có cả việc đón khách xem pháo hoa trong 5 đêm diễn ra cuộc thi của các đội quốc tế.

“Hiện có 15 tàu du lịch trên sông Hàn đã được cơ quan chức năng kiểm định đảm bảo tiêu chuẩn đón khách. Chúng tôi đề xuất để các tàu này hoạt động bình thường theo quy trình kiểm tra, kiểm soát hiện hành, đảm bảo đúng quy định về vận chuyển khách trên sông. Đồng thời tăng cường kiểm tra, không để khách leo lên nóc tàu hoặc đứng ngồi xem pháo hoa không đảm bảo an toàn. Nếu các tàu đảm bảo đủ điều kiện thì phải để cho người ta hoạt động chứ không có lý do gì dừng họ hết. Trước và sau các đêm bắn pháo hoa, các tàu này vẫn hoạt động thì trong các đêm bắn pháo hoa không có vấn đề gì để họ không được hoạt động!” – ông Trần Chí Cường nói.

Đồng thời ông cho biết, Sở GTVT và Sở Du lịch Đà Nẵng cũng đề nghị nghiêm cấm các tàu đánh cá, tàu chở cát... của Đà Nẵng cũng như từ nơi khác đến chở khách xem pháo hoa vì không đủ điều kiện vận chuyển khách trên sông theo quy định của pháp luật hiện hành. Việc này sẽ được thông báo rộng rãi cho người dân biết và chấp hành. Bộ đội Biên phòng và các lực lượng chức năng sẽ chốt chặn, không cho các tàu này chở người vào khu vực xem pháo hoa. Bất cứ trường hợp nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.

Ngoài ra, ông Trần Chí Cường cho biết, bình thường giá vé tàu du lịch trên sông Hàn là 100.000 đồng/ghế. Theo thống nhất với các chủ tàu, Sở Du lịch đề xuất giá vé xem pháo hoa trên các tàu du lịch là 700.000 đồng/ghế đối tàu chỉ có 1 tầng. Nếu tàu nào có 2 tầng thì giá vé ở tầng dưới vẫn là 700.000 đồng/ghế, còn giá vé tầng trên là 900.000 đồng/ghế (giá vé này không bao gồm việc phục vụ ăn uống trên tàu vì các tàu không có chức năng đó).

“Bình thường mỗi tối, mỗi tàu chạy 4 chuyến là 400.000 đồng/ghế, nhưng trong các đêm pháo hoa thì có chỉ 1 chuyến đưa khách ra vị trí neo đậu cho đến khi kết thúc, nên phải tính giá cơ sở là 400.000 đồng/ghế để bù vào. Theo quy định, trong dịp pháo hoa, giá dịch vụ được tăng tối đa 50%, tức giá vé được tăng thêm 200.000 đồng, thành 600.000 đồng/ghế. Ngoài ra, khi neo đậu cho khách xem pháo hoa thì vẫn phải nổ máy để giữ tàu khỏi bị trôi, tính hao phí xăng dầu thêm 100.000 đồng. Do đó giá vé đề xuất là 700.000 đồng/ghế. Với tàu có 2 tầng thì giá vé ở tầng trên là 900.000 đồng vì ngồi tầng trên có không gian xem pháo hoa tốt hơn, và nhất là tránh được tình trạng khách giành chỗ, đổ xô lên tầng trên!” – ông Trần Chí Cường nói.

Theo ông Trần Chí Cường, hiện văn bản đề xuất này đã được Sở Du lịch và Sở GTVT Đà Nẵng trình lên lãnh đạo UBND TP xem xét, chỉ đạo. Sau khi có quyết định chính thức của UBND TP Đà Nẵng thì các ngành hữu quan sẽ căn cứ theo đó để triển khai.

Tác giả: HẢI CHÂU

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok