Xã hội

Vườn cà phê đang ra hoa bị chặt đứt lìa thân

Không chỉ vườn ớt, vườn quất của người nông dân Thanh Hóa bị phá hoại, mới đây, ở Đắk Lắk cũng liên tiếp xảy ra các vụ phá cây trồng.

Thời gian gần đây, ở Đắk Lắk liên tiếp xảy ra các vụ phá hoại cây trồng của người dân. Các vụ việc đều được trình báo với cơ quan công an, nhưng hầu như rất hiếm khi kẻ thủ ác bị xử lý trước pháp luật, còn thiệt hại thì người dân phải gánh chịu.

Cụ thể, vào chiều mồng 2 tết (tức 17/2), ông Võ Đình Hồng, ở thôn 7, xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột nhận được điện thoại từ người dân thông báo, vườn cà phê của gia đình ở khu vực cuối thôn bị kẻ gian phá hoại.

Chạy vào kiểm tra, ông bàng hoàng phát hiện toàn bộ 300 cây cà phê tái canh gần 3 năm đang ra hoa bói đã bị chặt đứt lìa thân, lá và hoa rụng tơi tả.

Ông Hồng cho biết, để đầu tư chăm sóc diện tích cà phê này gia đình phải vay 30 triệu đồng từ ngân hàng, giờ cà phê bị chặt chết hết không biết sau này lấy gì trả nợ. Sau khi phát hiện vụ việc, ông đã trình báo với công an địa phương, mong tìm ra kẻ thủ ác.

Hiện trường một vụ chặt 300 cây cà phê trong dịp Tết Mậu Tuất ở thành phố Buôn Ma Thuột. Ảnh: VOV

Tương tự như vậy, sau những ngày nghỉ tết, ông Đỗ Thế Xưởng, ở buôn Kré A, xã Ea K'nếch, huyện Krông Pắch, ra thăm vườn thì mới biết đã bị kẻ ác chặt phá tan hoang. Hơn 200 cây cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh bị chặt đứt lìa gốc, hơn 50 trụ hồ tiêu cũng bị cắt ngang thân, thiệt hại ước tính khoảng 150 triệu đồng.

Ông Đỗ Thế Xưởng cho biết, gia đình ông đã bị nhiều kẻ ác phá hoại cây trồng. Gia đình đã trình báo lên cơ quan chức năng địa phương nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra thủ phạm, còn thiệt hại về kinh tế thì gia đình đành gánh chịu.

Trong năm 2017, ở Đắk Lắk liên tục xảy ra các vụ phá hoại các loại cây trồng của người dân ở các huyện Cư M'gar, Krông Pắc, Cư Kuin, Buôn Đôn, thành phố Buôn Ma Thuột,... Thượng tá Nguyễn Văn Dân, phó trưởng công an huyện Krông Pắc cho biết nguyên nhân xảy ra các vụ phá hoại này chủ yếu là do mâu thuẫn trong cuộc sống hàng ngày, nảy sinh thù hằn cá nhân. Kẻ xấu thường chọn thời điểm đêm khuya ra tay một cách nhanh gọn.

Không chỉ Đắk Lắk, cũng vào đầu tháng 2 vừa qua, bà Phạm Thị Thơm (55 tuổi, ngụ thôn 4, xã Yên Phong, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) ra thăm ruộng ớt thì phát hiện lá các cây ớt đều bị héo rũ, và đến ngày hôm sau thì cây và quả ớt bắt đầu khô dần rồi chết.

Ông Nguyễn Văn Thành (56 tuổi, chồng bà Thơm) nói: “Cây ớt là nguồn thu nhập chính của gia đình tôi cũng như đa phần các hộ dân trong xã. Nhà tôi đã trồng ớt hàng chục năm nay nhưng chưa bao giờ bị như thế này, ở làng, tôi cũng chưa từng có mâu thuẫn với ai".

Toàn bộ 4 sào ớt đến ngày thu hoạch đều bị hủy hoại. Ảnh: TNO

Theo ông Thành, vụ ớt năm 2017, ruộng ớt của gia đình ông cho thu hoạch gần 2 tấn quả, trừ chi phí cũng lời được khoảng 80 triệu đồng. Năm nay, tuy giá ớt có thấp hơn, nhưng tính cả tiền đầu tư, công sức và số lượng ớt bị thiệt hại thì gia đình ông đã mất trắng gần 100 triệu đồng.

Gia đình ông Thành đã làm đơn báo cáo Hợp tác xã Yên Phong (gia đình ông Thành là xã viên của hợp tác xã). Nhưng theo ông Thành, Hợp tác xã sau khi nhận được đơn không báo cáo công an xã vào cuộc điều tra. Mãi đến ngày 27/2, khi ông Thành lên hỏi thì công an xã mới biết sự việc và vào cuộc xác minh.

Cũng tại Thanh Hóa, vào trưa ngày 8/1, anh Lê Huy Việt (thôn 7, xã Hợp Tiến, huyện Triệu Sơn) ra thăm vườn quất của gia đình cũng phát hiện 300 cây quất bị chết khô một cách bất thường.

Khi ngửi vào cây quất chết héo, anh Việt phát hiện có mùi thuốc trừ cỏ. Số cây quất cảnh nêu trên được gia đình anh trồng, chăm sóc đã hơn hai năm, để bán cho người dân trưng cây cảnh vào dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Toàn bộ vườn quất của gia đình anh đã được thương lái đặt mua với giá 280.000 đồng/cây, nay bị chết rụi, thiệt hại 84 triệu đồng.

Còn vườn quất của gia đình anh Vũ Đức Huế có 110 cây cũng bị chết khô, héo lá, quả rụng đầy gốc. Số quất này cũng đã được thương lái đặt mua với giá 350.000 đồng/cây, ước tính thiệt hại từ vườn quất của gia đình anh Huế khoảng 39 triệu đồng.

Chưa hết, trước đó, vào sáng ngày 23/5/2017, ông Phan Thanh Hải (thôn Hòa Sơn, xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) cho biết, khi thăm vườn cao su, ông phát hiện rất nhiều cây cao su (đã trồng 5 năm) bị gãy ngang thân. Kiểm tra, ông Hải phát hiện những cây cao su này đếu có vết dao sắc chặt sâu vào thân cây.

Hiện trường vườn cao su bị phá tan hoàng của ông Phan Thanh Hải. Ảnh: TNO

Ông Hải phát hiện có tới 327 cây (trong vườn cao su gần 2 ha với 1.100 cây) bị chặt từ 2 - 3 vết đối xứng nhau. Những cây cao su bị chặt sẽ dần ngã đổ khi có gió hoặc mưa lớn.

Ông Hải cho biết vườn cao su này đã vào thời điểm thu hoạch lấy mủ. Tính chi phí từ khi trồng đến thời điểm này, ông Hải đã đầu tư hết gần 1 triệu đồng/gốc cao su.

Hai năm gần đây, giá mủ cao su tăng trở lại, cây cao su đem lại thu nhập khá cho người nông dân Sông Hinh. Vụ việc xảy ra tại vườn cao su nhà ông Hải khiến người trồng cao su tại địa phương hoang mang, lo lắng.

Tác giả: Thanh Giang

Nguồn tin: Báo Đất việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok