Giáo dục

Vụ Thủ khoa ở nhà nuôi lợn: “Đừng bám mãi vào cái mác… thủ khoa”

Bên cạnh sự thông cảm chia sẻ, nhiều ý kiến cho rằng, nhân vật chính trong câu chuyện thủ khoa đại học thất nghiệp ở nhà nuôi lợn nên tự nhìn lại bản thân mình và hãy thực tế hơn.

Câu chuyện thủ khoa Bùi Thị Hà (quê Hà Giang) không tìm được việc làm, hơn 1 năm nay ở nhà phụ mẹ nuôi lợn, trồng rau, bán hoa quả ngoài chợ... đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Rất nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra về trường hợp của nữ thủ khoa trên. Cũng có ý kiến cho rằng ngành giáo dục, chính quyền địa phương chưa tạo điều kiện cho người tài; một bộ phận chỉ trích lối giáo dục chỉ chú trọng vào lý thuyết của nhiều trường đại học… Tuy nhiên, cũng rất nhiều ý kiến cho rằng, “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” - nữ thủ khoa nên tự nhìn lại mình.

Là 1 trong 100 thủ khoa xuất sắc được vinh danh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám hồi tháng 8/2016, đến nay nữ thủ khoa Bùi Thị Hà vẫn thất nghiệp.

Chính sách trải thảm đỏ tuyển dụng vô hình trung tạo tâm lý ỷ lại

Về vấn đề này, ông Vũ Mạnh Cường - nhà báo kiêm giảng viên về báo chí, truyền thông quan điểm: “Chính sách trải thảm đỏ tuyển dụng thủ khoa ở một vài địa phương đã vô hình trung khiến nhiều thủ khoa trở nên thụ động. Họ ngồi chờ xem bao giờ thì thảm đỏ được trải ra và mình có thể ung dung bước lên tấm thảm đó”.

Ông Cường cho hay, cá nhân ông biết một số thủ khoa không hề thực sự là người giỏi và năng động. Họ học gạo và với kiểu thi cử như hiện nay ở nhiều trường đại học, các sinh viên này cứ tằng tằng nhận được điểm tốt sau mỗi kỳ thi. Và xã hội lẫn chính bản thân họ tưởng rằng họ giỏi thật.

Những sinh viên ấy mải mê học gạo mà quên trang bị cho mình những kỹ năng mềm. Họ cũng ít chịu va chạm với xã hội để có trải nghiệm giao tiếp thực tế.

Đã có những câu chuyện dở khóc dở cười về những trường hợp thủ khoa. Được tuyển dụng vào cơ quan, họ không biết phải thực hiện công việc như thế nào. Người tuyển dụng lúc đó mới vỡ lẽ ra thủ khoa chỉ giỏi những kiến thức mà nhà trường truyền thụ, trong khi công việc thực tế lại khác xa một trời một vực.

“Cách đây hai năm, Thành đoàn Hà Nội dẫn nguồn từ Sở Nội vụ Hà Nội cho hay thủ khoa ở một số trường sau khi được thành phố tuyển dụng về công tác đã không đáp ứng được yêu cầu công việc. Chẳng nhẽ phải phân công người đào tạo lại thủ khoa cho thích hợp với công việc? Và đã có những thủ khoa phải lặng lẽ nghỉ việc...”, giảng viên này dẫn chứng.

Hơn một năm trôi qua, Thủ khoa Bùi Thị Hà vẫn mong ngóng, chờ đợi cơ hội để hiện thực ước mơ thi vào biên chế giáo viên của tỉnh Hà Giang.

Cớ gì “bó mình” chờ... biên chế?!

Quan tâm đến giáo dục, theo dõi thông tin câu chuyện, Luật sư Lê Luân (Hà Nội) cho rằng, câu chuyện nữ thủ khoa về quê chăn lợn cùng mẹ là nỗi buồn của giáo dục.

Việc nói cô gái này thất nghiệp là theo chuẩn khái niệm của Liên Hiệp Quốc, nghĩa là không làm đúng với ngành nghề được đào tạo trong một thời gian dài, không có thu nhập thường xuyên.

Cô này được vinh danh tại Văn Miếu, tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc ngành Sư phạm Ngữ văn. Nhưng hơn một năm nay, từ 2016 cho đến thời điểm này, cô gái vẫn một mực ở nhà nuôi lợn và chờ đợi đợt thi tuyển công chức ở tỉnh nhà mà từ chối các lời mời đi dạy ở các trường khác (mới đây nhất có trường Bigshool, một trường tư).

Ông Lê Luân nhấn mạnh: “Hành động này thể hiện rõ nét hai điều sau của đa phần cử nhân, thạc sỹ của Việt Nam.

Một là, chỉ thích vào công chức nhà nước mà không muốn làm ở các khu vực ngoài công lập vì coi đó là một sự an toàn và ổn định cho sự nghiệp cho bản thân, cũng là sự hãnh diện cho gia đình, dòng họ.

Hai là, họ rất thụ động và tự hạn chế lựa chọn cơ hội của chính mình. Họ có thể còn thiếu tự tin về chính kiến thức và kỹ năng của mình nếu phải bươn chải ở ngoài. Và vì từ chối đi làm để học hỏi và trau dồi kinh nghiệm, tri thức nên họ cũng bộc lộ luôn điểm yếu của những người học là thiếu đi tầm nhìn, năng lực tự lập (kỹ năng sống) và sự cầu thị trong nghề nghiệp, chuyên môn”.

“Điều đáng thương và cũng đáng trách là nữ thủ khoa ngồi chờ đợi và kiên quyết chờ đợi vào cái nơi mà cô ta và những người thiếu tự tin luôn muốn tìm tới là sự an nhàn và ổn định trong môi trường biên chế công chức nhà nước”, vị này nhấn mạnh thêm.

Thủ khoa là người có nỗ lực trong học tập và đạt được thành tích tốt trong mấy năm ngồi trên ghế trường đại học. Những thành tích học tập luôn đáng hoan nghênh, nhưng đó chỉ là điều kiện cần, không là điều kiện đủ để giúp người mới ra trường có một việc làm tốt.

“Thế nên các bạn thủ khoa hãy thực tế. Điểm số chỉ là thành tích xếp loại học kiến thức của bạn ở trường đại học. Khi ra đời bạn trở nên bình đẳng như những người khác. Há miệng chờ sung thì sung hoặc không rụng, hoặc khi rụng đã có người khác nhanh tay hơn hứng mất rồi.

Do vậy, đừng ỉ lại vào thành tích học tập, mà hãy tự trang bị cho mình những kỹ năng, kiến thức và trải nghiệm thực tế. Nếu bạn không chứng tỏ được bạn cần đối với nhà tuyển dụng và đem lại lợi ích thật sự cho họ qua công việc, thì chuyện phải chấp nhận làm lao động chân tay là viễn cảnh rất thực tế. Hãy tự mở cánh cửa cho chính mình”, ông Vũ Mạnh Cường nhắn nhủ.

Nhiều ý kiến cho rằng, có một bộ phận thủ khoa quá ỷ lại vào thành tích học tập hay tấm bằng có được.

Luật sư Luân băn khoăn: “Không biết cô gái này sẽ dạy những áng văn nào với tư duy và nhận thức như thế. Không có kỹ năng sống, kết quả của đào tạo điểm chác dù có cao, nhưng trong hệ thống đào tạo này, với mặt bằng đánh giá (mà tiến sỹ như lợn con) và với môi trường con người này thì nó có giá trị thực sự cho cuộc sống hay không?

Có một cô gái cũng đã từng tốt nghiệp thủ khoa trường Đại học Giao thông Vận tải, sau khi được đi Malaysia, Nhật và tiếp xúc với các bạn sinh viên nước ngoài mới vỡ ra rằng bản thân còn quá kém cỏi, thiếu kỹ năng trầm trọng và cái bằng thủ khoa không có mấy ý nghĩa khi bước chân ra ngoài đời (làm việc). Hay chuyện cử nhân toán đi làm bốc vác, cử nhân luật đi bán bún đậu mắm tôm, thạc sỹ đi bán dâm,… không thiếu những "bi kịch" của giáo dục hiện nay. Nếu tệ hơn nữa, một cô gái thủ khoa trường Thể dục thể thao đã tự tử vì bế tắc khi hai năm liền không xin được việc”.

“Đó chính là vấn nạn của nền giáo dục nước nhà, là bệnh thành tích (và tính học vẹt) cũng như không có môi trường để những người học (thực tài) có cơ hội làm việc và cống hiến”, ông Luân nhận định.

Tác giả: Lệ Thu (ghi)

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok