Cụ thể, trong số hơn 653 chiếc xe nguyên chiếc các loại nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam, lượng xe tải chiếm 123 chiếc, xe chuyên dụng là hơn 394 chiếc, xe khách trên 9 chỗ ngồi hơn 10 chiếc, còn lại hơn 126 chiếc là xe con dưới 9 chỗ ngồi được nhập vào Việt Nam.
Trong khi đó, trong tháng 5/2019, lượng xe nhập từ Trung Quốc là 655 chiếc, trong đó chỉ có hơn 20 chiếc là xe con dưới 9 chỗ ngồi; trong tháng 4 và tháng 3/2019, không có chiếc xe con nào từ Trung Quốc được nhập khẩu vào Việt Nam. Từ đầu năm 2019, xe con Trung Quốc cũng không ghi nhận lượng nhập khẩu về Việt Nam.
Như vậy, tháng 6/2019 là tháng có lượng xe con nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều nhất về nước ta, bất chấp sự cạnh tranh trên thị trường xe Việt đang rất khốc liệt về cả thương hiệu, lẫn giá cả.
Thực tế, các dòng xe nhập từ Trung Quốc có mức giá cực rẻ, các dòng xe sedan 4 - 5 chỗ ngồi của Baic nhập từ nước này nhập vào Việt Nam chỉ có giá tính phí trước bạ từ 200 đến 300 triệu đồng (theo Quyết định số 618/QĐ-BTC của Bộ Tài chính ban hành tháng 4/2019).
Các dòng xe thương hiệu của Zoyte, Cherry của Trung Quốc cũng chỉ có giá từ 200 đến dưới 300 triệu đồng. Các mẫu mới của Zoyte, Baic hay Cherry hiện vẫn chưa được cập nhật giá để tính phí trước bạ.
Nếu so về mức giá, hầu hết các dòng xe Trung Quốc có giá rất cạnh tranh, thậm chí "ăn đứt" các đối thủ trên mọi phân khúc.
Tuy nhiên, không nhiều người người tiêu dùng Việt thích xe Trung Quốc bởi mặc định "của rẻ là của ôi" hoặc "xe Trung Quốc là hàng nhái, chất lượng kém"... Điều này khiến doanh số và tiêu thụ của các mẫu xe Trung Quốc chưa thực sự thuyết phục tại Việt Nam cho dù lượng nhập khẩu về nhiều.
Theo nhiều chuyên gia xe hơi, hiện nay, các hãng xe Trung Quốc rất quan tâm đến thị trường xe tại Việt Nam, tuy nhiên, cách họ xâm nhập vào thị trường vẫn chưa tốt. Hầu hết các hãng thay vì đặt đại lý độc quyền nhập khẩu họ lại nhượng quyền thương hiệu qua một đối tác thương mại. Chính vì vậy, hầu hết các mẫu xe Trung Quốc đều bán chung ở một showroom, đại lý và cũng được sửa chữa, bảo dưỡng chung tại đại lý đó.
"Ô tô là hàng hóa có tính độc quyền về công nghệ, điện tử hóa cao, chính vì vậy, các hãng đều giữ bí quyết riêng để thực hiện bảo hành, bảo dưỡng cho thương hiệu của mình. Vì vậy, để thuyết phục người tiêu dùng Việt, các hãng xe Trung Quốc bắt buộc phải đặt cơ sở bảo hành, bảo dưỡng độc quyền của hãng xe tại Việt Nam, đây là điều kiện cần để lấy niềm tin người tiêu dùng", một chuyên gia kỹ thuật xe hơi cho biết.
Tác giả: An Linh
Nguồn tin: Báo Dân trí