Xe

Xế nổ sport touring Yamaha GTS1000 "hàng độc" tại Sài Gòn

Ra mắt lần đầu vào năm 1993, mẫu sport touring Yamaha GTS 1000 hiện không chỉ là "hàng độc" tại Việt Nam mà còn cả trên Thế giới.

Vào năm 1993, mẫu xe môtô Yamaha GTS1000 đã được giới thiệu lần đầu tiên tại nhiều thị trường trên Thế giới. Về mặt doanh số, GTS1000 được coi là một "thất bại" của Yamaha. Tuy nhiên khi xét về sự sáng tạo, GTS1000 lại là một mẫu xe mang tính "cách mạng" khi đã loại bỏ hoàn toàn hệ thống giảm xóc và dẫn lái trước dạng ống lồng truyền thống trên môtô thông thường.

Thay vào đó, chiếc xe sử dụng hệ thống lái trực tiếp với gắp đơn phía trước. Cách GTS1000 vài năm, hãng Bimota của Ý cũng đã tạo ra chiếc Tesi với ý tưởng loại bỏ hệ giảm xóc trước ống lồng, tuy nhiên chiếc xe này sử dụng gắp đôi và hệ thống lái gián tiếp phía trước. Ngoài ra, Tesi cũng không được sản xuất hàng loạt với số lượng lớn như GTS1000.

Được thiết kế bởi một kỹ sư người Mỹ với tên James Parker, hệ thống này có bánh xe được kết nối trực tiếp với tay lái thông qua các tay đòn, thay vì phải truyền qua hàng loạt các khớp. Hệ thống này cũng giúp loại bỏ tình trạng cong đàn hồi của phuộc trước dạng ống lồng truyền thống, đặc biệt khi phanh gấp. Với hệ thống của Parker, GTS1000 có được độ ổn định hơn hẳn so với bất kỳ chiếc xe với phuộc ống lồng truyền thống nào.

Đặc biệt khi phanh gấp, chiếc xe cũng hoàn toàn không bị "chúi đầu" về phía trước. Tuy nhiên, hệ thống này cũng có nhược điểm là tay lái nặng ở tốc độ thấp do Yamaha đã sửa đổi lại thiết kế nguyên gốc của Parker để hạ giá thành sản xuất. Ngay cả khi đó, chiếc xe vẫn có giá lên tới 13.000 USD vào năm 1993 - đắt hơn vài ngàn USD so với các đối thủ.

Do không có bộ phuộc trước thông thường nên khung của GTS1000 cũng không cần tới cổ phốt chịu lực từ giảm xóc, khiến nó có kết cấu hình chữ C thấp, đơn giản. Kết hợp với gắp trước và sau, kết cấu chassis của GTS 1000 tạo thành hình ký hiệu Ω, dẫn tới việc hệ thống này được Yamaha đặt tên là Omega Chassis Concept.

Không chỉ có hệ thống lái mang tính "cách mạng", GTS1000 còn sở hữu nhiều hệ thống đi trước thời đại cả chục năm như bộ lọc khí thải, hệ thống phun nhiên liệu điện tử và phanh ABS. Tuy nhiên với vai trò là một chiếc sport touring, GTS1000 lại có những nhược điểm như bình xăng dung tích chỉ 20 lít, hộp chứa đồ nhỏ và kính chắn gió cản gió kém.

Động cơ của GTS1000 có dạng 4 xi-lanh thẳng hàng DOHC 1000 cc, được lấy từ chiếc sportbike hàng đầu của Yamaha lúc đó là FZR1000. Để khiến động cơ xe phù hợp hơn với mục đích "đi tour" ở tốc độ cao, Yamaha đã thay đổi nắp xi-lanh, cam, giảm tỉ số nén, khiến chiếc xe chỉ có công suất 100 mã lực thay vì khoảng 140 mã lực như FZR1000.

Nếu xét trong thời điểm hiện tại, thiết kế của Yamaha GTS1000 khá giản dị và "lạc hậu" nhưng khi ra mắt, kiểu dáng của nó đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Cộng với hệ thống lái phía trước khác thường và mức giá đắt, chiếc xe là một "thất bại" của Yamaha về doanh số khi hãng đã ngừng bán tại Mỹ chỉ sau 1 năm. Ở các thị trường khác như châu Âu hay Nhật, GTS1000 cũng chịu cảnh "hứng bụi" trong các showroom và bãi xe tới năm 1999.

Ngày nay, những chiếc GTS1000 vẫn được nhiều người chơi xe hâm mộ và săn lùng bởi hệ thống lái ưu việt của nó. Do đã sản xuất từ rất lâu, hiện nay rất khó có thể tìm thấy một chiếc GTS1000 tại Việt Nam, đặc biệt khi nó vẫn trong tình trạng nguyên bản và hoạt động tốt như chiếc xe tại Sài Gòn trong bài viết này.

Tác giả bài viết: Nguyễn Huy

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok