Trước nhiều ý kiến trái chiều của phụ huynh, chuyên gia bàn thảo về việc có nên cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1? PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non - Bộ GD&ĐT về vấn đề này.
|
Thưa ông, không ít người cho rằng cho trẻ học trước chẳng khác nào cho bé uống “thuốc độc”, làm mất quãng tuổi thơ 6 năm hồn nhiên, ảnh hưởng xấu đến trí tưởng tượng sáng tạo của trẻ. Một số khác lại khẳng định, đi học sớm chẳng ảnh hưởng gì, thậm chí nhiều nhân vật thành công/thiên tài đều biết chữ sớm hơn các bạn. Hơn nữa, chương trình học nặng, nếu không cho đi học trước trẻ sẽ không theo kịp bạn bè. Ông nghĩ sao?
Sự phát triển tâm lý của trẻ em là một giai đoạn trong sự phát triển của con người. Trong mỗi một giai đoạn của đời người có những hình thức tổ chức cuộc sống, cách thức hoạt động và phát triển đặc trưng cho giai đoạn đó, bởi vậy mỗi giai đoạn cần có một phương pháp GD riêng. Có thể ví trẻ em như như hạt giống đem gieo.
Hạt giống ấy, khi nảy mầm nó sống khác, khi thành cây, ra hoa, kết trái…nó lại theo một đời sống khác. Điều đó có nghĩa cần tổ chức hệ thống GD phù hợp với từng lứa tuổi.
Nếu GD theo kiểu thực dụng, ăn xổi có thể sẽ có hiệu quả tức thời, nhưng về lâu dài không thể bền vững. Việc cho trẻ học trước chương trình lớp 1 là hành động kéo “nhấc” cây, tưởng nó chóng lớn nhưng không khéo bị đứt rễ, cây sẽ không phát triển được.
Các công trình nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lý lứa tuổi trẻ em và giáo dục cho thấy, trẻ cần được vui chơi, phát triển tâm sinh lý phù hợp với quy luật tự nhiên theo đúng độ tuổi.
Đối với trẻ mẫu giáo, vui chơi là hoạt động chủ đạo. Vui chơi sẽ tạo ra sự biến đổi về chất trong đời sống tâm lý của trẻ. 0-6 là lứa tuổi vàng cho sự phát triển của trẻ về thể chất, thế giới biểu tượng, cảm xúc, tình cảm xã hội…. Bởi vậy cần tạo môi trường thân thiện cho trẻ vui chơi, hoạt động, khám phá qua đó phát triển nhận thức, ngôn ngữ phát triển nền móng nhân cách theo đúng quy luật phát triển của trẻ…
Xuất phát do nhận thức của một số phụ huynh quá lo lắng (lo con sẽ vất vả khi vào lớp 1 không theo kịp bạn bè, không thực hiện tốt nhiệm vụ học tập…, một phần do việc tuyển vào lớp 1, do việc tổ chức dạy học ở lớp 1 có lúc, có nơi chưa phù hợp cũng tạo lo lắng cho cha mẹ trẻ) hoặc quá kỳ vọng cho việc học của con em mình khi bước vào tiểu học nên đã tìm mọi cách cho con học trước chương trình lớp 1, mà chưa nhận thức được tác hại của việc dạy trẻ mầm non học trước chương trình lớp 1.
Mặc dù quy định của ngành giáo dục không yêu cầu học chữ trước nhưng nhiều ý kiến phụ huynh, thậm chí giáo viên cho rằng, nên cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1 để các em đỡ bỡ ngỡ khi đi học, ý kiến ông thế nào?
Dạy học trước chương trình lớp một là phản khoa học, điều này thể hiện rõ ở một số ý sau:
- Trẻ bị đánh mất tuổi thơ. Trẻ vốn cần vô tư, vô lo, thoải mái vui chơi và sống trong tình yêu thương của ba mẹ.
- Trẻ mất cơ hội vui chơi, rèn luyện cơ thể cũng như các kỹ năng cần thiết khác
- Nếu ép trẻ luyện viết quá sớm khi các bộ phận chức năng của cơ thể chưa hoàn thiện (cơ quan thần kinh phát triển chưa toàn diện, cơ xương tay còn yếu, khả năng chịu đựng của thị giác khi phải tập trung nhìn không bền, thời gian tập trung vào thực hiện một nhiệm vụ cụ thể ngắn, chú ý không chủ định vẫn chiếm ưu thế...) sẽ làm trẻ căng thẳng, mệt mỏi, ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển tâm sinh lý (cơ, xương, thần kinh...) về sau của trẻ.
- Việc dạy tập tô, tập viết chữ ở lứa tuổi mẫu giáo, nhất là khi người dạy có phương pháp sư phạm không tốt, sẽ gây khó khăn trong việc tổ chức dạy học ở lớp một. Những ảnh hưởng do dạy không đúng sẽ khắc sâu đối với trẻ, rất khó sửa khi vào lớp một và sau này (như cách cầm bút sai, ngồi viết không đúng tư thế…).
- Cho trẻ mầm non học trước chương trình lớp 1, khi đi học nhiều bài trẻ đã biết gây thui chột hứng thú học tập của trẻ, giảm sự tự tin vì không được khen khi viết chữ khó nhưng đẹp, mất tính sáng tạo và tư duy của trẻ. Trẻ sẽ không cố gắng và nhiều khi làm xuất hiện tâm lý chủ quan, coi thường bạn.
Ông Nguyễn Bá Minh |
Sĩ số lớp học quá đông, cũng là một lực cản đối với giáo viên và họ không thể sát sao hết từng học sinh nhất là khi các em còn nhỏ và bắt đầu làm quen với cây bút. Trước thực trạng trên, Bộ GD&ĐT có giải pháp gì khắc phục tình trạng này?
Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo các trường tiểu học công bố các giải pháp đảm bảo chất lượng của nhà trường để cha mẹ học sinh yên tâm. Thực hiện nghiêm túc quy định của chương trình lớp 1, nhất là về nội dung dạy học và chuẩn kiến thức, kĩ năng; Ưu tiên lựa chọn, đồng thời động viên, khen thưởng giáo viên có kinh nghiệm, tận tụy, yêu thương trẻ dạy lớp 1.
Đặc biệt quan tâm giúp đỡ những học sinh gặp khó khăn trong học tập; nghiêm cấm việc yêu cầu học sinh làm các bài tập hoặc thực hiện các hoạt động vượt quá yêu cầu chuẩn kiến thức, kĩ năng.
Tăng cường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày để giáo viên có thời gian tổ chức cho học sinh hoàn thành các yêu cầu học tập hoặc tham gia các hoạt động giáo dục trong nhà trường tùy theo khả năng của nhà trường và địa phương.
Thực hiện đánh giá học sinh lớp 1 theo đúng yêu cầu của Thông tư 22; Đổi mới PPDH …, giúp học sinh cảm thấy tự tin và vui thích đối với các hoạt động học tập. Các trường tiểu học thực hiện nghiêm túc việc tuyển sinh đầu cấp theo quy định; tuyệt đối không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 1.
Ông có lời chia sẻ gì trước lo lắng của phụ huynh có con vào lớp 1?
Chương trình GDMN đảm bảo tính liên thông giữa các độ tuổi, nhà trẻ, mẫu giáo và cấp tiểu học, phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em, hài hòa giữa nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục.
Chương trình đề cao việc khuyến khích trẻ chủ động, sáng tạo tích cực hoạt động, chú trọng tổ chức hoạt động vui chơi, trải nghiệm, đảm bảo trẻ “học qua chơi, chơi mà học’’. Chương trình đáp ứng mục tiêu của giáo dục mầm non là giúp trẻ phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp 1.
Cha mẹ trẻ hoàn toàn có thể yên tâm, khi hoàn thành chương trình GDMN trẻ sẽ được chuẩn bị để thích ứng và học tập tốt ở lớp 1.
Vào lớp 1 là bước ngoặt quan trọng đối với trẻ mẫu giáo. Để thích ứng với việc học tập và những điều kiện mới tại trường phổ thông trẻ cần được chuẩn bị sẵn sàng về mọi phương diện: thể lực, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm - kĩ năng xã hội, thẩm mĩ và các kĩ năng thích ứng với việc học tập, chứ không phải là học trước chữ hay học trước chương trình của lớp 1.
Theo đó, ở tuổi này, trẻ cần được hướng dẫn để nhận biết những vật dụng quen thuộc ở xung quanh, hiểu thêm về các mối quan hệ ngoài gia đình, biết tự chăm sóc, lo cho mình một cách cơ bản nhất, biết tự bảo vệ, tránh xa những mối nguy không an toàn, biết yêu, biết ghét, biết biểu lộ cảm xúc; sử dụng ngôn ngữ thành thạo trong giao tiếp, biết sơ lược về con số, chữ cái…phân biệt được các lớp đối tượng, , một số quan hệ…
Thông qua các trò chơi, mô hình lắp ráp, các câu chuyện. Hãy dành cho trẻ thời gian và sự quan tâm thích đáng cho việc hình thành những ký năng sống, thói quen, xúc cảm, những yếu tố ban đầu của nhân cách mà lại cần cho suốt cuộc đời con người… và quan trọng là những yếu tố đó được hình thành tốt nhất ở lứa tuổi mầm non.
Trân trọng cám ơn ông!
Tác giả: Hồng Hạnh
Nguồn tin: Báo Dân trí