Trong con ngõ hẻm 03/58 đường Tô Vĩnh Diện, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa nơi gia đình Thượng tá Hoàng Mai Vui sinh sống ảm đạm, u buồn. Những cơn mưa rả rích vẫn tiếp diễn không ngừng nghỉ. Hay tin, nội, ngoại dưới quê, bà con lối xóm không quản ngại bão gió đến động viên, thăm hỏi gia đình. Theo người dân khu phố Thượng tá Hoàng Mai Vui là người sống chan hòa nên hàng xóm ai cũng yêu quý, những ngày nghỉ, anh thường đến nhà hàng xóm thăm hỏi, động viên, giúp đỡ khi ai đó có hoàn cảnh khó khăn. Hay tin anh gặp nạn, cả phố u buồn.
Căn nhà nhỏ chật kín người đến thăm, chia sẻ, động viên, trên tầng 2 ngôi nhà, bà Tống Lê Mỹ Linh (vợ thượng tá Vui) mấy ngày qua khóc ngất liên tục, không nói nên lời. Người nhà phải túc trực 24/24 giờ để chăm sóc. Cũng vì bà bị sốc, đau đớn đến kiệt sức khi mất chồng, nên bà không đủ sức khỏe vào trong Thừa Thiên - Huế đưa chồng về quê, thi thoảng lại có người hốt hoảng: "xem tình hình thế nào gọi y tá hay tiêm thuốc trợ lực cho chị Linh chị kiệt sức mất!"
Vợ chồng thượng tá Vui được 2 người con, con lớn vừa đỗ vào Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, chuẩn bị ra nhập trường. Người con thứ hai năm nay mới bước vào lớp 10 THPT chuyên Lam Sơn.
Rất đông người dân, đồng đội đến chia buồn tại gia đình Thượng tá Hoàng Mai Vui |
Ngồi thất thần cạnh chị Linh, bà Hoàng Thị Ngọc (chị gái Thượng tá Vui) buồn bã: "Vui là người chính trực, rất có trách nhiệm với công việc, gia đình. Dù bận rộn, nhưng lần nghỉ phép hay công tác tiện rẽ về nhà lần nào là mua đủ thứ quà cho con, cho vợ, cứ như lo vợ con ở nhà bị đói. Tối đến, Vui lại kéo mấy đứa nhỏ vào bàn, kiểm tra bài vở, học hành của con…
Em nó bảo ngày hôm nay (thứ 6, ngày 16/10) sẽ về tổ chức liên hoan cho bé Hiếu đậu đại học, rồi trực tiếp đưa cháu đi nhập học. Vậy mà!... ", bà Ngọc quệt ngang dòng nước mắt nói không thành lời.
Theo người thân, Thượng tá Hoàng Mai Vui có con trai đầu Hoàng Mai Trung Hiếu vừa đậu Học viện Y dược cổ truyền Hà Nội trước khi anh vào đơn vị công tác. Anh hứa với con sau chuyến công tác này, cuối tuần sẽ về đưa con đi nhập học. Nhưng lời hứa mãi mãi không thực hiện được. Anh đã ra đi đầy tiếc thương trong chuyến công tác tại Thừa Thiên Huế trong những ngày Miền Trung chìm trong nước lũ.
Bà Lê Thị Mai (mẹ vợ anh Vui) nghẹn ngào: "Linh khóc suốt từ lúc hay tin chồng. Tôi lo lắm. Hai đứa nhỏ thì cứ ôm mẹ vừa khóc vừa gọi tên bố. Không gì thay đổi thì ngày hôm nay Vui về. Con rể tôi đã báo cáo đơn vị là đổi lịch để về tổ chức liên hoan, mừng cháu đầu Hoàng Mai Trung Hiếu đậu trường Đại học Y học cổ truyền Hà Nội. Thằng bé nó cứ gào khóc gọi bố ơi sao nay bố không về".
Trước đó, ngày 12/10, sau khi nhận được tin báo điện thoại ngắn ngủi của một công nhân về sự cố sạt lở tại nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, thuộc địa bàn xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, qua xác minh có 17 công nhân tại đây mất tích. Lãnh đạo Quân khu 4 và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thành lập đoàn công tác gồm có 21 người để tiếp cận hiện trường ngay trong ngày.
Khi đi đến khu vực có gầm tràn sâu trên đường 71, xe ô tô không qua được, đoàn để lại xe và đi bộ vào thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 13km. Đến khoảng 21h ngày 12/10, do mưa rất lớn, nước chảy xiết, đường đi trơn trượt, nguy hiểm, đoàn đã phải dừng chân, nghỉ tại nhà kiểm lâm tại Tiểu khu 67, Trạm Kiểm lâm sông Bồ. Khoảng 24h cùng ngày, bất ngờ đất đá đổ xuống đè lên tòa nhà đoàn đang nghỉ, có 8 người thoát khỏi, 13 cán bộ, chiến sỹ mất liên lạc. Đường đến các khu vực này bị chia cắt.
Các lực lượng chức năng nỗ lực tìm mọi cách để tìm tung tích các nạn nhân. Tính đến hết ngày 15/10, đã xác định được vị trí của đoàn cứu hộ. Lực lượng chức năng đã tìm thấy tất cả 13 thi thể cán bộ, chiến sỹ tại khu vực Tiểu khu 67, Trạm Kiểm lâm sông Bồ.
Tác giả: Gia Hân
Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội