Thị trấn Mường Lát tỉnh Thanh Hóa đang khởi sắc. |
Từ gian khó đi lên
Mường Lát là vùng đất được mệnh danh là nhiều cái “nhất” của tỉnh Thanh Hóa như: Lạc hậu nhất, xa nhất và có 110 km đường biên giới Việt - Lào, dài nhất tỉnh Thanh Hóa. Với nhiều cái “nhất” như vậy, Mường Lát được xếp vào huyện nghèo nhất cả nước. Toàn huyện có 8.093 hộ với 37.852 khẩu, gồm 6 dân tộc cùng sinh sống là Thái, Mông, Mường, Dao, Khơ mú và Kinh. Năm 2017, số hộ nghèo của huyện là 4.790 hộ, chiếm tỷ lệ 57,91%; hộ cận nghèo 867, chiếm tỷ lệ 10,48 %.
Bí thư huyện ủy Nguyễn Duy Thông cho biết: Những năm trước 1996, mảnh đất biên cương tận cùng xứ Thanh bị bao trùm bởi đói nghèo, ma túy, những hủ tục lạc hậu và phải oằn mình đi qua cái đói giáp hạt. Những ngọn đồi tràn ngập cây anh túc, không có chỗ cho cây lúa, cây ngô sinh sôi phát triển. Thêm những cái "không" về cơ sở hạ tầng càng làm cho Mường Lát cứ mãi loay hoay trên con đường thoát đói, giảm nghèo. Hơn 20 năm kể từ khi được chia tách và thành lập từ huyện Quan Hóa (cũ), Mường Lát vẫn còn đó bộn bề những khó khăn, gian khổ nhưng cũng đã có những sự khởi sắc nhất định. Những năm qua, nhờ các chính sách “đòn bẩy” của Nhà nước, Mường Lát đã nỗ lực vươn lên thoát đói, giảm nghèo. Hạ tầng cơ sở từng bước được đầu tư đồng bộ, các mô hình kinh tế mới được triển khai. Trong năm, giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) ước đạt 748.523,9 triệu đồng. Tỷ lệ con em trong độ tuổi đến lớp ngày càng tăng. An ninh chính trị và TTAT xã hội được đảm bảo. Về công tác đối ngoại, quan hệ, hợp tác, hữu nghị với chính quyền và nhân dân hai huyện Sốp Bâu, Viêng Xay nước cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tiếp tục được củng cố và tăng cường, tạo được sự ổn định trên tuyến biên giới.
Những hy vọng phát triển mới
Đến thăm xã biên giới Quang Chiểu, một xã cách trung tâm huyện mường lát 25km, đây là nơi sinh sống của 1.189 hộ với 5.609 nhân khẩu đồng bào dân tộc Thái, Mông, Dao, Kinh. Chúng tôi được ngắm nhìn thỏa mắt dòng suối Nặm Xim chảy hiền hòa nước trong vắt, những thửa ruộng bậc thang trập trùng và những bản làng vùng cao. Những ngôi nhà sàn kiên cố còn thơm mùi gỗ được điểm tô bởi những cây đào phai nở muộn. Không khí xuân vẫn tràn ngập đâu đây, chứng minh cho một cuộc sống mới đã có nhiều khởi sắc của bà con các dân tộc nơi đây.
Nằm đối diện với cửa khẩu Tén Tằn là 3 bản biên giới nước bạn Lào, gồm Xổm Vẳng, Phon Xay và Na On có tổng số 117 hộ với gần một nghìn khẩu. Nhờ bộ đội biên phòng Việt Nam tạo điều kiện thông thương qua cửa khẩu mà đời sống của 3 bản này đã được cải thiện rất nhiều. Cạnh đó bản Na Hin (xã Mường Chanh) ngày 24/5/2014 đã làm lễ kết nghĩa với bản Bó (cụm Mường Cáng, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn - Lào), hai bản coi nhau như làng trên, xóm dưới, nên tình hình an ninh biên giới rất ổn định. Người dân yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế.
Để Mường Lát ngày càng phát triển vững mạnh, lãnh đạo huyện cho biết: Năm 2018, huyện sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chính sách khuyến khích phát triển KT - XH. Thực hiện lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ của trung ương, của tỉnh với các nguồn huy động của nhân dân để xây dựng nông thôn mới. Tập trung giải quyết việc làm cho người lao động. Tiếp tục củng cố nền quốc phòng toàn dân gắn liền với thế trận biên phòng và an ninh nhân dân, an ninh nông thôn ngày càng vững mạnh.
Mường Lát vẫn còn đó những khó khăn, vẫn còn đó những lạc hậu, nhưng Mường Lát cũng đang chuyển mình cùng đất nước với niềm tin và hy vọng. Tuy nhiên, để biến hy vọng, biến niềm tin thành động lực mới thì “chính quyền địa phương cần xác định hướng phát triển cho phù hợp với điều kiện thực tế, khai thác, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, xây dựng Mường Lát ngày càng giàu đẹp, đáp ứng tiêu chuẩn vùng nông thôn mới” - như lời Phát biểu kết luận buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và huyện Mường Lát của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một lần về thăm Mường Lát.
Tác giả: Đào Nguyên
Nguồn tin: Báo Doanh nghiệp Việt Nam