Ngày 3/8, Sở Tư pháp Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2017. Tại đây, nhiều cán bộ tư pháp của TP Hà Nội dành thời gian “mổ xẻ” sự việc liên quan đến việc người dân chia sẻ bức xúc về hành trình gian nan đi làm giấy chứng tử cho người thân.
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hằng - Trưởng phòng Hành chính tư pháp, Sở Tư pháp TP Hà Nội cho rằng, vừa qua trên địa bàn thành phố xảy ra hai vụ việc “nóng” liên quan đến lĩnh vực tư pháp, trong đó có vụ việc ở phường Văn Miếu (quận Đống Đa) và ở phường Trương Định (quận Hoàng Mai). Bà Hằng đánh giá, đây là hai vụ việc rất nhỏ liên quan đến ngành tư pháp nhưng lại gây ra nhiều ý kiến khác nhau trong việc giải quyết thủ tục hành chính.
Cán bộ ngành tư pháp Hà Nội trao đổi tại hội nghị |
Theo bà Hằng, dù Sở Tư pháp Hà Nội tổ chức rất nhiều hội nghị tập huấn những vấn đề liên quan đến công tác giải quyết thủ tục hành chính cho cán bộ tư pháp các cấp của TP Hà Nội nhưng ở nhiều địa bàn vẫn xảy ra những vụ việc đáng tiếc, trong đó gần đây nhất là “lùm xùm” trong việc cấp giấy chứng tử ở phường Văn Miếu.
Bà Hằng nhận định, xem xét lại một số vụ việc nóng xảy ra trên địa bàn thành phố thì thấy, cán bộ tư pháp “không chết” vì trình độ, mà chủ yếu “chết” vì thái độ ứng xử với công dân. “Chúng ta không đòi hỏi cán bố có trình độ cao siêu, mà chỉ yêu cầu thái độ và cách ứng xử của cán bộ với người dân”, bà Hằng nói.
Một trong những vấn đề nổi cộm còn tồn tại trong ngành tư pháp của TP Hà Nội hiện nay được bà Hằng phân tích rõ đó là những khó khăn, vướng mắc của người dân đi đăng ký hộ tịch.
Cụ thể, theo bà Hằng, về nguyên tắc, người dân được lựa cho nơi đăng ký hộ tịch ở phường xã. Tuy nhiên, nhiều cán bộ khi thấy vướng mắc lại đẩy lên quận, huyện làm. Trong trường hợp người dân đang tạm trú muốn đăng ký thường trú thì chỉ cần có văn bản gửi về nơi công dân thường trú là xong.
“Chỉ thế thôi, chúng ta cứ làm đúng theo quy định của pháp luật có gì đâu mà phải sợ”, bà Hằng nêu quan điểm.
Bà Hằng cũng đưa ra ví dụ về quy định đăng ký khai sinh không cần xuất trình giấy đăng ký kết hôn của bố mẹ, mà người dân chỉ cần xuất trình giấy tờ chứng minh nơi cư trú.
“Nếu công dân đang ở Thanh Hóa nhưng có xác nhận tạm trú của công an xã phường Cầu Giấy chẳng hạn thì người ta hoàn toàn có thể ra đó đăng ký khai sinh cho con cái tại Cầu Giấy. Tại sao xã phường cứ lấn cấn để người dân chạy đi chạy lại những việc rất đơn giản”, bà Hằng đặt vấn đề.
Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội - Phạm Thanh Cao lấy ví dụ cụ thể vụ việc xảy ra ở phường Văn Miếu để phân tích rõ những vấn đề có thể xảy ra trong lĩnh vực tư pháp mà cán bộ ở bộ phận một cửa phải đối mặt, giải quyết. Vụ việc cũng đã được Đoàn thanh tra công vụ TP Hà Nội xem xét kỹ lưỡng, phân tích rõ đúng sai của cán bộ và cả người dân.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội - Phạm Thanh Cao trao đổi với cán bộ tư pháp Hà Nội trong vụ việc xảy ra ở phường Văn Miếu |
“Trong vụ việc ở Văn Miếu, mọi việc rõ rồi. Đúng là có vấn đề thái độ. Nhiều cán bộ có thái độ đối xử chưa đúng chuẩn mực, không biết ở xã thì thế nào nhưng ở một số phường thì có chuyện đó”, ông Cao nhấn mạnh.
Nhìn lại năm 2016 với ngành tư pháp, ông Cao cho biết, ông cảm thấy rất "đau" nhưng vẫn phải xử lý cán bộ tư pháp cấp phường, thậm chí cả Chủ tịch phường để xảy ra sai sót trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Do đó, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội yêu cầu phải chấn chỉnh lại thái độ của cán bộ ngành tư pháp đối với người dân. Theo đó, thời gian tới, ngành tư pháp Hà Nội sẽ tập huấn cách ứng xử, xử lý tình huống trong quá trình thực thi nhiệm vụ bởi trên thực tiễn có quá nhiều chuyện cần rút kinh nghiệm. Ông Cao yêu cầu các cán bộ tư pháp phải rút kinh nghiệm, dứt khoát sau này không để xảy ra vụ việc như ở phường Văn Miếu.
“Tôi hy vọng sự việc vừa xảy ra là một bài học không phải đối với lãnh đạo phường Văn Miếu (Quận Đống Đa) mà cho toàn cán bộ ngành tư pháp. Do đó, các quận huyện cần tăng cường tổ chức tập huấn, giáo dục cách ứng xử của cán bộ cơ sở với người dân”, ông Cao nói.
Tác giả: Quang Phong
Nguồn tin: Báo Dân trí