Thể thao

Xây dựng đội tuyển Việt Nam dựa trên tiêu chí nào?

Tính từ sau thời HLV Calisto năm 2010, trong vòng hơn 5 năm, đội tuyển Việt Nam đã có 6 đời HLV khác nhau. Thành ra, giờ thay HLV Nguyễn Hữu Thắng thì cũng chưa chắc giải quyết được điều gì. Nhưng ngược lại, nếu giữ HLV Hữu Thắng, người ta cũng chưa rõ giữ lại để làm gì?

5 năm - 6 đời HLV

6 đời HLV trong hơn 5 năm qua của đội tuyển Việt Nam gồm các ông Falko Goetz (người Đức – 2011), Phan Thanh Hùng (2012), Hoàng Văn Phúc và Nguyễn Văn Sỹ (2013), Miura (2014 -2015) và Nguyễn Hữu Thắng (2016).

Không đội bóng nào tại Đông Nam Á thiếu kiên nhẫn với các HLV như đội tuyển Việt Nam, cũng hiếm có nền bóng đá nào trên thế giới có mật độ thay HLV đội tuyển quốc gia dày như chúng ta.

Rồi sở dĩ sau khi đội tuyển Việt Nam thất bại tại AFF Cup 2016, người ta băn khoăn chuyện thay HLV Nguyễn Hữu Thắng thì được gì? Và giữ lại vị HLV này để làm gì? – Chủ yếu xuất phát từ chỗ khi thay và khi giữ các HLV, cấp trên của các đội tuyển cũng chưa rõ là họ giữ người hay thay người, đồng thời chủ trương thật sự để phát triển đội tuyển theo tiêu chí nào?

Khi thay HLV Miura, người ta chỉ nói chung chung là HLV Miura “không phù hợp”. Khi giữ lại HLV Nguyễn Hữu Thắng giữa làn sóng chỉ trích của dư luận trong nước vì thất bại tại AFF Cup 2016, vẫn là lý thuyết rất chung chung, đầy mơ hồ về những gì đội tuyển làm được: “Tính đoàn kết”, “tinh thần máu lửa”...

Đội tuyển Việt Nam chưa tạo được sự an tâm về mặt chuyên môn (ảnh: Gia Hưng)

Người ta đánh giá HLV Miura “không phù hợp”, rồi sa thải ông này ngay cả khi đưa ra các thông số, vị HLV người Nhật đều vượt qua những thông số mang tính mục tiêu của VFF ở thời điểm đấy: HCĐ AFF Cup 2014, HCĐ SEA Games 2015. Thậm chí HLV Miura bị đánh giá là không phù hợp cho dù ông có một số thành tích nằm ngoài mong đợi của làng cầu Việt Nam: Vào vòng knock-out Asiad 2014, vào VCK U23 châu Á.

HLV Nguyễn Hữu Thắng chưa bị sa thải sau AFF Cup 2016 nhờ được đánh giá là “truyền được chất lửa cho cầu thủ”, cho dù chất lửa ấy biến chúng ta thành một trong những đội bóng có phong cách kém nhất khu vực. Rồi cũng chính “chất lửa” ấy khiến chúng ta trở nên... bạo lực, xấu chơi, và mất người, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuyên môn, trước khi bị loại và không hoàn thành mục tiêu.

Không có bất cứ đánh giá khoa học nào xung quanh việc sa thải và giữ các HLV trong những năm vừa qua, khiến người hâm mộ càng ngày càng rối với các tiêu chí đối với đội tuyển, rằng chúng ta khi sa thải HLV vì lý do gì, khi cố giữ lại họ, thì giữ lại... để làm gì?

Phù hợp là phù hợp theo tiêu chí nào?

Chúng ta bảo rằng đội tuyển Việt Nam cần một lối chơi phù hợp, nhưng cũng chưa đánh giá đầy đủ ở chỗ với đẳng cấp mình hiện nay, phù hợp là phù hợp như thế nào?


Người xem thắc mắc không lẽ bạo lực cũng được đánh giá là một phần... "chất lửa" của đội tuyển Việt Nam (ảnh: Gia Hưng)

Rằng đội tuyển Việt Nam có mạnh đến mức gặp bất cứ đối thủ nào, bất kể đẳng cấp ra sao cũng phải nhất nhất đá theo đúng một kiểu hay không? Hay nhiều trận, thậm chí phần lớn số trận thay vì phải đá nhỏ, đá tấn công, chúng ta buộc phải chuyển sang chơi phòng ngự phản công, phải đá dài như HLV Miura từng xây dựng và thành công ở các sân chơi lớn?

Chúng ta khen tinh thần thi đấu, khen chất lửa ở đội tuyển, nhưng chưa nói rõ rằng chẳng có đội bóng nào trên thế giới chỉ đá bóng bằng tinh thần. Cũng không nói rõ nếu chúng ta có tinh thần, có yếu tố màu cờ sắc áo, không lẽ đối thủ của chúng ta không có những yếu tố đấy? Chưa kể, thỉnh thoảng chính yếu tố tinh thần của đội tuyển Việt Nam còn cho tác dụng ngược, bởi không phải lúc nào tinh thần cũng phát huy phát huy, hoặc phát huy đúng lúc, đúng chỗ.

Vì tinh thần là yếu tố mơ hồ, lúc xuất hiện lúc không, nên cả thế giới khi chuẩn bị cho các đội bóng của mình, họ tập trung chuẩn bị về chuyên môn, hơn là mong mỏi điều thần kỳ từ tinh thần.

Một đội tuyển nếu chỉ phát triển dựa trên yếu tố đấy, mà không quan tâm đến vấn đề chuyên môn, lối chơi, khả năng đánh giá đối thủ, khâu chuẩn bị thể lực, tài đọc trân đấu, khả năng điều chỉnh nhân sự... có lẽ đội tuyển đấy cũng không cần đến HLV trưởng, mà chỉ đơn giản chỉ cần tuyển... bác sĩ tâm lý là đủ.

Cái khổ của đội tuyển nằm ở điểm ấy. Thay vì cứ đặt chỉ tiêu rồi căn cứ vào chỉ tiêu để đánh giá năng lực chuyên môn, thay vì cần đánh giá chất lượng của đội tuyển, chất lượng của các HLV thông qua các tiêu chí khoa học, thông qua những thông số, người ta toàn đánh giá theo những khái niệm hết sức trừu tượng!

Tác giả bài viết: Trọng Vũ

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok