"Trước gia đình tôi nghèo lắm, toàn bị thiếu đói"
Ngồi trong căn nhà 2 tầng có diện tích 120 mét vuông, nhìn chẳng khác biệt thự với đầy đủ tiện nghi, ông Sồng A Mang ở bản Cáo A, xã Làng Chếu (Bắc Yên, Sơn La) khoe: “Nhà này tôi xây từ năm 2018, chứ trước kia gia đình tôi nghèo lắm, toàn bị thiếu đói”.
Ông kể, bao đời nay, người dân trong bản Cáo A nơi ông ở cuộc sống vốn khó khăn. Từ thời ông, bà, cha mẹ cho đến đời ông đều gắn liền với núi cao, mây mù, người dân chỉ biết phát nương làm rẫy, trọc lỗ trồng bắp, lúa rồi trông cả vào trời đất. Mỗi khi mưa thuận gió hòa thì ngô, lúa thu về đủ ăn, còn không thì thiếu đói.
Sơn tra hiện là cây trồng phổ biến ở Bắc Yên, giúp người dân nơi đây thoát nghèo
|
Vợ chồng ông đông con lại chỉ trông vào nương rẫy với hai cây trồng chính là ngô, lúa. Thế nên cái nghèo đeo bám gia đình ông mấy chục năm nay. Năm nào đến mùa giáp hạt cũng thiếu đói, ăn ngô trừ bữa.
“Có những năm thiếu đói suốt 2 tháng ròng, vợ chồng tôi và 5 đứa con chẳng biết ăn gì để sống cho qua ngày”. Ông chia sẻ, dù bươn chải khắp nơi làm thuê cuốc mướn, song vẫn không thể thoát cảnh nghèo đói.
Năm 2000, cán bộ khuyến nông huyện lên bản vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hướng dẫn cách ươm giống và trồng táo sơn tra (hay còn gọi là cây táo mèo). Khi ấy, ông cũng đắn đo nhưng rồi quyết định đánh liều một phen. Bao năm trồng ngô, trồng lúa mà gia đình ông đâu có đủ ăn, trồng cây sơn tra này biết đâu lại thoát nghèo.
Quyết vậy, năm 2002, ông chuyển một phần nương rẫy vốn trước nay trồng ngô lúa sang trồng sơn tra. Năm 2004, ông mở rộng diện tích lên 2ha.
“Loại cây này trồng khoảng 4 năm là được thu hoạch. Lứa quả đầu tiên không nhiều do cây còn bé, nhưng tôi nhớ hồi đó cũng thu được 20-30 triệu gì đó”. Ông nói và cho biết, với người dân ở các vùng khác, số tiền này chẳng ăn nhằm gì, song sống trong cảnh đói nghèo bao năm qua, thu được mấy chục triệu đồng với gia đình ông là con số cực lớn. Cũng nhờ số tiền này mà cuộc sống gia đình ông bớt phần khó khăn.
Nhờ trồng sơn tra mà gia đình ông Mang cũng đổi đời
|
Năm 2007, ông Mang tiếp tục trồng thêm 2ha sơn tra, bởi ông thấy loại quả này được thị trường ưa chuộng, nhất là tại các thành phố lớn. Ông cũng tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc, cắt tỉa cành thường xuyên để sơn tra cho trái sai hơn.
“Khi ấy giàu thì chưa có giàu đâu, nhưng năm 2008 tôi đã thu được hơn 100 triệu từ cây sơn tra, giúp gia đình tôi thoát cảnh đói nghèo rồi”, ông khoe.
Ở nhà lầu to nhất bản, thu tiền tỷ mỗi năm
Theo ông Mang, trồng cây sơn tra tương đối nhàn, những năm đầu còn vất vả chăm sóc để cây mau lớn, về sau công sức chăm sóc bỏ ra ít hơn, đặc biệt, cây càng lâu năm quả cho thu hoạch càng nhiều.
“Có những năm được mùa lại trúng giá, tôi thu lãi hàng trăm triệu đồng”. Ông khoe, năm 2010 ông đem 350 triệu đồng mua luôn một chiếc ô tải làm phương tiện đi thu mua táo mèo của bà con trong bản rồi xuất bán cho các thương lái ở các tỉnh khác.
Thời đó, có điều kiện, ông cũng đi nhiều nơi để học hỏi. Xuống huyện Mộc Châu (Sơn La), thấy bà con trồng dong riềng cho năng suất cao, ông lại đánh liều cải tạo vườn táo nhà mình, trồng cây dong riềng dưới tán cây táo.
Mỗi năm ông Mang thu khoảng 700-800 triệu đồng từ cây sơn tra và dong riềng
|
May mắn, cây dong riềng phát triển tốt, hợp thổ nhưỡng, cho năng suất cao, lại không ảnh hưởng đến năng suất cây táo mèo. Do đó, ngoài thu nhập khoảng 200 triệu đồng từ táo sau khi trừ hết chi phí, với diện tích 3ha trồng dong riềng dưới tán cây táo, ông thu thêm được 200-300 triệu đồng/năm từ dong riềng.
Chỉ vào nhà xưởng chế biến tinh bột dong riềng, ông Mang cho hay, ông đầu tư máy móc để làm tinh bột củ dong tươi bán ra thị trường nên lợi nhuận tăng lên. Trước đây ông bán củ dong tươi chỉ được 2.500 đồng/kg, từ khi chế biến củ dong lấy bột bán giá lên tới 25.000 đồng/kg, thị trường lại cực kỳ ưa chuộng. Lợi nhuận tính ra cao gấp 5 lần so với bán củ dong tươi.
Ông Mang nói thêm, ngoài táo, dong riềng của gia đình, mấy năm nay ông còn tích cực mua 2 loại nông sản này của bà con trong vùng để đi bán và đem chế biến lấy sản phẩm tinh cung ứng ra thị trường. Như năm ngoái, mùa táo mèo ông thu 30 tấn quả ở vườn nhà, thu bán thêm khoảng 400-500 tấn quả của bà con trong bản. Tương tự, dong riềng ông thu mua khoảng 2.000 tấn củ về chế biến.
Trồng cây táo đã nhàn, cây dong riềng còn nhàn hơn. Tầm tháng 8 này bắt đầu thu hái táo mèo cho đến tháng 11 thì hết mùa. Dong riềng thì thu từ tháng 11 đến tháng 1 sang năm.
Nhờ chuyển đổi cây trồng, ông Mang xây được căn nhà 2 tầng to nhất bản
|
Vào vụ thu hoạch, ông Mang thường thuê khoảng 10 người hái táo và nhổ dong lấy củ với giá 200.000 đồng/người/ngày. Xưởng chế biến thuê 10 người làm việc với lương 9 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm làm khoảng 4 tháng liền.
Thường một năm chỉ vất vả khoảng 6 tháng mùa thu hoạch, 6 tháng còn lại ở nhà chơi chứ ít khi phải lên rẫy, nhưng vài năm gần đây, sau khi trừ hết chi phí ông thu nửa tỷ đồng/năm là chuyện bình thường. Như năm ngoái, ông lãi 700-800 triệu đồng.
Không còn đói nghèo, là hộ dân giàu có nhất vùng, xây được nhà tiền tỷ, song ông Mang vẫn khiêm tốn chỉ nhận mình ở mức đủ ăn, tiền dư ra thì gửi ngân hàng tiết kiệm hoặc cho người nông dân trong bản vay vốn mở rộng sản xuất.
Nhiều hộ gia đình ở bản Cáo A đã đến học tập kinh nghiệm từ mô hình của ông Mang, vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống ổn định hơn.
Tác giả: Bảo Phương
Nguồn tin: Báo VietNamNet